(CTT - Đồng Nai) – Đó là một trong những mục tiêu được UBND tỉnh đặt ra tại Kế hoạch Chuyển đổi số tỉnh Đồng Nai năm 2025 mới được ban hành.
Tăng trách nhiệm người đứng đầu
Theo đó, tại kề hoạch, UBND tỉnh đặt ra mục tiêu chung nhằm tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Đồng Nai; trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu các cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh trong việc triển khai chuyển đổi số. Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin các cơ quan nhà nước và địa phương phục vụ cho việc khai thác, sử dụng các ứng dụng số và nền tảng số. Hình thành nền tảng số dựa trên các ứng dụng chính quyền điện tử riêng lẽ các ngành và các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, tiếp tục triển khai ứng dụng có hiệu quả các nhiệm vụ thuộc Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” tại tỉnh Đồng Nai theo Kế hoạch phối hợp số 106/KHPH-TCTTW-BCDĐA06ĐN ngày 06/7/2023 của Tổ công tác Đề án 06 Trung ương và Ban Chỉ đạo Đề án 06/CP tỉnh Đồng Nai.
UBND xã Lộc An, huyện Long Thành tổ chức tập huấn công tác chuyển đổi số toàn diện cấp xã năm 2024
UBND xã Lộc An, huyện Long Thành tổ chức tập huấn công tác chuyển đổi số toàn diện cấp xã năm 2024
Tại kế hoạch, UBND tỉnh cũng đặt ra các mục tiêu cụ thể. Về dữ liệu số, ban hành và triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai theo Quyết định số 142/QĐ-TTg ngày 02 tháng 02 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030. Ưu tiên kết nối, chia sẻ dữ liệu các ứng dụng chuyên ngành bao gồm: thông tin quản lý về đất đai, cấp phép xây dựng, quy hoạch, hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân, dữ liệu về an sinh, dữ liệu về thành lập, tình hình hoạt động doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể của tỉnh Đồng Nai, dữ liệu về thu - chi ngân sách, giải ngân đầu tư công. Tỷ lệ hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính được số hóa cấp tỉnh đạt 70%, cấp huyện đạt 60%, cấp xã đạt 50%; tối thiểu 80% dữ liệu về kết quả thực hiện các thủ tục hành chính được tái sử dụng, chia sẻ theo quy định (ngoại trừ các cơ sở dữ liệu nghiệp vụ đặc thù) đảm bảo người dân và doanh nghiệp chỉ phải cung cấp thông tin một lần khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thực hiện các thủ tục hành chính.
Phấn đấu tỷ trọng kinh tế số trên GDP đạt tối thiểu 10%
Về Chính quyền số, cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt tỷ lệ 90% thủ tục hành chính có đủ điều kiện. Trong đó, đối với các sở, ban, ngành đạt tỷ lệ trung bình tối thiểu 80%; UBND cấp huyện đạt tỷ lệ trung bình tối thiểu 70% và UBND cấp xã đạt tỷ lệ 60%. Hồ sơ trực tuyến toàn trình của các dịch vụ công trực tuyến trung bình của tỉnh đạt 70%. Trong đó, đối với các sở, ban, ngành đạt tỷ lệ trung bình tối thiểu 85%; các địa phương đạt tỷ lệ trung bình tối thiểu 60%.
Tỷ lệ người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất giữa các nền tảng, hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thông qua định danh điện tử VNeID đạt 100%. Tỷ lệ cấp kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử trung bình của tỉnh đạt 100%. Tỷ lệ người dân, doanh nghiệp hài lòng trong giải quyết thủ tục hành chính đạt 90%. 100% thông tin kết nối, cập nhật dữ liệu lên Hệ thống thông tin cáo cáo Chính phủ. Tỷ lệ hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước) tại cấp bộ, tỉnh đạt 90%; cấp huyện đạt 80%; cấp xã đạt 60%...
Về Kinh tế số, Tỷ trọng kinh tế số trên GDP đạt tối thiểu 10%. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử trong lĩnh vực thương mại đạt trên 80%. Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%. 80% cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống, bán lẻ hàng hóa tại các trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ hàng tiêu dùng triển khai giải pháp hóa đơn điện tử, Biên lai điện tử khởi tạo từ máy tính tiền để chống thất thu thuế, thất thu ngân sách. Tỷ lệ người dân có tài khoản thanh toán điện tử đạt 60%
Về Xã hội số, tỷ lệ dân số trưởng thành được cấp chứng thư chữ ký số, chứng thư chữ ký điện tử đạt trên 50%. 100% các ấp, khu phố đang lõm sóng và đã có điện lưới quốc gia được phủ sóng băng rộng di động; 100% số hộ gia đình có khả năng tiếp cận dịch vụ Internet cáp quang băng rộng. 100% các khu công nghệ cao, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh có dịch vụ di động 5G. Tỷ lệ ấp/khu phố được phủ sóng mạng di động 4G/5G đạt 100%. Tỷ lệ hồ sơ tư liệu các di sản văn hóa Việt Nam trên địa bàn tỉnh đã được ghi danh, công nhận và xếp hạng được số hóa, hiện diện trên môi trường số đạt tỷ lệ 100%. Tỷ lệ triển khai học bạ số đối với học sinh và bảng điểm số đối với sinh viên đạt 100%...
Về An toàn thông tin, tỷ lệ hệ thống thông tin của cơ quan hành chính nhà nước hoàn thành phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin đạt 100%. Tỷ lệ triển khai đầy đủ phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ của các cơ quan nhà nước đạt 100%. Có giải pháp sẵn sàng phục hồi nhanh hoạt động của hệ thống thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp khi gặp sự cố, đưa hoạt động trở lại bình thường trong vòng 24 tiếng hoặc theo yêu cầu nghiệp vụ đạt 100%.