Tìm giải pháp giảm chi phí đầu vào trong chăn nuôi

Thứ ba - 16/11/2021 15:25
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
​Ngành chăn nuôi đang đối mặt với giai đoạn khó khăn khi chi phí đầu vào trong sản xuất tăng cao, giá sản phẩm chăn nuôi lại giảm so với mọi năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong giai đoạn khó khăn, cả doanh nghiệp và người chăn nuôi càng phải nỗ lực tìm những giải pháp để tiết kiệm hơn nữa chi phí đầu vào sản xuất.
16.11-Tìm giải pháp giảm chi phí đầu vào trong chăn nuôi H1.jpg
Doanh nghiệp chăn nuôi mong muốn các địa phương quan tâm xây dựng những cánh đồng lớn trồng bắp trong nước làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Ảnh: Nông dân thu hoạch bắp tại huyện Xuân Lộc. 
Chủ động tăng nguồn cung nguyên liệu nội địa nhằm giảm chi phí thức ăn chăn nuôi; chăn nuôi theo chuỗi khép kín để giảm giá thành là bài toán ngành chăn nuôi rất quan tâm hiện nay.
Tăng nguồn cung nội địa
Tuy là nước có ngành chăn nuôi phát triển mạnh nhưng sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam hiện đang phụ thuộc khá lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Đây cũng là hạn chế khiến ngành chăn nuôi trong nước yếu thế cạnh tranh với sản phẩm chăn nuôi nhiều nước trên thế giới.
Trước tình hình khó khăn về nguồn nguyên liệu thức ăn của thị trường thế giới cũng như trong hoạt động xuất nhập khẩu do ảnh hưởng dịch Covid-19, việc chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu nội địa càng được quan tâm.
Dự báo về thị trường thức ăn chăn nuôi trong thời gian tới, TS. Michel Guillaume, Giám đốc kỹ thuật Tập Đoàn Olmix (Pháp) TS. Michel Guillaume cho rằng, cũng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi sẽ khó phục hồi sớm, có thể phải đến giữa năm 2022 mới ổn định trở lại. Mặt khác khi nhiều nước giảm đàn nái để điều chỉnh nguồn cung thịt heo không còn lớn hơn cầu như hiện nay cũng giúp cho giá nguyên liệu sớm bình ổn trở lại. Theo TS. Michel Guillaume: “Doanh nghiệp nên có sự chuẩn bị để giảm thiểu ảnh hưởng của khủng hoảng liên quan đến sản xuất thức ăn chăn nuôi. Việt Nam đang quá phụ thuộc vào 2 nguồn nguyên liệu chính là bắp và đậu nành nhập khẩu. Việt Nam nên từng bước tìm kiếm những nguồn nguyên liệu khác luôn có sẵn tại chỗ để thay thế các nguyên liệu trên”.
Cùng quan điểm, ông Đỗ Cao Bằng, Phó chủ tịch HĐQT Greenfeed đặt cây hỏi: “Tại sao chúng ta không sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước? Việt Nam có nhiều vùng trồng bắp, trồng sắn lớn. Câu chuyện tích điền, hình thành được những vùng sản xuất lớn về nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi cần được đặt ra. Đây là câu chuyện doanh nghiệp không tự giải quyết được mà cần có sự định hướng, quy hoạch của Chính Phủ, của bộ ngành và địa phương”.
Cạnh tranh bằng chuỗi
16.11-Tìm giải pháp giảm chi phí đầu vào trong chăn nuôi H2.jpg 
Trại chăn nuôi gà công nghiệp quy mô lớn tại huyện Xuân Lộc tự trộn thức ăn chăn nuôi để giảm giá thành sản xuất. Ảnh: Phan Anh  
Bà Phạm Thị Huân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ba Huân (TP.HCM) chia sẻ, ngành chăn nuôi nói chung, ngành trứng gia cầm nói riêng chưa bao giờ gặp khó khăn như đợt giãn cách do dịch Covid-19 vừa qua. Doanh nghiệp đã thực hiện rất nhiều giải pháp để vượt khó trong những thời điểm nguồn hàng bị tồn đọng như: tăng cường làm trứng vịt muối, thịt thì đưa vào trữ đông, trứng gà thì có chính sách khuyến mãi, giảm giá, mua 1 tặng 1...
Ngay cả trong giai đoạn sản xuất phục hồi như hiện nay, ngành chăn nuôi vẫn tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn khi tất cả nguồn nguyên liệu đầu vào đều tăng cao, nhất là giá thức ăn chăn nuôi. Để ngành chăn nuôi Việt Nam vượt qua khó khăn, phát triển bền vững không thua kém bạn bè quốc tế, ngành nông nghiệp nước nhà phải quan tâm đến xây dựng các mô hình tự trồng bắp, làm được các nguyên liệu trong sản xuất thức ăn chăn nuôi để giảm, thậm chí khỏi phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu như hiện nay. Bà Huân gợi ý: “Việt Nam là nước sản xuất lúa gạo thuộc tốp đầu thế giới, những nhà nghiên cứu nên quan tâm nghiên cứu, đưa lúa rẻ tiền của chúng ta trở thành nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi”. 
Ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam đưa ra góc nhìn khác, áp lực cạnh tranh đang buộc cả người chăn nuôi lẫn doanh nghiệp sản xuất đang nỗ lực chuyên nghiệp hóa trong đầu tư, ai yếu thì sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Xu thế hiện nay là phải xây dựng các chuỗi liên kết khép kín từ trang trại đến bàn ăn. Chính khó khăn chung do dịch Covid-19 hiện nay tạo động lực cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư nỗ lực hoàn thiện để chuỗi sản xuất khép kín này đạt đến mức hoàn hảo nhất.
Phan Anh

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây