Tại phiên họp bàn về 4 dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển 4 địa phương: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên - Huế của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội XV đang diễn ra, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bùi Xuân Thống đã có bài phát biểu thảo luận đóng góp ý kiến vào các dự án luật này.
Đại biểu Bùi Xuân Thống, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh
phát biểu tại kỳ họp
Theo đó, đại biểu Bùi Xuân Thống, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh bày tỏ nhất trí với việc trình các dự thảo nghị quyết để Quốc hội xem xét thông qua. Đại biểu Bùi Xuân Thống cho rằng, các điều khoản quy định trong dự thảo các nghị quyết đã thể hiện mạnh mẽ tinh thần phân cấp, phân quyền cho các địa phương, tạo sự chủ động trong thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Việc thực hiện các nghị quyết sẽ tạo nguồn lực để các địa phương có thể đột phá phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của quốc gia.
Đồng thời, đại biểu Bùi Xuân Thống đề nghị Chính phủ cần giải trình thêm một số vấn đề mà trong báo cáo tác động chưa đánh giá rõ. Theo đó, việc tạo cơ chế và chính sách về nguồn thu để lại có làm giảm nguồn thu ngân sách Trung ương hay không? Nếu có thì bù đắp phần hụt từ nguồn nào? Ông cũng viện dẫn thực tế từ việc thí điểm chính sách đặc thù tại TP.HCM được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất. Song theo Báo cáo số 2241 ngày 22-10-2020 của Ủy ban Tài chính - ngân sách thẩm tra sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM là chưa hiệu quả, đến năm 2020 chưa có khoản thu nào. Do vậy, đại biểu đề nghị cần đánh giá kỹ chính sách này và xác định nguyên nhân vướng mắc từ đâu để có thể tiếp tục thực hiện.
Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng đề nghị Chính phủ giải trình thêm việc nâng mức dư nợ vay có làm tăng nợ công của Quốc gia hay không? Trong khi theo báo cáo thẩm tra các địa phương này chưa sử dụng hết mức dư nợ vay của địa phương. “Việc các địa phương chưa thực hiện hết hạn mức dư nợ được vay cho phép mà chúng ta lại tiếp tục nâng hạn mức lên thêm liệu có hợp lý?” - đại biểu Thống nêu ý kiến.
Đồng tình với ý kiến phát biểu trước đó của đại biểu Phạm Trọng Nhân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương), Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng, sau đợt đại dịch Covid-19 lần thứ 4, các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bị tổn thương nặng nề, rất cần hỗ trợ nguồn lực, cơ chế chính sách đặc thù để cho các địa phương này hồi phục, phát triển. Ông kiến nghị Chính phủ cần bổ sung chính sách, đặc biệt là tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để các tỉnh, thành có thêm nguồn lực để sớm hồi phục kinh tế sau đại dịch.
Trang Thư