(CTT-Đồng Nai) - Chính tâm lý chuộng “đặc sản" có từ rừng, rẫy vườn ngày Xuân mà không ít người bất chấp các quy định pháp luật để lén lút hoặc công khai vào rừng, vườn rẫy tìm kiếm về sử dụng hoặc đem bán.
Luật sư Nguyễn Đức (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, do pháp luật tôn trọng, bảo vệ quyền của chủ sở hữu của “đặc sản" nên hành vi vào rừng, rẫy vườn lấy măng, rau, lan, cây… nếu không được phép của chủ rừng, chủ đất thì đó là hành vi xâm phạm tài sản của cá nhân, tổ chức và hành vi này có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.
Theo luật sư Nguyễn Đức, nếu các loại “đặc sản" này thuộc về chủ rừng theo Điều 8, Luật Lâm nghiệp năm 2017 thì quyền quản lý, sử dụng, bảo vệ, khai thác thuộc về tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng; giao đất, cho thuê đất để trồng rừng; tự phục hồi, phát triển rừng; nhận chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế rừng theo quy định của pháp luật. Còn khi “đặc sản" thuộc đất sông, suối, đầm, ao, hồ…, theo Luật Đất đai năm 2013 do Nhà nước phân cấp cho địa phương quản lý hoặc giao khoán cho cá nhân, tổ chức quản lý.
Bên cạnh đó, theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì các “đặc sản" này là hoa lợi, lợi tức từ đất, quyền thuê đất, sử dụng đất nên chủ sở hữu, sử dụng đất có các quyền định đoạt, sử dụng, chiếm hữu và quyền này được pháp luật về dân sự, hành chính, hình sự tôn trọng, bảo vệ. Cho nên về bản chất, các “đặc sản" này đều có chủ, nhưng có thể do các chủ rừng, người sử dụng đất không quản lý tốt hoặc không xem đó là tài sản, hoa lợi cần bảo vệ nên người khác vào thu hoạch, khai thác mặc nhiên nghĩ đó là vật vô chủ.
Tại Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25-4-2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp thì hành vi khai thác trái pháp luật thực vật rừng ngoài gỗ có thể bị phạt tiền đến 150 triệu đồng (khoản 4, Điều 13). Hoặc có thể bị xử phạt về hành vi trộm cắp tài sản theo điểm a, khoản 1, Điều 15, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31-12-2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình với số tiền từ 2-3 triệu đồng. Còn nếu nghiêm trọng hơn thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản theo khoản 1, Điều 173, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) với mức án đến 3 năm tù.
Tác giả: Nhân Thái
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Hôm nay
Tổng lượt truy cập