(CTT-Đồng Nai) - Khi người thầy chuẩn mực, hết lòng vì học trò thì học trò cũng sẽ đền đáp lại bằng những tình cảm ấm áp, chân thành. Vì vậy, dẫu xã hội có nhiều biến đổi thì tình cảm chân thành, cao quý giữa thầy và trò vẫn luôn là điều thiêng liêng đọng lại trong trái tim mỗi thế hệ học trò.
Học sinh Trường Trung học phổ thông Xuân Lộc phỏng vấn thầy Hiệu trưởng Kiều Mạnh Hà để chuẩn bị nội dung cho một bài thực hành
Học sinh Trường Trung học phổ thông Xuân Lộc phỏng vấn thầy Hiệu trưởng Kiều Mạnh Hà để chuẩn bị nội dung cho một bài thực hành
Những clip “triệu view” về tình cảm thầy - trò
Trong tháng 10, có 2 clip “triệu view” ghi lại khoảnh khắc đầy xúc động về tình thầy - trò được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Đó là clip học sinh Trường trung học phổ thông Phan Chu Trinh (huyện Ea H'leo, tỉnh Đăk Lăk) bày tỏ tình cảm với thầy Hiệu trưởng Hoàng Minh Ngọc sau 9 năm thầy công tác ở ngôi trường này.
Theo clip, khi thầy Hoàng Minh Ngọc vừa bước vào sân trường thì hàng ngàn học sinh đã chờ sẵn ở các dãy hành lang lớp học vẫy tay chào đón thầy trong tiếng reo hò. Các em còn căng những tấm băng rôn in hình thầy Ngọc với những dòng chữ cảm ơn. Tiếp đó, hàng trăm học sinh đã ùa xuống sân trường, gửi đến thầy hiệu trưởng những đóa hoa và nói lời tri ân.
Giữa sân trường, thầy hiệu trưởng chia sẻ: "Thầy vô cùng cảm động với tất cả những gì Trường THPT Phan Chu Trinh đã tổ chức. Đến ngày về hưu, đây là một buổi chia tay thật nhiều ấn tượng, cảm động và không thể nào quên được. Thầy xin cảm ơn các em. Thầy trân trọng cảm ơn".
Đó là clip những học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Sơn Liên (huyện miền núi Sơn Tây, Quảng Ngãi) khóc nức nở khi chia tay thầy Nguyễn Ngọc Duy sau 13 năm công tác tại trường.
Theo đó, tối 10-10, trước khi về xuôi công tác ở ngôi trường mới, thầy Nguyễn Ngọc Duy đến khu nội trú của trường để tạm biệt học trò và có vài lời căn dặn riêng học sinh lớp 4B mình đang chủ nhiệm. Nhưng không chỉ học sinh lớp 4B mà toàn bộ học sinh khu nội trú đã tập trung sẵn ở đó. Các em òa khóc và ôm chầm lấy thầy, khiến thầy Duy cũng không cầm được nước mắt.
Hai clip về 2 người thầy ở những cương vị khác nhau, đối tượng học trò khác nhau nhưng đều cho thấy những tình cảm chân thành, ấm áp giữa thầy và trò. Tình cảm đó chạm đến trái tim của tất cả người xem clip, mang lại niềm tin về những giá trị tốt đẹp, thiêng liêng về tình cảm thầy - trò trong bối cảnh xã hội có nhiều biến đổi. Đó cũng là minh chứng rõ nét, khẳng định những giá trị đạo đức tốt đẹp từ ngàn xưa của dân tộc sẽ không bị phai mờ.
Hạnh phúc của nghề dạy học
Cô Hoàng Thị Ngọc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn An Ninh tâm sự: “Tôi rất vui và hạnh phúc vì tới bây giờ có những học sinh tốt nghiệp đã lâu vẫn quay về trường, xem trường như ngôi nhà thân thương của mình. Hay có những học sinh tôi chủ nhiệm từ khi học lớp 5 đến nay đã thành gia lập thất vẫn ôm chầm lấy cô giáo cũ, nhắc về những bài học ngày xưa. Những tình cảm đó rất đáng trân trọng, là hạnh phúc của người làm nghề dạy học”.
Phạm Nguyên An Nhiên, lớp 9/2, Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn, thành phố Long Khánh bày tỏ, trong những năm học qua, em đã nhận được rất nhiều tình cảm yêu thương của nhiều thầy cô. “Em thấy mình thật may mắn và rất biết ơn về điều đó. Người thầy có ấn tượng nhất với em là thầy Trọng - người gieo cho em niềm đam mê với Toán học. Em gọi thầy là ba Trọng. Ba Trọng luôn xem em như con gái. Ba sẵn sàng chở em đi học khi ba mẹ em bận đi làm. Nhà có món gì ngon ba cũng rủ chúng em ăn cùng. Chỉ cần em tới lớp trễ vài phút là ba đã hỏi han xem em ở đâu. Chính vì sự quan tâm, gần gũi của ba Trọng mà những giờ học Toán của em luôn nhẹ nhàng, thú vị. Em thật sự rất yêu quý và xem thầy như người ba thứ hai của mình”.
An Nhiên cho rằng, tình cảm thầy - trò sẽ tốt đẹp khi có sự thấu hiểu, chân thành từ 2 phía. Người thầy, người cô cần hiểu được tâm lý của từng học trò, không gắn mác, dán nhãn lên học sinh, đối xử với học sinh nhẹ nhàng, bao dung như với con mình. Còn học sinh cũng phải hiểu được đạo lý “tôn sư trọng đạo”, biết kính trọng thầy cô, biết ơn những gì thầy cô truyền đạt và dạy dỗ, đồng thời bày tỏ sự tin tưởng vào thầy cô.
An Nhiên cho biết, bản thân em không có hình mẫu về người thầy, người cô lý tưởng, vì mỗi thầy cô với những tính cách riêng đều có thể mang đến những điều thú vị: có thầy hài hước, vui tính; có cô dịu dàng, thấu cảm; có người trẻ trung, gần gũi. “Thầy cô nào cũng là mẫu hình được chúng em yêu thích, miễn là có lòng yêu trẻ”, An Nhiên cho hay.
Trần Lê Đức Việt, lớp 12C14, Trường Trung học phổ thông Xuân Lộc chia sẻ: “Em có tình cảm yêu mến đặc biệt với thầy Hà, thầy hiệu trưởng trường em. Sự tận tâm và ân cần của thầy đã làm cho em có tình cảm đó. Thầy luôn quan tâm những điều nhỏ nhặt, động viên em trong những kỳ thi học sinh giỏi, đồng hành cùng em trong nhiều cuộc thi khác nhau. Thầy cũng là người nghiêm khắc và thẳng thắn, thầy thường góp ý cho em để em có thể ứng xử khéo léo và chuẩn mực hơn”.
Theo Đức Việt, để xây dựng được tình cảm tốt đẹp giữa hai thầy trò thì sự trân trọng cần đến từ hai phía. Người thầy cần trân trọng sự quý mến và tin tưởng của học sinh, còn học trò cần trân trọng và biết ơn sự dìu dắt, dạy bảo của thầy.
Nhiều năm nay, Trường Trung học phổ thông Xuân Lộc đều tổ chức cuộc thi viết thư tri ân thầy cô. Hàng năm, có hàng trăm bức thư gửi cho thầy Kiều Mạnh Hà, Hiệu trưởng nhà trường để bày tỏ lòng yêu mến.
Là người được đón nhận nhiều tình cảm từ học trò, thầy Hà cho rằng, trong thời đại công nghệ và sự phát triển của xã hội như hiện nay thì sự quan tâm, tình cảm giữa thầy - trò không còn đơn sơ, mộc mạc như trước. Điều đó không có nghĩa là tình cảm thầy - trò không còn như xưa mà chỉ là cách quan tâm, sự thể hiện tình cảm giữa thầy - trò đã khác đi.
“Trước đây, vào dịp cuối tuần, giáo viên có thể đạp xe hàng chục cây số để đến nhà thăm học trò, ăn với gia đình học trò 1 bữa cơm khiến cho tình cảm thêm khăng khít. Nhưng bây giờ phương tiện liên lạc thuận lợi, thầy cô sẽ chọn cách tương tác với học trò qua tin nhắn, điện thoại. Như vậy, thầy cô vẫn quan tâm học trò, vẫn tâm huyết với nghề, vẫn sống chuẩn mực với cương vị giáo viên… Không phải chỉ ở biên giới, hải đảo, vùng sâu vùng xa mà ở cả vùng đô thị, thầy cô luôn dõi theo từng bước học sinh; uốn nắn, chỉ bảo các em. Sự quan tâm ấy được chia sẻ cởi mở hơn qua mạng xã hội, bằng cách nhắn tin, hỏi han, động viên…”, thầy Hà cho hay.