(CTT- Đồng Nai) - 78 năm trước ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tuyên bố với thế giới và quốc dân đồng bào khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay).
Thời khắc lịch sử thiêng liêng đó chấm dứt chế độ thực dân phong kiến ở nước ta, mở ra kỷ nguyên mới: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội…

Đồng chí Huỳnh Thanh Bình, Ủy viên Ban TVTU, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy cùng đoàn công tác của tỉnh thăm, động viên các chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ tại huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa
Đồng chí Huỳnh Thanh Bình, Ủy viên Ban TVTU, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy cùng đoàn công tác của tỉnh thăm, động viên các chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ tại huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa
*Quyết tâm bảo vệ nền độc lập
Cùng cả nước vui chung ngày độc lập, nhưng chỉ sau vẻn vẹn 21 ngày, được sự hỗ trợ của quân đội Anh, thực dân Pháp quay trở lại nổ súng tấn công xâm lược Nam bộ vào ngày 23-9-1945, mở đầu cuộc xâm lược trở lại Việt Nam lần thứ hai. Cùng nhân dân Nam bộ, nhân dân Biên Hòa, Đồng Nai dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Nam kỳ đã vùng lên kháng chiến chống thực dân Pháp, bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc.
Trước tình cảnh “Sơn hà nguy biến”, Xứ ủy, UBND, Ủy ban Kháng chiến Nam bộ và đại diện Tổng bộ Việt Minh thống nhất ra Lời kêu gọi đồng bào cầm vũ khí đánh đuổi quân xâm lược. Biên Hòa - Đồng Nai cùng Nam bộ chính thức bước vào cuộc kháng chiến trực diện với quân thù.
Ngày 26-9-1945, qua làn sóng Đài tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Hỡi đồng bào Nam bộ! Nước ta vừa tranh quyền độc lập, thì đã gặp nạn ngoại xâm… Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam bộ. Chúng ta nên nhớ lời nói oanh liệt của nhà lãnh đạo cách mạng Pháp “thà chết tự do còn hơn sống nô lệ”… Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của cả quốc dân. Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc đấu tranh của chúng ta là chính đáng”…
Từ Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng dõi theo sát sao diễn biến chiến trường Nam bộ, ngày 29-10-1945, trong Lời kêu gọi đồng bào Nam bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Từ Nam chí Bắc, đồng bào ta luôn luôn sẵn sàng. Mấy triệu người như một, quyết tâm đánh tan quân cướp nước, không đội quân nào, không khí giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hy sinh của toàn thể dân tộc…
Trước nạn ngoại xâm, toàn thể quốc dân đã đoàn kết chặt chẽ thành một khối kiên cố, thành một lực lượng thống nhất mà không một đội quân xâm lăng nào đánh tan được…”. Ghi nhận và biểu dương tinh thần chiến đầu kiên cường bất khuất của quân và dân Nam bộ (trong đó có quân dân Đồng Nai), tháng 2-1946, thay mặt Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng đồng bào Nam bộ danh hiệu vẻ vang: “Thành đồng Tổ quốc”…
Theo bà Trần Thị Hòa, Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh, tinh thần Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9 đã lan tỏa trong tất cả những người chính nghĩa; đặc biệt với các cựu chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày. “Chính tinh thần 2-9 đã động viên, thôi thúc những người chiến sĩ cách mạng quyết hy sinh, cùng đoàn kết, bảo vệ cho được nền độc lập tự do của Tổ quốc”, bà Hòa bộc bạch.

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại một cơ sở dạy nghề trong tỉnh
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại một cơ sở dạy nghề trong tỉnh
*Xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc
Theo Đại tá Nguyễn Trí Thức, nguyên Ủy viên Ban TVTU, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, tinh thần cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9 là động lực to lớn để nhân dân Việt Nam nói chung, quân và dân Đồng Nai nói riêng vững tin, quyết tâm vươn lên xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
“Chứng kiến sự phát triển mọi mặt của tỉnh. Đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp có năng lực, xông vào việc; chịu khó nghiên cứu cơ chế chính sách thu hút nhân tài, phục vụ sự phát triển, phục vụ nhân dân... Trong bối cảnh phức tạp, GRDP tăng trưởng được 1% đã khó mà tỉnh 6 tháng đầu năm 2023 vẫn đạt 4% tuy chưa đạt nghị quyết đề ra nhưng trong bối cảnh này là cả sự nỗ lực rất lớn của toàn Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh”, Đại tá Nguyễn Trí Thức nhấn mạnh.
Đại tá Vũ Văn Điền, Ủy viên Ban TVTU, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh cho biết, nhìn lại nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần XI và Đảng bộ Quân sự tỉnh lần XII, Đảng bộ Quân sự tỉnh lãnh đạo hoàn thành đạt và vượt cả 19/19 chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Trong đó, hơn 52% chỉ tiêu vượt, còn lại đạt và đảm bảo đúng tiến độ thực hiện mục tiêu nghị quyết.
“Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2023, với sự nỗ lực đoàn kết, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã lãnh đạo hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ của năm; nhất là phong trào thi đua quyết thắng với mục tiêu “3 nhất” (hoàn thành nhiệm vụ chính trị xuất sắc nhất, duy trì nghiêm trực sẵn sàng chiến đấu cao nhất và đảm bảo tuyệt đối an toàn nhất” được đánh giá cao, thực sự trở thành lực lượng nòng cốt, tin cậy của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn”, Đại tá Vũ Văn Điền khẳng định.
Trong chuyến thăm, động viên quân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DKI mới đây, lãnh đạo tỉnh và thành viên đoàn công tác thực sự xúc động khi chứng kiến “chí thép” của những thanh niên trong tỉnh đang vững tay súng, chắc chân sóng bảo vệ từng tấc biển, từng hòn đảo, nhà giàn thiêng liêng của Tổ quốc.
Chiến sĩ Đỗ Tuấn Quyền, P.An Bình, TP.Biên Hòa đã công tác tại TT.Trường Sa được hơn 7 tháng bộc bạch: “Làm thế nào để em được ở lại giữ đảo lâu hơn. Lúc đầu ra đảo em còn sợ nhưng hơn 7 tháng qua cứ mỗi dịp được chào cờ Tổ quốc, được thắp hương chùa Trường Sa, đến nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và đọc lịch sử truyền thống của thế hệ cha ông đi giữ biển, em chỉ muốn được ở lại góp sức xây dựng TT.Trường Sa”.
Theo anh Võ Văn Trung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn, tuổi trẻ tỉnh nhà luôn trân trọng tri ân, biết ơn các anh hùng liệt sĩ, thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu giải phóng dân tộc, bảo vệ độc lập và phát triển đất nước.