Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Đồng bào dân tộc thiểu số Long Khánh chủ động thực hiện mô hình an sinh

(CTT-Đồng Nai) - Thời gian qua, đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) tại thành phố Long Khánh đã ghi dấu ấn trong xây dựng mô hình thực hiện công tác an sinh xã hội, xây dựng quê hương…

Trẻ em các dân tộc tại phường Bàu Sen thành phố Long Khánh tham gia lớp luyện tập bóng đá miễn phí.
Trẻ em các dân tộc tại phường Bàu Sen thành phố Long Khánh tham gia lớp luyện tập bóng đá miễn phí.

Điều này đã góp phần thể hiện vai trò của đồng bào DTTS trong bảo tồn văn hóa, phát triển kinh tế…

Chủ động lo cho con em học tập

Chỉ trong năm 2023, đồng bào các DTTS trên địa bàn thành phố đã vận động mạnh thường quân, nhà hảo tâm ủng hộ trao gần 1,6 ngàn phần quà cho đồng bào DTTS nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, tàn tật với số tiền 585 triệu đồng. Đồng thời, 60 học sinh là con em đồng bào DTTS nghèo, hoàn cảnh khó khăn có thành tích học tập tốt đã được người có uy tín trong cộng đồng hỗ trợ thường xuyên để đến trường.

Như tại xã Bảo Quang, nơi có đông thành phần DTTS sinh sống như: Chơro, Hoa, Tày, Nùng…, đã hình thành mô hình Cộng đồng các DTTS tiếp sức đến trường. Mô hình có 24 thành viên tham gia là đồng bào các DTTS sinh sống tại địa phương. Từ năm 2018 đến nay, mỗi tháng, từng thành viên tự tiết kiệm trong chi tiêu của gia đình để góp 500 ngàn đồng xây dựng quỹ cho mô hình. Đặc biệt, trước mỗi dịp trao tặng quà vào đầu năm học mới, tổng kết năm học hay khi nhận được tin học sinh hoàn cảnh khó khăn cần xe đạp, quần áo, hỗ trợ điều trị bệnh là các thành viên vận động thêm từ người thân, bạn bè đến hỗ trợ.

Tương tự, tại xã Bình Lộc, nhiều năm qua, mô hình Khuyến học trong cộng đồng người Hoa đã được duy trì đều đặn, qua đó giúp nhiều học sinh các dân tộc có thêm điều kiện thuận lợi đến trường. Định kỳ hàng năm, thông qua đóng góp, đồng bào trao từ 100-160 suất học bổng cùng đồng phục cho học sinh thuộc gia đình khó khăn, trẻ mồ côi. Tại đây còn duy trì mô hình Dạy ngoại ngữ miễn phí cho mọi người.

Cùng với đó, đồng bào các DTTS tại Long Khánh còn chú trọng trong thực hiện các mô hình bảo vệ môi trường do địa phương phát động. Cụ thể, trong quá trình chăm sóc vật nuôi, cây trồng, bà con đã chú trọng thu gom chai thuốc trừ sâu, bao bì phân bón, kim tiêm và lọ thuốc trong chăn nuôi sau khi sử dụng. Điều này giúp giảm nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước, không khí cũng như tai nạn thương tích có thể gây ra từ mảnh chai thuốc trừ sâu cho từng thành viên trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, định kỳ hàng tuần hay hàng tháng, bà con trong ấp cùng nhau thu gom rác, phát quang dọc các tuyến đường. Những đoạn mương bị sụt lún được bà con khơi thông dòng chảy. Thêm vào đó, nếu trước đây, bà con có thói quen đem vứt rác thải sinh hoạt, động vật chết ở các dòng suối hay nơi nào vắng vẻ thì nay đã không còn tình trạng này.

Phát huy bản sắc văn hóa

Thành phố Long Khánh hiện là nơi sinh sống của 12 DTTS với gần 16 ngàn người. Trong số này, có 21 cá nhân được công nhận là người có uy tín trong đồng bào DTTS. Thời gian qua, được sự quan tâm của chính quyền các cấp, đồng bào các DTTS tại đây đã phục hồi, duy trì tổ chức các lễ hội truyền thống.

Trong quá trình diễn ra các lễ hội, chính quyền địa phương không chỉ đóng vai trò khách mời đến chung vui, mà còn hướng dẫn, tư vấn và tham gia tích cực cùng đồng bào vào khâu chuẩn bị để công tác tổ chức lễ hội suôn sẻ, đem đến niềm vui và ý nghĩa trọn vẹn.

Nhờ vậy mà theo Trưởng phòng Dân tộc thành phố Long Khánh Đặng Thanh Hiếu, mỗi năm thành phố đều đặn diễn ra Lễ hội Sayangva, Sayangri của đồng bào Chơro tại các xã: Hàng Gòn, Bàu Trâm, Bảo Quang. Riêng đồng bào Hoa có lễ hội vía Quan Âm, Tả Tài Phán ở các xã, phường: Bình Lộc, Bàu Sen, Xuân Trung. Còn Tết Chol Chnam Thmay của đồng bào Khmer được tổ chức tại phường Phú Bình…

Già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Chơro xã Hàng Gòn Nguyễn Văn Long cho hay, có thời điểm, lễ hội của đồng bào Chơro không tổ chức được vì không còn người thực hành nghi lễ. Bên cạnh đó, đời sống của bà con còn khó khăn nên không có nguồn lực làm lễ hội chung cho cả cộng đồng, lễ hội chỉ giới hạn trong nhà già làng với thầy cúng, cùng một số ít người…

Nhờ sự quan tâm của chính quyền các cấp, đội cồng chiêng trong cộng đồng được cấp nhạc cụ, có trang phục truyền thống và tổ chức truyền dạy lại bài bản cồng chiêng. Khi tổ chức lễ hội, chính quyền hỗ trợ kinh phí cùng việc chuẩn bị để bà con thực hành nghi lễ trong lễ hội.

Còn đối với đồng bào dân tộc Khmer tại phường Phú Bình, lễ hội nào của đồng bào Khmer cũng nhận được sự quan tâm, chia vui của chính quyền địa phương. Trong quá trình đồng bào thực hiện các hoạt động tín ngưỡng, lễ hội luôn được tạo điều kiện thuận lợi. Như mới đây, qua công tác phối hợp, đồng bào đã xúc tiến hoạt động tổ chức dạy nhạc ngũ âm, dạy tiếng nói của cộng đồng với sự trợ giúp của chính quyền địa phương mà trực tiếp là Phòng Dân tộc thành phố.
Bên cạnh đó, trong các dịp tổ chức lễ hội, nhiều hoạt động thiết thực cũng được lồng ghép như: tặng quà cho bà con có hoàn cảnh khó khăn, phát động đóng góp chung tay vì người nghèo, trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó…

Như tại xã Bình Lộc, mỗi kỳ Lễ hội Tả Tài Phán diễn ra, thông qua các hoạt động đấu giá đèn gây quỹ, Ban tổ chức đều trao hàng chục suất học bổng cho học sinh vượt khó, tặng quà cho bà con nghèo ở địa phương.
Nguyễn Vân

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang