Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh (hội giảng) bậc THPT - GDTX năm học 2017 - 2018 được đánh giá là đã thể hiện nõ nét tinh thần đổi mới giáo dục, cụ thể là đổi mới phương pháp dạy học. Ðây cũng là hội giảng đầu tiên mà giáo viên khối GDTX cùng “tranh tài” với giáo viên các trường THPT khi cùng dự thi cùng một nội dung chương trình.
Giáo viên đã thay đổi phương pháp dạy học
Là một trong 6 giáo viên hệ GDTX lọt vào vòng thi thực hành của hội giảng năm nay, cô Nguyễn Thị Huyền (giáo viên Toán, Trung tâm GDTX-NN tỉnh) đã cố gắng thay đổi rất nhiều về hình thức tổ chức lớp học. Theo đó, cô chia lớp học thành 4 nhóm để học sinh có thể thảo luận, trao đổi thông tin, qua đó khám phá và lĩnh hội kiến thức mới. Bản thân cô cũng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các giờ dạy. Theo cô, CNTT hỗ trợ rất nhiều cho giáo viên, trong đó dễ nhận thấy nhất là việc tiết kiệm thời gian ghi bài trên bảng, giúp học sinh tiện theo dõi và có phần tích cực, hứng thú với nội dung bài học hơn… Những điều này đã được cô Huyền áp dụng trong tiết giảng bài tại hội giảng vừa qua.
Các giáo viên tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi đều ứng dụng CNTT trong dạy học.
Theo cô Huyền, ngay từ đầu năm học, Sở GD-ÐT đã tổ chức các đợt tập huấn về thay đổi phương pháp dạy học theo hướng lấy học sinh làm trung tâm, giáo viên là người dẫn dắt để học sinh phát huy được năng lực của bản thân. Ngay sau khi Sở GD-ÐT triển khai, Trung tâm GDTX-NN tỉnh đã tích cực thay đổi. Ðây cũng là không khí chung của các trường học khối phổ thông trên địa bàn tỉnh.
Cũng như cô Huyền, thầy Ðỗ Xuân Hải (giáo viên môn Lịch sử, Trường Dân tộc nội trú tỉnh) đã tận dụng thế mạnh CNTT trong dạy học, đặc biệt là việc sử dụng bảng tương tác trong quá trình dạy học. Trong bài giảng thực hành của mình, thầy Hải đã giúp học sinh hệ thống kiến thức thông qua việc thiết kế trò chơi “ai là triệu phú”. Trò chơi gồm nhiều gói câu hỏi, học sinh tự lên chọn đáp án trên bảng tương tác. Kèm theo đó là những hiệu ứng hình ảnh, âm thanh để cổ vũ, khuyến khích các em. Với trò chơi này, học sinh tỏ ra khá hào hứng ngay cả ở những phút cuối của tiết học.
Cô Nguyễn Thị Hương, giám khảo môn Lịch sử cho biết, ngay từ tháng 9, Sở GD-ÐT đã tổ chức tập huấn đại trà cho tất cả giáo viên toàn tỉnh về việc đổi mới phương pháp dạy học. Theo đó, phổ biến đến giáo viên thiết kế hoạt động dạy học dựa trên chuỗi hoạt động học tập của học sinh. Tức là bất kỳ nội dung kiến thức nào cũng hướng đến thiết kế cho học sinh tự tìm đến kiến thức. Ðiều này đã được các giáo viên tham gia hội giảng thể hiện khá rõ nét. Cô nhận xét: “Ðối với kỳ hội giảng này, vì đã được tập huấn nên các thầy cô giáo đều thấu suốt tinh thần đổi mới. Ða số các thầy cô đã thực hiện được việc thiết kế bài dạy, thiết kế chuỗi hoạt động cho học sinh, dù mức độ chưa đồng đều”.
Cũng theo cô Hương, một số giáo viên khi thiết kế và thực hiện bài giảng vẫn chưa hoàn toàn đổi mới, vẫn còn đan xen nhiều cái cũ. Giáo viên thay vì dẫn dắt để học sinh tự lĩnh hội được kiến thức thì vẫn còn giảng nhiều. Một số giáo viên khi sử dụng bảng tương tác hoặc sử dụng CNTT vẫn còn mắc lỗi về mặt kỹ thuật hoặc chưa nhuần nhuyễn.
