(CTT - Đồng Nai) - Trí tuệ nhân tạo (AI) đang được ứng dụng trên nhiều lĩnh vực, trong đó có y tế. Việc ứng dụng AI trong khám, chữa bệnh đem lại nhiều lợi ích cho cơ sở y tế, bác sĩ, bệnh nhân.
Ứng dụng AI trong chẩn đoán hình ảnh
Hiện nay, AI đã được thử nghiệm tại một số bệnh viện lớn như: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Quốc tế Vinmec. Theo đánh giá bước đầu, AI đảm bảo độ chính xác cao, hỗ trợ đắc lực cho bác sĩ (BS) trong chẩn đoán hình ảnh để chẩn đoán bệnh.
Ông Phạm Văn Sự, Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật Công ty Việt Mỹ (một trong số những doanh nghiệp cung cấp giải pháp AI cho Sở Y tế Đồng Nai) cho biết, AI được phát triển và ứng dụng để chẩn đoán hình ảnh về bệnh lý phổi trên ảnh X-quang lồng ngực, chẩn đoán ung thư vú trên ảnh X-quang tuyến vú, xác định các bất thường trên hình ảnh CT/MRI sọ não và phát hiện các bất thường trên phim chụp X-quang cột sống. Ứng dụng AI trong chẩn đoán hình ảnh đồng nghĩa với việc những bất thường sẽ được phát hiện sớm hơn và nhiều bệnh nhân được cứu sống hơn.
Nhân viên Y tế điều hành phòng chụp MRI tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai
Nhân viên Y tế điều hành phòng chụp MRI tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai
Theo Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung, không chỉ ở Đồng Nai mà trong cả nước, trình độ của BS ở các tuyến còn chênh lệch nhau. Chính vì thế, ứng dụng AI để chẩn đoán hình ảnh sẽ giúp giải quyết vấn đề thiếu hụt BS chẩn đoán hình ảnh ở các bệnh viện, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) cho tuyến cơ sở, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa.
Lãnh đạo Sở Y tế lấy ví dụ, Trung tâm Y tế huyện Tân Phú sau khi chụp phim sẽ gửi cho các BS ở tuyến trên để đọc kết quả. Nhưng không phải lúc nào việc này cũng thuận lợi vì BS ở tuyến trên có nhiều khi không thể đọc kết quả ngay. Còn khi ứng dụng AI, phim chụp này sẽ được chuyển lên trung tâm AI tuyến trên, AI sẽ đọc kết quả, được thẩm định và gửi kết quả về cho tuyến dưới. BS tuyến dưới dựa vào đó để chỉ định thuốc điều trị cho bệnh nhân. Nếu phim chụp có bất thường nghiêm trọng, tuyến trên sẽ phản hồi để tuyến dưới chuyển bệnh nhân lên tuyến phù hợp để theo dõi và điều trị. Điều này sẽ giúp tránh bỏ sót bệnh cũng như nhầm lẫn trong quá trình chẩn đoán hình ảnh.
“Việc xây dựng trung tâm AI không cần phải có cơ sở hạ tầng phức tạp vì các bệnh viện đã có phần mềm quản lý bệnh viện, bệnh án điện tử cũng sẽ được nhân rộng ra nhiều bệnh viện trong thời gian sớm nhất” – BS Trung nói.
Các bệnh viện mong muốn sớm ứng dụng AI
Phó Giám đốc BVĐK Đồng Nai Đinh Cao Minh cho hay, mỗi ngày bệnh viện chụp vài trăm phim X-quang, CT, MRI. Để đọc hết kết quả này cần phải có gần 10 bác sĩ miệt mài ngồi đọc kết quả suốt ngày. Nếu AI được ứng dụng để đọc kết quả chẩn đoán hình ảnh sẽ giải phóng rất lớn sức lao động cho BS, kỹ thuật viên, giúp trả kết quả sớm hơn cho bệnh nhân, nâng cao hiệu quả chẩn đoán và điều trị bệnh, hạn chế tối đa tình trạng bỏ sót bệnh do bác sĩ phải làm việc quá tải.
Phòng điều hành công nghệ thông tin tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh
Phòng điều hành công nghệ thông tin tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh
Giám đốc BVĐK khu vực Định Quán Tạ Quang Trí cũng đang rất nóng lòng để được ứng dụng AI vào KCB bởi hiện nay bệnh viện đang thiếu BS chẩn đoán hình ảnh. BS Trí hy vọng AI sớm được ứng dụng để các bệnh viện trong tỉnh có thể chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau hiệu quả hơn.
Còn Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Trần Minh Hòa thì mong muốn ứng dụng AI để hướng dẫn người dân theo dõi bất lợi sau tiêm chủng và nhắc người dân đi tiêm chủng khi đến lịch; quản lý cơ sở dữ liệu khám sức khỏe cho người dân; xây dựng cơ sở dữ liệu ngành Y tế, phân tích dữ liệu, tính toán xu hướng bệnh tật trong tương lai.
Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung cho hay, ngành Y tế sẽ chọn thí điểm triển khai ứng dụng AI tại BVĐK khu vực Long Khánh trước bởi bệnh viện có hệ thống công nghệ thông tin khá hoàn thiện. Ngoài ra, bệnh viện cũng đang triển khai bệnh án điện tử, thuận lợi cho việc liên thông hình ảnh trên hệ thống.