(CTT-Đồng Nai) – Tết Độc lâp đầu tiên (2-9-1945) đã cách nay 78 năm. Với nhiều thế hệ người Việt, Tết Độc lập mãi mãi là dấu son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước.
Với các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND), Tết Độc lập còn ý nghĩa hơn rất nhiều. Bởi bên cạnh dấu son chói lọi, mốc vàng mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc thì đây còn là thành quả to lớn của sự hy sinh xương máu, của những người con anh dũng đã nằm lại khắp mọi miền Tổ quốc, cho nền độc lập nở hoa sáng ngời.

Thượng tướng, Viện sĩ, AHLLVTND Nguyễn Huy Hiệu tại Văn phòng Viện sĩ
Thượng tướng, Viện sĩ, AHLLVTND Nguyễn Huy Hiệu tại Văn phòng Viện sĩ
*Ý nghĩa vô giá
Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng là người được phong tặng danh hiệu AHLLVTND còn khá trẻ khi ông vừa 26 tuổi. Ông nhớ lại một trong những trận đánh mà ông không bao giờ quên chính là trận đánh Đồi Không Tên, thuộc H.Cam Lộc, tỉnh Quảng Trị trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 làm rung chuyển Lầu Năm Góc, buộc Mỹ phải ngồi đàm phán, từng bước đi đến ký kết Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Sau trận đánh “để đời” này, ông đã viết bài thơ: “Tết này con bận việc quân/ Đường Xuân quê mẹ vắng chân con về…Bước đường trăm núi ngàn khe/Vẫn nghe quấn quýt Xuân quê bên minh/ Ngụy trang trong gió rung rinh, Ngỡ đâu cánh bướm nặng tình quê hương”…
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nhấn mạnh, để có Tết Độc lập, có hòa bình như hôm nay cái giá chúng ta phải trả là vô cùng lớn. Và, bài học quý được rút ra sau những thắng lợi của các cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập chính là đoàn kết toàn dân.
“Bài học này cần được tiếp tục phát huy, nhất là trong giai đoạn hiện nay, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc thì vấn đề đoàn kết toàn dân, đoàn kết quân dân, đoàn kết giữa Việt Nam và các nước yêu chuộng hòa bình trên thế giới…là vô giá, là ý nghĩa và bài học quý mà Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9 cũng như các cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập đã mang lại”, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu bộc bạch.

AHLLVTND Binh chủng Hóa học và cán bộ chiến sĩ trẻ lữ đoàn 87 nhân kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống (19-4-1968)
AHLLVTND Binh chủng Hóa học và cán bộ chiến sĩ trẻ lữ đoàn 87 nhân kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống (19-4-1968)
*Chiến thắng của lòng dân
AHLLVTND Nguyễn Văn Lân nay đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm” nhưng với ông, cảm xúc về Tết Độc lập và thành quả bảo vệ Tổ quốc mãi sẽ không bao giờ phai mờ. Nhập ngũ năm 1960, AH LLVTND Nguyễn Văn Lân, người con của vùng quê phố cổ Đường Lâm, Hà Nội, năm nay đã 85 tuổi đời, 57 năm tuổi đảng; nguyên Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 14; Tham mưu phó Lữ đoàn 429, Binh chủng Đặc công đã có 10 năm chiến đấu trên chiến trường miền Đông Nam bộ.
Theo Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Lân, tình cảm của Nhân dân là động lực thôi thúc mỗi người lính như ông thêm quyết tâm bội phần “Khi chúng tôi vào đến Quận 8 thì có một cụ già vỗ vai tôi và nói rằng, các cậu đừng rút như xuân 68 nữa, đánh mạnh lên”, ông Lân bồi hồi kể lại.
78 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, AHLLVTND Nguyễn Văn Lân cho rằng, chúng ta có được những thành quả này chính là tình cảm của người dân hay bài học về mối đoàn kết quân- dân gắn bó. “Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9 cũng như cuộc kháng chiến 30 năm bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc chính là thắng lợi của việc chúng ta xây dựng thành công thế trận lòng dân. Đúng như Bác Hồ đã dạy: “Cách mạng muốn thắng lợi phải dựa vào dân. Dân giúp nhiều cách mạng thắng lợi nhiều và ngược lại”, ông Lân chia sẻ.
Ghi lại cảm xúc của những người anh hùng vào dịp đặc biệt càng giúp mỗi chúng ta, nhất là thế hệ hôm nay phải tiếp tục sống xứng đáng, kế thừa truyền thống cha ông, tinh thần Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9, phấn đấu vươn lên, đoàn kết xây dựng và bảo vệ vững chắc nền Độc lập, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa, chủ động từ các hướng.