(CTT-Đồng Nai) Nhiều người đã tới tuổi nghỉ hưu nhưng thời gian tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) chưa đủ (tối thiểu 15 năm với lao động nữ và tối thiểu 20 năm với lao động nam) để hưởng lương hưu, nhiều người băn khoăn nên đóng tiếp hay rút một lần.
Đóng BHXH tự nguyện thời gian còn lại cho đủ điều kiện để hưởng lương hưu hằng tháng là một quyết định rất đúng của nhiều người. Bởi khi tự mình “tước” đi quyền thụ hưởng các chế độ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) của mình, đặc biệt là các chế độ dài hạn như: lương hưu, tử tuất…

Nhận lương hưu sau khi hết tuổi lao động là một niềm vui lớn của tuổi già
Nhận lương hưu sau khi hết tuổi lao động là một niềm vui lớn của tuổi già
* Đóng tiếp hay lấy “một lần”?
Tháng 9 tới, bà Trần Thanh Hoàng (ngụ P. Tân Hòa, TP.Biên Hòa) sẽ nghỉ hưu. Tuy nhiên, do vào công tác muộn nên thời gian đóng BHXH của bà Hoàng chỉ mới chỉ có 13 năm 2 tháng trong khi điều kiện phải đủ 15 năm tham gia BHXH. Nhân viên BHXH tỉnh cho biết, bà phải đóng thêm khoảng 17 triệu nếu tham gia BHXH tự nguyện, còn rút một lần sẽ được hơn 90 triệu đồng.
Bà Hoàng cho biết, bà cũng muốn lấy một lần để gửi ngân hàng. Thế nhưng bạn bè nhiều người khuyên bà nên đóng thêm để lãnh lương hưu, sau này già cả, mỗi tháng bà sẽ có tiền lương hưu, trang trải cuộc sống. Vì thế bà đã quyết định lấy tiền dành dụm đóng thêm cho đủ để hưởng lương hưu. “Tôi cảm thấy vui khi hàng tháng đều có một khoản tiền, dù không nhiều lắm nhưng ổn định và lâu dài, lại còn được cấp BHYT nữa” - bà Hoàng nói.
Từng làm nhiều nghề rồi qua mấy công ty khác nhau, nay đến tuổi về hưu, thời gian tham gia BHXH của ông Nguyễn Đỗ Cao Lam (ngụ P. An Bình, TP.Biên Hòa) cộng dồn mới được 17 năm 9 tháng. Muốn có lương hưu, ông phải tham gia BHXH tự nguyện cho những năm còn thiếu để đủ điều kiện theo quy định.
Ông Lam cho hay: “Nếu tôi rút một lần thì được 154 triệu đồng. Còn đóng tiếp thì phải nộp thêm gần 30 triệu đồng để hàng tháng nhận lương hưu khoảng 2 triệu đồng cùng thẻ BHYT miễn phí. Tôi đang phân vân nên đóng tiếp hay lấy một lần”.
Thực tế, không ít người đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ thời gian tham gia BHXH để được hưởng lương hưu vì cái lợi trước mắt hoặc vì lý do cá nhân mà quyết định nhận BHXH một lần, song không ít người phải tiếc nuối.
5 năm trước đây khi đến tuổi về hưu, bà Đinh Thị Vân (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho biết, khi bà nghỉ hưu thì thời gian BHXH của bà mới được hơn 16 năm (theo quy định lúc đó, phải có đủ 20 năm tham gia BHXH mới được nhận lương hưu hàng tháng) và số tiền nộp thêm khá nhiều so với hoàn cảnh, nên bà Vân chấp nhận rút BHXH một lần với 145 triệu đồng. Số tiền này, bà đã gửi con gái làm kinh doanh mỗi tháng được 1 triệu đồng tiền lãi. Tuy nhiên, do đại dịch covid-19 ập đến, con bà kinh doanh thua lỗ nên tiền lãi cũng chẳng trả tiếp cho bà. Còn tiền gốc thì con gái bà nói sẽ trả sau nhưng mấy năm rồi cũng chưa trả.
“Tôi rất ân hận khi rút BHXH một lần, vì với số tiền ấy con bà đang giữ, coi như gốc lãi gì cũng không còn. Trong khi đó, nhiều bạn bè của tôi tháng tháng vẫn lãnh lương hưu đều đều” - bà Vân bộc bạch.
* Nhiều lợi ích khi đóng tiếp để nhận lương hưu
Giám đốc BHXH tỉnh Phạm Minh Thành cho biết, chế độ hưu trí là cốt lõi của chính sách BHXH, đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho người lao động khi hết tuổi làm việc. Lương hưu giúp người lao động khi về già có chi phí chi trả cho những nhu cầu sống cơ bản và có thêm thẻ BHYT để chăm sóc sức khỏe.
Theo ông Thành, mức hưởng lương hưu không phải mức cố định tại thời điểm nghỉ hưu, định kỳ sẽ được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế để đảm bảo cuộc sống người hưởng. Người lao động tham gia BHXH khi đủ điều kiện nhận lương hưu còn được cấp thẻ BHYT miễn phí, hưởng các quyền lợi khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe trọn đời do Quỹ BHYT chi trả với mức hưởng 95% (cao hơn mức hưởng trung bình của người tham gia BHYT theo hộ gia đình).
Trường hợp người nhận lương hưu không may qua đời, đây là vấn đề nhiều người đắn đo nhất khi quyết định có nên đóng BHXH thêm hay không để hưởng lưu - thì quyền lợi của người đó vẫn được bảo đảm bằng việc người thân sẽ được hưởng đầy đủ chế độ tử tuất.
Như vậy, có thể thấy, người tham gia BHXH khi hưởng lương hưu không chỉ có các quyền lợi trong quá trình hưởng lương hưu mà ngay cả khi qua đời thì thân nhân của họ cũng được hưởng quyền lợi.