'Đền ơn đáp nghĩa' là tình cảm, lương tri và trách nhiệm

Thứ tư - 23/07/2025 08:39
  • Xem với cỡ chữ 
  •  
  •  
  •  
(CTT-Đồng Nai) - Đất nước Việt Nam đã hưởng trọn cuộc sống hòa bình, thịnh vượng tròn nửa thế kỷ. Trăm triệu người dân 34 tỉnh, thành phố cả nước hôm nay càng thấm thía sâu sắc đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” đối với các thế hệ đi trước đã sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, đánh đổi máu xương cho từng tấc đất giang sơn được tự do, độc lập, các anh hùng liệt sĩ đã nằm xuống cho Tổ quốc thống nhất, hồi sinh, viết tiếp kỳ tích vươn mình tới thịnh vượng, hùng cường.
anh10
Bà Thân Thị Vân, nữ chiến sĩ Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác bên hài cốt đồng đội trong Lễ Truy điệu, an táng 28 hài cốt liệt sĩ đơn vị vào ngày 27-4-2022. Ảnh: Thanh Hải

Tuy nhiên, giữa cao điểm tỉnh Đồng Nai và trên khắp cả nước diễn ra nhiều hoạt động tri ân ý nghĩa hướng về kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2025), kẻ xấu lại giở chiêu thức cũ nhưng dưới lớp vỏ bọc tinh vi hơn nhằm cố tình xuyên tạc, phủ nhận kết quả thực hiện toàn diện chính sách ưu đãi người có công (NCC) của Đảng, Nhà nước ta.

Mệnh lệnh từ trái tim

Trải qua các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại bảo vệ nền độc lập, tự do, thống nhất của Tổ quốc, vì cuộc sống yên bình, ấm no, hạnh phúc của Nhân dân, vì nghĩa vụ quốc tế cao cả, đất nước Việt Nam nhỏ bé đã phải oằn mình gánh chịu hậu quả nỗi đau chiến tranh để lại.

 Cả nước có tới hơn 1,2 triệu liệt sĩ, trong đó trên 300 ngàn liệt sĩ vẫn chưa tìm được đầy đủ thông tin, 175 ngàn liệt sĩ chưa xác định được nơi hy sinh và khoảng 652 ngàn thương binh, 198 ngàn bệnh binh, hơn 132 ngàn Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trên 300 ngàn người bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin.

Với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, “thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ", trong các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, cả dân tộc Việt Nam anh dũng xung trận, hứng chịu bao mất mát, đau thương, để đưa đất nước đến ngày toàn thắng. Máu đào của đồng chí, đồng bào đã hòa trộn với núi sông. Trên dải đất hình chữ S hiện có tới hơn 3 ngàn nghĩa trang liệt sĩ, riêng miền đất lửa Đồng Nai “miền Đông gian lao mà anh dũng” là nơi an nghỉ của hàng chục ngàn ngôi mộ liệt sĩ. Cái giá của hòa bình là biết bao gia đình từ Bắc chí Nam đã vĩnh viễn mất người thân, nỗi đau khôn nguôi của những người mẹ, người vợ, người con liệt sĩ hiện diện khắp các làng quê, phố thị, từ miền ngược đến miền xuôi, mà thời gian không thể xóa nhòa. Là bao người trẻ đã gác lại hạnh phúc tuổi thanh xuân, hăng hái lên đường và gửi lại chiến trường một phần thân thể, hoặc bị bệnh hiểm nghèo, ảnh hưởng suốt đời bởi di chứng chiến tranh, dẫu có may mắn trở về…

Thế cho nên, “đền ơn đáp nghĩa” không chỉ là một chính sách lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, mà còn là mệnh lệnh từ trái tim, là trách nhiệm, đạo lý của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội - người đứng đầu Đảng ta hiện nay, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, đồng thời khẳng định “NCC với cách mạng là tài sản quý báu của dân tộc”.

Trong mọi hoàn cảnh dù có lúc điều kiện vô cùng khó khăn, hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” vẫn được toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đồng lòng, chung sức thực hiện nghiêm túc, bền bỉ ngay từ khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mới bắt đầu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh có thư gửi ngành chính sách quyết định chọn ngày 27-7 là ngày Thương binh - Liệt sĩ và đẩy mạnh liên tục, xuyên suốt, chu đáo 78 năm qua.

Đặc biệt, không chỉ vào dịp 27-7 hàng năm, mà các cấp, các ngành, địa phương, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân thường xuyên dành trọn nghĩa tình tới 9,2 triệu NCC trên khắp cả nước, thông qua rất nhiều việc làm cụ thể, thiết thực. Bằng tất cả tấm lòng, khả năng mình có, quần chúng nhân dân đã sôi nổi vào cuộc thúc đẩy công tác “đền ơn đáp nghĩa” thật sự biến thành nét đẹp văn hóa, phong trào lan tỏa rộng khắp. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Đồng Nai - địa phương quản lý hồ sơ gần 90 ngàn NCC, trở thành một trong những điển hình đi đầu cả nước về huy động nguồn lực, tập trung làm tốt nhiệm vụ quan trọng này.

Cả hệ thống chính trị từ trung ương tới cơ sở và đông đảo nhân dân Việt Nam mặc định “đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ” là tình cảm sâu nặng, hành động đền đáp tự nguyện, tự giác, hơn nữa còn là trách nhiệm chính trị thiêng liêng đòi hỏi mỗi cá nhân, tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương có bổn phận, nghĩa vụ phải cố gắng thực hiện một cách trọn vẹn, chu toàn nhất có thể.

Tính đến cuối năm 2024, cả nước có khoảng 1,25 triệu NCC với cách mạng đang hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Cùng năm, ngân sách nhà nước dành hơn 36 ngàn tỷ đồng để chi trả trợ cấp ưu đãi NCC.

Không ngừng nhân lên nghĩa cử cao đẹp

Từ năm 1947 đến nay, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” quý báu, tốt đẹp của dân tộc liên tục được quan tâm, đổi mới cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước qua từng giai đoạn, nhằm chăm lo tốt hơn, ngày càng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của NCC.

Trải qua 10 kỳ đại hội kể từ Đại hội IV đến Đại hội XIII gần đây, Đảng ta luôn thấm nhuần nội dung Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đoạn viết về NCC đặt ra những vấn đề rất cơ bản, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Người vừa quan tâm tới việc giúp đỡ cả vật chất lẫn tinh thần cho thương binh, gia đình liệt sĩ, vừa tính tới cách thức để cho thương binh “có thể dần dần tự lực cánh sinh” và cha mẹ, vợ con thương binh, liệt sĩ “có công ăn việc làm thích hợp”, để họ tự mình phấn đấu vượt khó, vươn lên ổn định lâu dài.

Bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước luôn chủ động tìm tòi, vận dụng sáng tạo, cụ thể hóa thành những cơ chế, chính sách đồng bộ dành cho NCC theo hướng từng bước hoàn thiện và mở rộng phạm vi 12 nhóm đối tượng áp dụng, tạo hành lang pháp lý vững chắc và minh bạch. Quy hoạch mạng lưới các cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng NCC với cách mạng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được gấp rút xây dựng hướng đến hình thành một hệ thống cơ sở có đủ quy mô, năng lực bảo đảm NCC được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc toàn diện cả về thể chất và tinh thần.

Ở cơ sở, công tác NCC với cách mạng đã được các cấp, các ngành, các địa phương chú trọng tiếp nối và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Việc ưu tiên nguồn lực xây dựng, nâng cấp, tu bổ nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ làm thay đổi diện mạo công trình, phát huy vai trò “địa chỉ đỏ” giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ đang được 23 đội chuyên trách trong cả nước đẩy nhanh "để không một liệt sĩ nào bị lãng quên”.

Song hành với kế hoạch, giải pháp bao trùm nhằm cải thiện nâng mức sống của NCC và gia đình NCC (chiếm gần 10% dân số cả nước) lên bằng hoặc cao hơn mức sống của cộng đồng dân cư nơi cư trú, nhân dịp kỷ niệm ngày Thương binh - liệt sĩ năm nay, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã sớm ban hành quyết sách yêu cầu thực hiện đầy đủ các phần việc ý nghĩa. Trọng tâm là tiếp tục hoàn thiện chính sách ưu đãi NCC, hỗ trợ nhà ở, tổ chức các sự kiện tri ân, thăm hỏi, tặng quà và phát động Phong trào Thanh niên tình nguyện chăm sóc thương binh, bệnh binh, NCC. Nổi bật là, gần 1,6 triệu NCC thuộc diện thụ hưởng quà của Chủ tịch nước với tổng kinh phí hơn 480 tỷ đồng trích từ ngân sách nhà nước. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nhanh chóng hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho NCC trước ngày 27-7 này.

Hệ thống chính sách nhân văn liên tục đổi mới, đem lại những kết quả thực chất, minh chứng cho nỗ lực không ngừng nghỉ của Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam đối với các thương binh, gia đình liệt sĩ và NCC suốt 78 năm qua. Thực tiễn đó đủ sức mạnh đẩy lùi luận điệu xuyên tạc méo mó, trái lương tâm, ngược đạo lý từ phía các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, phản động đã vin vào một vài “kẽ hở” hiện tượng cá biệt “con sâu làm rầu nồi canh” để chống phá.

Chiến tranh đã lùi xa, thế nhưng giữa thời bình, những người con ưu tú của đất nước vẫn sẵn sàng hy sinh cho sự bình yên của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân. Cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay của đất nước Việt Nam, một phần được kiến tạo nên từ máu xương của những người đã ngã xuống. Tự hào, quyết tâm xây dựng quê hương, đất nước bước vào kỷ nguyên mới, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, nhân dân hạnh phúc, ấm no chính là việc làm ý nghĩa nhất mà người Việt Nam đang quyết liệt theo đuổi để thể hiện lòng biết ơn xứng đáng với sự hy sinh, cống hiến lớn lao đó.       

Tác giả: Thanh Hải

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây