Kiểm soát nợ quá hạn

Chủ nhật - 01/11/2020 19:03
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
Trước những ảnh hưởng của dịch bệnh cùng những nguyên nhân khách quan khác những gia đình nghèo, khó khăn vay vốn tín dụng chính sách đã và đang đứng trước nguy cơ không trả nợ đúng hạn.
Điều này đã làm tỷ lệ nợ quá hạn ở Đồng Nai từ mức 0,25% (thấp hơn bình quân cả nước) tăng lên mức 0,27%.
z2155092687108_981ec3631dddb80a1d09235c28029eb7.jpg
Người dân xã Giang Điền, H.Trảng Bom làm thủ tục vay vốn tín dụng chính sách từ Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh.
Tỷ lệ nợ quá hạn tăng
Hiện tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh là hơn 2,8 ngàn tỷ đồng, gồm: nguồn vốn do trung ương phân bổ là 2,2 ngàn tỷ đồng và vốn huy động của địa phương là khoảng 600 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này hệ thống Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh thực hiện 16 chương trình tín dụng chính sách. Qua đó góp phần giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ khó khăn vay vốn để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm tại nhà, hỗ trợ học tập - học nghề, xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh nông thôn...
Song thống kê của Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh cho thấy hiện nợ quá hạn đang tăng cao so với đầu năm. Trong đó, nợ quá hạn tập trung ở một số đơn vị: TP.Long Khánh tăng 248 triệu đồng, H.Trảng Bom tăng 188 triệu đồng, H.Long Thành tăng 176 triệu đồng, H.Nhơn Trạch tăng 159 triệu đồng, H.Định Quán tăng 131 triệu đồng, TP.Biên Hòa tăng 127 triệu đồng, H.Xuân Lộc tăng 123 triệu đồng. Hiện có 3 đơn vị cấp huyện có tỷ lệ nợ quá hạn còn cao là TP.Biên Hòa, H.Trảng Bom, H.Tân Phú. Cùng với đó còn có 2 phường và 130 Tổ Tiết kiệm và vay vốn đang có tỷ lệ nợ quá hạn trên 2%. Ngoài ra, 3 xã và 55 Tổ Tiết kiệm và vay vốn có tỷ lệ nợ quá hạn trên 1,5% đến dưới 2%.
Theo ông Huỳnh Công Nam, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh: có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh: người dân sản xuất, chăn nuôi, buôn bán bị thua lỗ nên mất vốn. Người vay mắc bệnh hiểm nghèo nên không còn khả năng lao động dẫn đến mất vốn. Người vay sau khi không có khả năng hoàn trả vốn đúng thời hạn thì đi khỏi nơi cư trú để lao động nên khó liên hệ để yêu cầu hoàn trả tiền vay đúng hạn. Nhiều trường hợp người vay vốn qua đời và thân nhân quá khó khăn không thể trả vốn vay cho ngân hàng chính sách…
Bà Huỳnh Kim Dung, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn số 1, P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa, cho hay, Tổ Tiết kiệm và vay vốn do bà quản lý có 27 hộ vay. Những hộ này vay chủ yếu từ chương trình vay giải quyết việc làm và vay học sinh – sinh viên. Thời gian qua có 2 trường hợp không hoàn trả nợ đúng hạn cho ngân hàng chính sách. Trong đó, 1 trường hợp do ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khách quan nên làm ăn thua lỗ dẫn đến mất vốn. Còn trường hợp vay chương trình học sinh - sinh viên, khi đang trả dần tiền vay thì bị mất việc làm sau đó đi tìm việc nơi khác không có ở nơi cư trú do vậy không thể thu hồi nợ được.
Kéo giảm nợ quá hạn  
Trước thực tế tỷ lệ nợ quá hạn ở Đồng Nai đang tăng, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai, Đoàn kiểm tra, giám sát của Hội đồng Quản trị Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư, Ủy viên Hội đồng Quản trị Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam Võ Thành Thống làm trưởng đoàn đã yêu cầu tỉnh cần đưa ra những giải pháp kéo giảm tỷ lệ nợ quá hạn và nâng cao chất lượng tín dụng chính sách ở các tổ chức nhận vốn ủy thác.
Để thực hiện mục tiêu này, theo ông Huỳnh Công Nam, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh: hệ thống Ngân hàng chính sách xã hội trong tỉnh sẽ tăng cường sự phối hợp cùng cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội cùng vào cuộc giám sát người vay sử dụng nguồn vốn, hướng dẫn – tư vấn cho người vay sử dụng nguồn vốn chăn nuôi, trồng trọt, buôn bán ra sao để đem lại nguồn thu ổn định, hạn chế rủi ro mất vốn. Khi người vay vốn có nguy cơ mất khả năng chi trả do làm ăn kém hiệu quả, hệ thống ngân hàng chính sách cùng địa phương, đoàn thể sẽ có nhiều giải pháp, như: khoanh nợ, cho trả chậm, trả góp theo điều kiện mà hộ vay quá hạn có thể thực hiện được… Sau đó tạo điều kiện tiếp tục cho vay chương trình tín dụng chính sách khác để tái đầu tư sản xuất.
Song song đó, với những trường hợp theo quy định của pháp luật như người vay qua đời, mắc bệnh hiểm nghèo không còn khả năng lao động… hệ thống ngân hàng chính sách phối hợp cùng địa phương xác minh, lập danh sách và đề nghị Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam xử lý nợ bị rủi ro theo quy định. Từ đầu năm đến nay đã có có 71 trường hợp tại tỉnh Đồng Nai được Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam chấp thuận xóa nợ với số tiền gốc và lãi là trên 1,1 tỷ đồng. Riêng với những trường hợp có dấu hiệu chiếm dụng vốn, còn có khả năng trả vốn vay song lại trốn tránh trách nhiệm, ông Huỳnh Công Nam, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh cho biết, hệ thống ngân hàng chính sách và cơ quan chức năng sẽ có những giải pháp theo quy định của pháp luật để buộc người vay hoàn trả vốn nhà nước theo quy định.
Nguyễn Vân

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây