Kỷ niệm 73 năm Ngày Cách mạng tháng Tám thành công: Vẹn nguyên giá trị lịch sử

Thứ năm - 16/08/2018 22:33
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  

Thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một sự kiện vĩ đại trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Diễn ra và giành thắng lợi trong một thời gian ngắn nhưng Cách mạng tháng Tám đã để lại nhiều bài học quý báu, vẹn nguyên giá trị cho đến hôm nay. Đó là bài học về nắm bắt thời cơ, xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại...​

73 năm đã trôi qua nhưng ký ức hào hùng về những ngày tháng Tám lịch sử vẫn còn in đậm trong tâm trí của nhiều cán bộ tiền khởi nghĩa, những người từng chứng kiến giờ phút thiêng liêng: Đất nước độc lập, nhân dân được làm chủ vận mệnh của chính mình.

Chớp thời cơ, giành thắng lợi

Từ năm 1945, quân đội Xô Viết ngày càng giành được nhiều thắng lợi, giải phóng hàng loạt nước ở châu Âu và tiến thẳng vào sào huyệt của phát xít Đức ở Berlin… Ngày 8-8-1945, Liên Xô tuyên chiến với phát xít Nhật, đẩy quân đội Nhật vào tình thế thất bại. Ngày 13-8-1945, Nhật Hoàng đã chấp nhận đầu hàng Đồng minh. Tin đó đến với lãnh tụ Hồ Chí Minh qua bản tin đài BBC mà Người nghe được ở lán Nà Lừa, Tân Trào (tỉnh Tuyên Quang). Lúc này, thời cơ có một không hai đã đến, Người nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp: “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được tự do độc lập!”.

Không chậm trễ, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp đã quyết định thông qua kế hoạch Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước. Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, ra Quân lệnh số 1 và khẳng định: “Giờ tổng khởi nghĩa đã đến! Cơ hội có một cho quân, dân Việt Nam cùng giành lấy quyền độc lập của nước nhà… Chúng ta phải hành động cho nhanh, với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng!... Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta!”.


 Đoàn người biểu tình ngày 19-8-1945 trước cửa Bắc Bộ phủ (Ảnh tư liệu).

Theo chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, ngày 16-8, Quốc dân Đại hội chính thức khai mạc, tượng trưng cho ý chí, nguyện vọng và khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã nhất trí thông qua đề nghị Tổng khởi nghĩa của Mặt trận Việt Minh, và thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc. Trong khi đó, ở Hà Nội, Sài Gòn và nhiều tỉnh khác, cán bộ Đảng và Việt Minh chưa thể nhận được mệnh lệnh khởi nghĩa, nhưng căn cứ vào các chỉ thị trước đó của Đảng, trên cơ sở phân tích cụ thể tình hình địa phương, tuyệt đại đa số cán bộ Đảng và Việt Minh cơ sở đã mau chóng tự quyết định khởi nghĩa giành chính quyền, không bỏ lỡ thời cơ.

Sáng 19-8, theo lời hiệu triệu của Việt Minh, với rừng cờ đỏ sao vàng, nhân dân Hà Nội xuống đường, tiến thẳng về trung tâm Nhà hát thành phố để dự mít tinh. Cuộc mít tinh trở thành cuộc biểu tình vũ trang tiến vào chiếm Phủ khâm sứ, trại lính bảo an và các cơ sở của chính phủ bù nhìn. Ngày 19-8 trở thành mốc son lịch sử thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám ở thủ đô Hà Nội. Từ Hà Nội, làn sóng cách mạng tiếp tục tỏa đi khắp nơi, nhân dân cả nước đã nhất tề vùng dậy đấu tranh giành chính quyền. Cùng ngày, ở các tỉnh lỵ Yên Bái, Phúc Yên, Thái Bình, Thanh Hóa, Khánh Hòa đã liên tiếp khởi nghĩa thành công. Từ ngày 20 đến 28-8, trên khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, cuộc tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi. Ngày 30-8, Hoàng đế Bảo Đại, vị vua cuối cùng nhà Nguyễn đã tuyên bố thoái vị, kết thúc sự trị vì của triều đại phong kiến.

Trân trọng giá trị độc lập

Hơn 73 năm trôi qua, những bài học quý báu của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Đặc biệt là bài học về công tác tư tưởng của Đảng  tạo nên sự thống nhất nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trên cơ sở một đường lối chính trị đúng đắn và tinh thần tự lực, tự cường, độc lập, tự chủ và sáng tạo. Bài học của thành công chính là ở chỗ Đảng tạo được niềm tin tuyệt đối vào lý tưởng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, mọi đảng viên đều tạo được niềm tin về sự hy sinh, đạo đức trong sáng của mình đối với quần chúng, không có niềm tin đó thì cách mạng không thể thành công. Cùng với đó là bài học về dự báo và tận dụng thời cơ. Đảng ta đã thấu triệt bài học đó và đặc biệt, đã vận dụng thành công trong những giai đoạn lịch sử không thể nào quên của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cũng như trong thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước hôm nay.

Từng sống trong những ngày tháng Tám lịch sử, nhiều cán bộ tiền khởi nghĩa không thể nào quên khoảnh khắc được hòa mình vào bầu không khí độc lập. Trong căn nhà ở hẻm 71, phường An Bình (TP. Biên Hòa), câu chuyện về những ngày tháng Tám lịch sử vẫn tiếp diễn qua lời kể của cán bộ tiền khởi nghĩa 93 tuổi đời, 70 năm tuổi Đảng. Đó là ông Nguyễn Cần, cán bộ tiền khởi nghĩa tiêu biểu cho thế hệ “Bộ đội Cụ Hồ”, người đã vượt qua mọi khó khăn, ác liệt của cuộc kháng chiến để đón nhận niềm hạnh phúc vỡ òa trong ngày đất nước độc lập.

Sinh năm 1925, tại Hưng Nguyên (Nghệ An) trong một gia đình có truyền thống cách mạng, ông Nguyễn Cần tham gia hoạt động tình báo trong lòng địch từ khá sớm, cung cấp nhiều tin tức quan trọng cho cách mạng, góp phần tích cực cùng toàn dân, toàn quân ta làm nên Cách mạng tháng Tám lịch sử. Dù tuổi đã cao nhưng khi nhắc lại những ngày sục sôi của cách mạng, mắt ông Cần như sáng hơn, giọng trầm ấm đầy xúc động, tự hào. Ông kể lại, trong thời khắc lịch sử đó, ông may mắn được chứng kiến niềm hân hoan của hàng triệu đồng bào với rất nhiều cờ, hoa, nô nức mít tinh dọc các đường trục lộ. Từ bầu trời, không khí đến ánh mắt, nụ cười của mọi người lúc ấy đều rất khác, đó là niềm vui của độc lập.

Với ông Phan Nựu, 98 tuổi đời, 70 năm tuổi Đảng, cán bộ tiền khởi nghĩa hiện đang sống tại phường Trảng Dài (TP. Biên Hòa), khoảnh khắc lịch sử Cách mạng tháng Tám thành công luôn khắc sâu trong tâm trí,  khiến ông bồi hồi, xúc động mỗi khi nhắc đến. Đó là khoảnh khắc mà ông cùng hàng triệu người dân Việt Nam trở thành công dân của một nước độc lập. Từng trải qua hai cuộc kháng chiến, chứng kiến những thời khắc lịch sử, ông Nựu luôn nhắc nhở con cháu hiểu và trân trọng giá trị của độc lập, tự do mà đất nước có được hôm nay. “Tôi mong muốn thế hệ trẻ hôm nay luôn ghi nhớ công lao, sự hy sinh xương máu của bao thế hệ cha anh, từ đó vun đắp lòng tự hào dân tộc, tích cực tu dưỡng rèn luyện để xứng đáng với những gì mà cha ông ta đã nỗ lực gầy dựng”, ông Nựu nói.

Từng tham gia vào Hội Nhi đồng cứu vong với nhiệm vụ liên lạc, canh gác, dẫn đường, đảm bảo an toàn cho cán bộ cách mạng từ đầu năm 1944 ở Hoa Lư (Ninh Bình), ông Hoàng Nhạc, cán bộ tiền khởi nghĩa hiện ở phường Tân Phong (TP. Biên Hòa) không thể quên được thời khắc lịch sử, được chứng kiến trọn vẹn không khí chuẩn bị cho Cách mạng tháng Tám năm 1945. Ông Nhạc kể lại, trước khởi nghĩa, trong từng thôn đã khống chế thành công bọn tay sai, phong kiến, không để chúng có cơ hội phá hoại. Không khí sục sôi cách mạng lan tỏa từ già đến trẻ, thợ rèn được tập hợp để rèn giáo mác, ở sân đình thì già, trẻ, gái trai không phân biệt tuổi tác mãi võ, tập luyện sử dụng các loại vũ khí tự chế… để cùng hòa vào làn sóng cách mạng đang lan rộng khắp cả nước.


Cán bộ phường Trảng Dài đến thăm cụ Nguyễn Viết Thân.

Trong căn nhà ấm cúng tại khu phố 1, phường Trảng Dài, cụ Nguyễn Viết Thân, 92 tuổi, 70 năm tuổi Đảng kể lại, vào thời điểm cách mạng tháng Tám, ông tham gia cùng đoàn thiếu nhi đi biểu tình, hát vang các bài ca cách mạng như “Anh em trong đoàn quân du kích”, “Anh em ơi”, “Cảm tử quân”… Sau khi cách mạng tháng Tám thành công, ông tiếp tục tham gia các phong trào thanh thiếu nhi và được học tại Trường thiếu sinh quân và may mắn được đón Bác Hồ về thăm trường năm 1957. Những kỷ niệm khó quên ấy luôn sống mãi trong tâm trí, là động lực để ông tiếp tục chuyển tải khí thế cách mạng sục sôi, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay. “Lúc đó, chúng tôi đi xuyên đêm, hát vang bài ca cách mạng với tinh thần phấn chấn, nét vui mừng hiện rõ trên những khuôn mặt chờ đợi khoảnh khắc thiêng liêng: Độc lập. Thế hệ hôm nay phải sống sao cho thật xứng đáng, vận dụng sáng tạo những bài học quý báu mà Cách mạng tháng Tám để lại”, ông Thân nói.

Mở ra kỷ nguyên của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội

Chuẩn bị tốt và chớp đúng thời cơ, dưới sự lãnh đạo của Đảng do Hồ Chí Minh đứng đầu, trong vòng khoảng hai tuần lễ, làn sóng biểu tình chính trị mạnh mẽ của hàng triệu quần chúng, có sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang cách mạng đã nhanh chóng lật đổ chính quyền tay sai thân Nhật, lập ra chính quyền cách mạng. Cách mạng tháng Tám thành công có ý nghĩa đặc biệt khi đã lật đổ chế độ phong kiến, đập tan xiềng xích áp bức của chế độ thực dân, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta.

N. Trinh

Tác giả: Cù Thị Thuận

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây