(CTT- Đồng Nai) – Đó là một trong những nhiệm vụ được UBND tỉnh nêu rõ trong Kế hoạch thực hiện Chuyển đổi số tỉnh Đồng Nai năm 2025. Theo đó, Kế hoạch thực hiện Chuyển đổi số tỉnh Đồng Nai năm 2025, UBND tỉnh đã nêu 9 nhiệm vụ để thực hiện công tác chuyển đổi số.
Nhiệm vụ thứ nhất đó là tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; kiểm tra, giám sát hoạt động chuyển đổi số. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu tổ chức phiên họp định kỳ và chuyên đề của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Đồng Nai, Hội đồng Tư vấn Chuyển đổi số tỉnh Đồng Nai, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2050, Ban chỉ đạo cải cách hành chính của tỉnh (dự kiến 2 lần trong năm 2025).
Huyện Long Thành khen thưởng cho các tập thể và cá nhân đạt thành tích tiêu biểu trong công tác thực hiện Đề án 06 trên địa bàn huyện
Huyện Long Thành khen thưởng cho các tập thể và cá nhân đạt thành tích tiêu biểu trong công tác thực hiện Đề án 06 trên địa bàn huyện
Cùng với đó, tham dự đầy đủ và tổ chức xây dựng Kế hoạch triển khai nhiệm vụ của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Tổ chức thành lập Đoàn, Tổ kiểm tra thực hiện Nghị quyết 05/NQ-TU ngày 28/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chuyển đổi số tỉnh Đồng Nai đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 tại các cơ quan trên địa bàn tỉnh. Tổng hợp báo cáo và chuẩn bị cho đợt tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 05/NQ-TU.
Nhiệm vụ thứ 2 là: Thể chế số, chính sách số. Theo đó, UBND yêu cầu tập trung xây dựng và ban hành một số chính sách quan trọng phục vụ phát triển chuyển đổi số năm 2025 gồm: Ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh; Ban hành Kế hoạch phát triển dữ liệu tỉnh Đồng Nai năm 2025; Xây dựng môi trường pháp lý để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp số và công nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh; Ban hành chính sách thuê chuyên gia an toàn thông tin nhằm hỗ trợ triển khai hệ thống dùng chung lớn của tỉnh; Xây dựng và ban hành Khung kiến trúc chính quyền điện tử 3.0 tỉnh Đồng Nai, hướng tới chính quyền số; Đề án Chuyển đổi số tỉnh Đồng Nai đến năm 2030.
Nhiệm vụ thứ ba là Hạ tầng số. Cụ thể, các cơ quan, địa phương tiếp tục rà soát hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tại cơ quan, đơn vị mình đáp ứng nhu cầu tham gia khai thác, sử dụng các hệ thống dùng chung và chuyên ngành của tỉnh. Hoàn thiện hạ tầng Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh giai đoạn 3 đảm bảo phục vụ triển khai nhiệm vụ chuyển đổi số, đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh, Hệ thống truyền thanh thông minh phục vụ khai thác, sử dụng các nền tảng ứng dụng số trên địa bàn tỉnh và hạ tầng IOT…
Nhiệm vụ thứ tư là Nhân lực số. Theo đó, cần đẩy mạnh, đổi mới hoạt động của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh nhằm triển khai khai cụ thể và có hiệu quả nhiệm vụ Ủy ban Quốc gia chuyển đổi số, các định hướng về hoạt động chuyển đổi số của Chính phủ, Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Củng cố nguồn nhân thực tham gia hoạt động chuyển đổi số tại các cơ quan đơn vị nhà nước trên địa bàn tỉnh, mỗi cơ quan, đơn vị có tối thiểu 01 cán bộ phụ trách hay kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số theo nội dung Đề án “Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về Chuyển đổi số từ trung ương đến địa phương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (theo Quyết định số 1690/QĐ-TTg ngày 6/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ)…
Nhiệm vụ thứ năm là Phát triển dữ liệu số. Theo đó, các cơ sở dữ liệu dùng chung và chuyên ngành của các sở, ngành, địa phương (ngoại trừ các cơ sở dữ liệu nghiệp vụ đặc thù) được đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ thông tin với nhau thông qua các nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu. 50% các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh cung cấp dữ liệu mở đảm bảo chất lượng và đưa vào khai thác sử dụng có hiệu quả, sẵn sàng hỗ trợ, phục vụ cho các hoạt động chỉ đạo điều hành, ban hành chính sách của cơ quan nhà nước và phục vụ phát triển các ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho phát triển kinh tế số, xã hội số. Hình thành kho dữ liệu dùng chung, dữ liệu mở của tỉnh tạo tiền đề phát triển nền tảng phân tích dữ liệu tỉnh Đồng Nai…
Nhiệm vụ thứ sáu là an toàn thông tin mạng. Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu triển khai chỉ tiêu tỷ lệ hệ thống thông tin trong cơ quan hành chính Nhà nước được phê duyệt theo cấp độ an toàn thông tin đạt 100%. Cài đặt phòng, chống mã độc và chia sẻ thông tin với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia 100% máy tính trong cơ quan nhà nước (trừ máy tính phục vụ bảo vệ bí mật nhà nước). Tuyên truyền, nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về an toàn thông tin trên địa bàn tỉnh Đồng Nai theo hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục An toàn thông tin và Trung tâm VNCERT/CC đến các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh biết, thực hiện áp dụng đối với các hệ thống thông tin tại cơ quan mình quản lý….
Nhiệm vụ thứ bảy về Chính quyền số, cần triển khai nâng cấp Khung kiến trúc Chính quyền điện tử phiên bản 3.0 tỉnh Đồng Nai, hướng tới Chính quyền số đảm bảo phù hợp khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 3.0, hướng tới Chính phủ số theo Quyết định số 2568/QĐ-BTTTT ngày 29/12/2023 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và Đề án chuyển đổi số tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, ban hành Đề án Chuyển đổi số tỉnh Đồng Nai đến năm 2030. Hình thành kho dữ liệu dùng chung của tỉnh kết nối, tích hợp, tổng hợp, phân tích dữ liệu hiện có của hệ thống thông tin các cơ quan, đơn vị nhà nước trên địa bàn tỉnh...
Nhiệm vụ thứ tám về Kinh tế số và Xã hội số. UBND tỉnh yều cầu, triển khai chính sách chuẩn bị hình thành Khu Công nghệ tập trung tỉnh Đồng Nai gắn với thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ số hoạt động tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số trong các doanh nghiệp, trong đó cần phân rõ trách nhiệm các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện. Đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử; triển khai phổ biến các nền tảng số đến các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh phục vụ nâng cao hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị…
Nhiệm vụ thứ chín là Nâng cao nhận thức, tuyên truyền, truyền thông và các giải pháp khác đẩy mạnh chuyển đổi số, đảm bảo an toàn thông tin. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn và tạo môi trường giúp người dân, doanh nghiệp tham gia thiết lập tài khoản VNeID, đặc biệt là định danh mức độ 2; khai thác, sử dụng chữ ký số, hóa đơn điện tử, biên lai điện tử, trợ lý ảo phục vụ người dân. Tuyên truyền, nhân rộng mô hình chuyển đổi số hay trong một số doanh nghiệp để lan tỏa trên địa bàn tỉnh…