Tìm kiếm nhân tố đổi mới tích cực
Ðược biết, Sở GD-ÐT yêu cầu hội giảng năm nay phải đáp ứng yêu cầu đổi mới trong việc tổ chức hoạt động dạy học cho học sinh. “Việc đáp ứng yêu cầu đổi mới đó bắt đầu từ nhận thức, từ việc chuẩn bị soạn giảng, việc hướng dẫn học sinh học tập trên lớp và kết quả đạt được của học sinh. Từ những yêu cầu đó, tất cả giáo viên tham gia hội giảng đều thực hiện nghiêm túc việc xây dựng kế hoạch dạy học theo 5 bước, gồm: Khởi động, hình thành kiến thức, luyện tập, vận dụng, tìm tòi và nâng cao. Trên lớp, giáo viên có thể thực hiện cả 5 bước trên hoặc chỉ thực hiện đến bước luyện tập. Phần vận dụng, tìm tòi và nâng cao có thể giao cho học sinh hoàn thành ở nhà. Riêng bước tìm tòi, nâng cao là phần chủ yếu dùng cho học sinh khá giỏi. Các hoạt động chính được thực hiện trong lớp học là: Giáo viên giao nhiệm vụ; học sinh thực hiện nhiệm vụ; học sinh trao đổi - thảo luận và trình bày ý kiến của nhóm; giáo viên chốt vấn đề”, ông Trần Ðình Vinh, Trưởng phòng GDTrH-GDTX, Sở GD-ÐT cho hay.
Ngoài ra, để đánh giá được việc thực hiện đổi mới ở nhà trường và của từng giáo viên, hội giảng lần này thực hiện đánh giá giáo viên theo công văn 5555/BGDÐT-GDTrH của Bộ GD-ÐT. Theo đó, thang điểm đánh giá giáo viên là 100 điểm chứ không dùng thang điểm 20 như trước đây. 100 điểm nêu trên được chia cho 3 phần: Kế hoạch và tài liệu dạy học; tổ chức hoạt động học cho học sinh; hoạt động của học sinh.
Cũng theo ông Vinh, trong hoạt động dạy học của giáo viên, phần việc quan trọng nhất là bước khởi động. Ở phần này, giáo viên có thể dẫn dắt một câu chuyện, nêu lên một vấn đề… sao cho học sinh nhận thấy có “lỗ trống” cần phải bù đắp vào. Ðiều này khơi gợi cho học sinh sự hứng thú, niềm khát khao muốn tìm kiếm, khám phá kiến thức mới, kỹ năng mới, thứ có thể “trám” lại được “lỗ trống” mà giáo viên vừa nêu ra. Nếu khởi động không làm được điều này thì tiết học chưa đạt. Trước đây, điều này được coi là một nghệ thuật nhưng đối với giáo viên hiện nay thì đây là yêu cầu kỹ năng cần phải có.
Ðược biết, sau hội giảng, Sở GD-ÐT sẽ có đánh giá chung về kết quả của hội giảng, bao gồm: Việc tổ chức thực hiện tinh thần đổi mới giáo dục ở các nhà trường, việc thực hiện đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học của các giáo viên. Bên cạnh đó, hội giảng cũng là cơ hội để Sở GD-ÐT tìm được những nhân tố tích cực thực hiện đổi mới và đổi mới có hiệu quả để nhân rộng trong toàn tỉnh. “Ngoài việc tôn vinh các giáo viên dạy giỏi, chúng tôi cũng hướng đến xây dựng đội ngũ cán bộ năng động, có năng lực trong việc đổi mới để thành lập hội đồng bộ môn, những giáo viên cốt cán sau đó tiếp tục bồi dưỡng để làm công tác chuyên môn của tỉnh trong thời gian tiếp theo”, ông Vinh cho biết.
Hải An
Tác giả: Lê Hải Yến
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập