Từ nhiều năm nay, công tác nghiên cứu văn hóa dân gian ở Đồng Nai được các tác giả, nghệ nhân thực hiện thường xuyên, liên tục. Đến thời điểm hiện tại, công việc này đạt nhiều kết quả đáng kể.
Nhiều đầu sách có giá trị liên tiếp ra đời, được lưu giữ và phát huy giá trị tại các tủ sách của Thư viện tỉnh, thư viện các huyện, thành phố và thư viện trường học.
Tủ sách văn nghệ dân gian Huỳnh Văn Tới được trưng bày và giới thiệu
tại Thư viện Đồng Nai thu hút bạn đọc quan tâm
Đa dạng và phong phú
Trong số các đầu sách văn hóa dân gian, có thể kể đến như: Bản sắc dân tộc và văn hóa Đồng Nai, Đồng Nai góc nhìn văn hóa, Truyện kể người Mạ ở Đồng Nai, Văn hóa người Mạ, Giáo dục và truyền thông với văn hóa dân gian Đông Nam bộ, Dân ca Chăm Islam ở Đồng Nai và miền Đông Nam bộ…
Bên cạnh đó, còn có các nghiên cứu về nhà cổ truyền của người Kinh; phong tục tập quán, lễ hội ở Đồng Nai; văn hóa làng nghề; tri thức, nghệ thuật, ngữ văn dân gian… Những công trình này không chỉ tạo dựng được một diện mạo khá rõ nét về văn hóa dân gian Đồng Nai nói riêng, Đông Nam bộ và cả nước nói chung mà còn đề xuất những giải pháp khoa học để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa ấy.
Trong số những người làm công tác sưu tầm, nghiên cứu văn nghệ dân gian ở Đồng Nai phải kể đến PGS-TS Huỳnh Văn Tới, thành viên Hội đồng Trường Đại học Văn hóa TP.HCM. Không chỉ nghiên cứu, xuất bản nhiều công trình, ông còn sưu tầm hàng ngàn bản sách văn nghệ dân gian ở khu vực và cả nước. Tất cả những bản sách này được ông trao tặng (gồm 2 đợt: vào năm 2014 với hơn 1 ngàn bản sách và năm 2021 với gần 3 ngàn bản) cho Thư viện tỉnh, lưu giữ và phát huy giá trị trong đời sống hiện nay.
PGS-TS Huỳnh Văn Tới cho biết, những cuốn sách ông trao tặng cho Thư viện tỉnh hầu hết là những sách quý về văn hóa Đồng Nai và văn hóa các dân tộc thiểu số ở Việt Nam được ông “gom góp” trong một thời gian dài. “Việc trao tặng sách không chỉ có ý nghĩa làm giàu kho tri thức của Thư viện tỉnh mà sâu xa hơn, tôi muốn gửi gắm một thông điệp, đó là mọi người ai có tài sản sách quý mà trong gia đình, bản thân không sử dụng hết hãy gửi vào thư viện, để thư viện quản lý, đưa những cuốn sách hay đến tay người đọc” - PGS-TS Huỳnh Văn Tới nói.
Ngoài tủ sách văn hóa dân gian do PGS-TS Huỳnh Văn Tới trao tặng, hằng năm Thư viện tỉnh cũng thường xuyên bổ sung và luân chuyển vốn sách này về thư viện cơ sở. Hiện tại, 11 thư viện các huyện, thành phố, thư viện các trường học đều có tủ sách văn hóa dân gian, phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu của mọi đối tượng bạn đọc.
Đẩy mạnh luân chuyển về cơ sở
Chị Nguyễn Sen, chuyên viên Thư viện tỉnh cho hay, vốn sách văn hóa dân gian Đồng Nai lưu giữ tại thư viện được sử dụng có hiệu quả, là nguồn tài liệu chính thống để cán bộ thư viện biên soạn các chuyên đề về văn hóa, lịch sử Đồng Nai. Trong số hàng ngàn bản sách văn hóa dân gian, nhiều đầu sách trở thành nguồn tài liệu hữu ích và quý giá trong cuộc thi Tìm hiểu giá trị văn hóa lịch sử Đồng Nai do Sở KH-CN tổ chức những năm qua. Đặc biệt, thư viện thường xuyên sử dụng các đầu sách này để trưng bày, giới thiệu cùng với báo, tạp chí xuân hằng năm tại sảnh thư viện tỉnh.
Vốn quý văn hóa dân gian hiện nay được lưu giữ tại hệ thống thư viện trên địa bàn tỉnh vô cùng phong phú, thế nhưng nhiều người cho rằng hiện nay một bộ phận giới trẻ vẫn còn thờ ơ với các đầu sách này. Có nhiều nguyên nhân, trong đó nổi bật là sự phát triển và hội nhập văn hóa, các luồng văn hóa nước ngoài đan xen với văn hóa trong nước khiến cho nhiều người trẻ xem văn hóa dân gian là cái cũ, không còn phù hợp. Thực tế cho thấy, số lượng người trẻ trên địa bàn tỉnh nắm giữ và biết phát huy vốn văn hóa dân gian của Đồng Nai không nhiều.
Theo Giám đốc Thư viện tỉnh Nguyễn Ngọc Thành, để phát huy nguồn sách văn hóa, văn nghệ dân gian được trao tặng, cùng với vốn sách của thư viện lưu giữ thời gian qua, Thư viện tỉnh đã tổ chức trưng bày tại phòng đọc đa phương tiện. Ngoài ra, Thư viện tỉnh sẽ đẩy mạnh luân chuyển, tổ chức các mô hình hoạt động để đưa sách văn hóa dân gian đến với học sinh, sinh viên và người dân khi đến thư viện. Đây là cách không chỉ gìn giữ, phát huy mà còn quảng bá, giới thiệu văn hóa truyền thống Đồng Nai đến với các tầng lớp nhân dân, trong đó có lớp người trẻ.
Hòa Bình