Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Tình hình Kinh tế - Xã hội tỉnh Đồng Nai tháng 4 năm 2024

(CTT-Đồng Nai) “Cục Thống kê Đồng Nai thông báo tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai tháng 4 năm 2024 như sau:
1. Sản xuất công nghiệp 
Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang có sự phục hồi, nhiều doanh nghiệp đã ký được các đơn hàng sản xuất mới, thị trường xuất khẩu thuận lợi hơn năm trước. Các doanh nghiệp thuộc các ngành sản xuất như: Chế biến gỗ, sản xuất điện tử, gia dày, may mặc các năm trước gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên năm 2024 đang sự chuyển biến tích cực. Do có thêm đơn hàng nên một số Doanh nghiệp Dệt may, Giày da tuyển dụng thêm lao động như: Công ty Taiwan tuyển 1.500-2.000 lao động; Công ty TNHH Elite (huyện Long Thành) tuyển gần 2.500 lao động; Công ty Cổ phần TKG Taekwang Vina tuyển 1.000 lao động; Công ty TNHH Fashion Garments 2 - Chi nhánh Biên Hoà 2, tuyển 1.000 lao động; Công ty TNHH Cibao (TP. Long Khánh) tuyển 1.000 lao động; Công ty TNHH Hwaseung Vina tuyển 1.000 lao động; Công ty TNHH Sơn Tuyển hơn 200 lao động v.v... Ngoài ra, các ngành điện, điện tử điện lạnh, lắp ráp điện tử, tự động hoá cũng có nhu cầu tuyển dụng 2.400 lao động như: Công ty TNHH Công nghệ E-Tek Việt Nam tuyển 500 công nhân v.v...
Dự ước chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4/2024 tăng 1,61% so tháng trước, tăng 7,46% so cùng kỳ, trong đó ngành khai khoáng tăng 1,63%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 0,96%; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 18,36%; Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước giảm 0,05% so tháng trước. Một số ngành có chỉ số sản xuất tăng cao đó là: Sản xuất chế biến thực phẩm tăng 1,7%; Sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 2,91%; Sản xuất trang phục tăng 1,26%; Sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 1,26%; Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 1,05%; Sản xuất sản phẩm từ cao su và Plastic tăng 1,49%; Sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học tăng 1,46%; Sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 1,24% v.v…
Chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm 2024 tăng 5,56% so với cùng kỳ (4 tháng năm 2023 tăng 2,03%); trong đó: ngành khai khoáng tăng 4,78%, ngành công nghiệp sản xuất chế biến, chế tạo tăng 6,77%; sản xuất và phân phối điện giảm mạnh (- 18,94%) do các tháng quý 1 năm nay Công ty Điện lực dầu khí Nhơn trạch 2 giảm công xuất hoạt động; ngành cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,13%. Một số ngành công nghiệp chủ lực có chỉ số sản xuất 4 tháng đầu năm đạt mức tăng khá so cùng kỳ như: Chế biến thực phẩm tăng 6,46%, Dệt tăng 5,19%; May mặc tăng 6,73%; Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 9,35%; Sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 7,06% v.v… một số ngành sản xuất khác như: Sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 8,35%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 8,96%; Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 11,98%; Sản xuất máy móc thiết bị chưa phân vào đâu tăng 8,74%; Sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 11,03%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu hủy rác thải; tái chế phế liệu tăng 10,66%. Nguyên nhân 4 tháng đầu năm hầu hết các ngành sản xuất đều tăng là do thị trường tiêu thụ thuận lợi, xuất khẩu tăng cao so cùng kỳ; Thị trường trong nước đang có xu hướng tăng. Xét theo ngành công nghiệp cấp 2, trong 4 tháng đầu năm 2024 có 26/27 ngành có chỉ số sản xuất tăng so cùng kỳ, có 1 ngành sản xuất giảm đó là ngành sản xuất phân phối điện, nước (nguyên nhân do Công ty Điện lực dầu khí Nhơn trạch 2 những tháng đầu năm giảm công suất hoạt động).
- Chỉ số sản phẩm công nghiệp: 4 tháng đầu năm 2024 có 19/24 sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng so cùng kỳ đó là: Bột ngọt 90,6 nghìn tấn, tăng 4,38%; Thuốc lá sợi đạt 5.229 tấn, tăng 8,37%; Quần áo các loại đạt 85,1 triệu cái; tăng 6,91%; Thuốc trừ sâu đạt 3.989 tấn, tăng 6,15%; Sơn các loại đạt 41,7 ngàn tấn, tăng 10,9%; Săm, lốp xe các loại đạt 30,3 ngàn cái, tăng 14,77%; Sản phẩm kim loại đạt 150,5 ngàn tấn, tăng 11,07%; Máy giặt đạt 124,7 ngàn cái, tăng 11,94%; Giường, tủ, bàn ghế đạt 3.649,3 ngàn cái, tăng 14,93%... với sự tăng trưởng nhiều sản phẩm chủ lực như trên cho thấy dấu hiệu phục hồi trong sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên có một số sản phẩm giảm do tình hình sản xuất phục hồi chậm đơn hàng sản xuất chưa nhiều, mặt khác do thị trường trong nước tiêu thụ chậm, nên sản lượng sản xuất giảm so cùng kỳ như: Nước ngọt các loại (-3,1%); Giày dép các loại (-0,07%); Ván ép, gỗ cưa, gỗ lạng (-1,49%); Bê tông trộn sẵn (-8,77%); Điện sản xuất (-32,96%) do Công ty Điện lực dầu khí nhơn trạch 2 giảm công xuất sản xuất.
- Chỉ số tiêu thụ: Tiêu thụ sản phẩm tháng 4, 4 tháng năm 2024 có mức tăng đáng kể, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp trong tháng 4 giảm 4,95% so với tháng 03/2024 và tăng 2,17% so với tháng cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng đầu năm chỉ số tiêu thụ tăng 5,35% so cùng kỳ.
- Chỉ số tồn kho: Toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 04/2024 dự ước tăng 11,57% so với tháng 03/2024 và giảm 34,9% so tháng 4 năm 2023. Một số ngành chỉ số tồn kho tăng so tháng trước như: Sản xuất chế biến thực phẩm (+74,63%); Sản xuất đồ uống (+ 43,23%); Dệt (+27,39%); Sản xuất trang phục (+54,95%); Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy (+ 2,12%); Sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất (+2,76%); Sản xuất thiết bị điện (+9,66%) v.v…
- Chỉ số sử dụng lao động: Chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp tháng 4/2024 tăng 0,84% so với tháng trước và tăng 4,52% so tháng cùng kỳ. Nguyên nhân tăng là do tình hình sử dụng lao động tháng 4 có khuynh hướng tích cực nhằm đáp ứng nhu cầu tiến độ đơn hàng sản xuất của các doanh nghiệp, tập trung chủ yếu ở các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất phân phối điện nước.
Dự ước 4 tháng đầu năm 2024 chỉ số sử dụng lao động giảm 3,69% so cùng kỳ, trong đó khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo giảm mạnh (-3,75%) và mức giảm mạnh là Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (-4,03%).
2. Sản xuất Nông - Lâm nghiệp và Thủy sản
a) Nông nghiệp
Tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tương đối ổn định, cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Công tác phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi luôn được các cơ quan chức năng quan tâm và triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho người dân thực hiện. Công tác khuyến nông, thủy lợi và dịch vụ nông nghiệp đáp ứng được nhu cầu sản xuất của địa phương, các hợp tác xã nông nghiệp, các câu lạc bộ thường xuyên, nghiên cứu áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất.
Cây hàng năm: Tổng diện tích gieo trồng vụ Đông xuân 2024 ước đạt 39.487,8 ha, giảm 47,6 ha (-0,12%) so cùng kỳ, trong đó: Nhóm cây lương thực đạt 24.591 ha, chiếm 62,27% so với tổng diện tích và giảm 0,06% (-15,37 ha), bao gồm: lúa 15.231,5 ha, giảm 0,26%, ngô 9.359,5 ha, tăng 0,27%; Nhóm cây củ có bột là 4.473 ha, giảm 0,63% (-11,33 ha); Nhóm cây thực phẩm là 6.916,19 ha, tăng 0,58% (+40 ha); Nhóm cây hàng năm khác là 2.423,88 ha, giảm 2,26% (-56,15 ha).
Nguyên nhân diện tích giảm chủ yếu ở một số cây trồng sau: cây lúa giảm 40,47 ha, là do một số chân ruộng năm nay thiếu nước, người dân bỏ trống hoặc chuyển qua các loại cây khác; sắn giảm 27,5 ha, do năm trước trồng xen trong tán cây lâu năm, năm nay cây lâu năm đã khép tán người dân không trồng; cây làm thức ăn gia súc giảm 26,35 ha, do người dân chuyển qua trồng các loại cây khác như rau các loại, đậu phộng... Tuy nhiên cũng có một số cây diện tích tăng như: bắp tăng 25,1 ha; rau các loại tăng 31,62 ha; đậu các loại tăng 8,38 ha; đậu phộng tăng 5,48 ha.
Dự ước năng suất một số cây trồng vụ Đông Xuân 2024: Năng suất lúa đạt 66,48 tạ/ha, tăng 0,04%; Bắp đạt 89,01 tạ/ha, tăng 0,23%; Khoai lang đạt 113,14 tạ/ha, tăng 0,6%; Mía đạt 698,33 tạ/ha, tăng 0,07%; Đậu tương đạt 19,85 tạ/ha, tăng 0,3%; Đậu phộng đạt 23,13 tạ/ha, giảm 0,9% so cùng kỳ....
Dự ước sản lượng thu hoạch 4 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ như sau: Lúa đạt 43.625,9 tấn, giảm 213,56 tấn (+0,49%); Bắp đạt 29.678,43 tấn, tăng 172,44 tấn (+0,49%); Khoai lang đạt 319,9 tấn, tăng 7,06 tấn (+2,26%); Mía đạt 2.484,66 tấn, giảm 152,55 tấn (-5,78%); Đậu tương đạt 87,4 tấn, tăng 2,18 tấn (+2,56%); Đậu phộng là 251,01 tấn, tăng 2,69 tấn (+1,08%); Rau các loại đạt 70.174,71 tấn, tăng 869,47 tấn (+1,25%); Đậu các loại đạt 875,63 tấn, tăng 28,97 tấn (+3,42%) so cùng kỳ.
Cây lâu năm: Tình hình sản xuất cây lâu năm tương đối ổn định, thời điểm này nắng, nóng nên người dân chỉ tổ chức trồng mới đối với cây chuối vì loại cây này không chịu ảnh hưởng nhiều bởi nguồn nước và diện tích một số cây xoài, thanh long do người dân chủ động được nguồn nước tưới; Chủ yếu tập trung nhiều vào khâu chăm sóc, làm cỏ, bón phân, phun thuốc trừ sâu cho cây trồng. Đối với cây công nghiệp lâu năm hiện nay người dân đang thu hoạch điều, tiêu, cao su.
Tổng diện tích cây lâu năm hiện có là 169.236,73 ha, tăng 92,05 ha (+0,05%) so cùng kỳ. Tổng diện tích cây lâu năm tăng là do nông dân chuyển đổi một số diện tích cây hàng năm kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả như xoài, chuối, mít, sầu riêng đang có xu hướng tăng mạnh do đạt hiệu quả kinh tế cao. Trong đó: Tổng diện cây ăn quả là 78.660,32 ha, tăng 98,48 ha (+0,13%) và chiếm 46,48% tổng diện tích. Diện tích cây công nghiệp lâu năm là 90.576,41 ha, giảm 6,43 ha (-0,01%) so cùng kỳ.
Sản lượng một số cây lâu năm chủ yếu thu hoạch trong 4 tháng đầu năm 2024 so cùng kỳ như sau: xoài đạt 42.100,2 tấn, tăng 3,11%; chuối đạt 71.987 tấn, tăng 19,19%; thanh long đạt 4.092,5 tấn, tăng 4,94%; bưởi đạt 18.544,1 tấn, tăng 9,2%, do một số vùng chủ động được nguồn nước và các hộ sản xuất thực hiện tốt khâu chăm bón, phòng chống dịch bệnh, nên sản lượng của hầu hết các loại cây ăn quả tăng so cùng kỳ. Sản lượng điều đạt 32.542,2 tấn, giảm 0,52%; tiêu đạt 19.723 tấn, giảm 0,57%; Sản lượng mủ cao su đạt 9.895,7 tấn, tăng 3,46%.
Chăn nuôi: Hoạt động chăn nuôi phát triển ổn định. Ngành Thú y tiếp tục triển khai cho các đơn vị kết hợp với các cơ quan chuyên môn chú trọng tới công tác tuyên truyền và phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm nhất là công tác tiêm phòng luôn được quan tâm, giám sát chặt chẽ; hướng dẫn các địa phương phải tập trung vào công tác quản lý, kiểm tra, giám sát từ cơ sở chăn nuôi đến hoạt động vận chuyển, kinh doanh...
Tổng đàn gia súc có đến thời điểm tháng 4/2024 là 2.193.862 con, giảm 1,2% so cùng kỳ. Trong đó: Trâu đạt 3.846 con (+0,03%); Bò đạt 106.816 con (+0,09%); Số lượng đàn trâu, bò tăng là do sản phẩm thịt gia súc phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng xã hội cao, nên các hộ chăn nuôi trâu, bò đầu tư thêm con giống để nuôi; Đàn heo đạt 2.083,2 nghìn con (không tính heo con chưa tách mẹ), giảm 1,27% so cùng kỳ. Nguyên nhân đàn heo giảm là do giá heo hơi ở mức thấp, tuy có tăng nhưng không nhiều nên phần nào ảnh hưởng tâm lý của người chăn nuôi, nhất là các hộ nuôi nhỏ lẻ, chi phí đầu vào tăng cao và chủ yếu là do giá thức ăn chăn nuôi hiện đang cao so với trước khiến người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn, nhiều cơ sở chăn nuôi phải “treo" chuồng hoặc bỏ nghề vì thua lỗ. Mặt khác việc di dời các dự án chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi tại các địa phương dẫn đến tổng đàn giảm.
Dự ước sản lượng thịt gia súc 4 tháng đầu năm 2024 so cùng kỳ: thịt trâu đạt 95,4 tấn, tăng 4,62%; thịt bò đạt 1.718,9 tấn, tăng 2,41%; thịt heo đạt 168.028 tấn, tăng 1,09% so với cùng kỳ. Mặc dù nhiều hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ tạm ngưng không tái đàn; tuy nhiên các trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi heo vẫn nỗ lực duy trì tổng đàn, thực hiện việc tiết kiệm trong mọi chi phí đầu vào chứ không giảm sản xuất, đồng thời chăm chút hơn cho chất lượng sản phẩm do vậy sản lượng heo xuất chuồng vẫn tăng khá so cùng kỳ.
Tổng đàn gia cầm có đến thời điểm tháng 4/2024 là 25.709,2 nghìn con, tăng 1,62% so cùng kỳ, trong đó gà đạt 22.408,2 nghìn con, tăng 1,64%. Sản lượng thịt gia cầm 4 tháng ước đạt 68.698,1 tấn, tăng 4,12%, trong đó sản lượng thịt gà ước đạt 60.370,3 tấn, tăng 4,48% so cùng kỳ. Nguyên nhân đàn gà tăng là do thị trường tiêu thụ ổn định, dịch bệnh không phát sinh, nên các trang trại đã chủ động tăng đàn; Hiện nay, một số trang trại nuôi gà thịt đã kết nối được các doanh nghiệp tiêu thụ, tạo thành chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn, góp phần thúc đẩy hoạt động chăn nuôi phát triển.
b) Lâm nghiệp: Dự ước diện tích rừng trồng mới tập trung trong tháng 4/2024 đạt 382 ha, tăng 0,74% so với tháng cùng kỳ, lũy kế 4 tháng đầu năm đạt 563 ha, tăng 0,81%. Nguyên nhân tăng là do hiện nay các chủ rừng thực hiện tốt mô hình kinh tế hợp tác liên kết theo chuỗi, các địa phương và chủ rừng thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác trồng rừng, chế biến các sản phẩm trong lâm nghiệp, do đó hiện nay nhiều chủ rừng chủ động trồng rừng thay thế, trồng bổ sung các loại cây gỗ lớn bản địa, trồng rừng sản xuất thâm canh. Lũy kế 4 tháng đầu năm, tổng số gỗ khai thác đạt được 86.546,3 m3, tăng 3,02% so với cùng kỳ. Sản lượng củi khai thác trong tháng 4/2024 ước đạt 286 ste, tăng 4,38% so tháng cùng kỳ. Ước 4 tháng đạt 907 ste, tăng 2,92% so với cùng kỳ.
c) Thủy sản: Tình hình sản xuất thủy sản trên địa bàn tương đối ổn định, thời tiết thuận lợi, người nuôi trồng thủy sản đã chú trọng đến đầu tư thâm canh tăng năng suất để đạt được hiệu quả kinh tế cao. Dự ước sản lượng thủy sản trong tháng 4/2024 đạt 6.694,43 tấn, tăng 3,7% so với tháng cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng đạt 25.170,67 tấn, tăng 3,99% so cùng kỳ. Trong đó: Sản lượng khai thác đạt 2.643,56 tấn, giảm 0,74% (sản lượng cá ước đạt 2.293,32 tấn, giảm 0,71%; tôm đạt 174,33 tấn, giảm -0,47%; thủy sản khác đạt 175,91 tấn, giảm 1,47%). Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng đạt 22.527,11 tấn, tăng 4,57% so cùng kỳ (sản lượng cá ước đạt 18.361,28 tấn, tăng 4,75%; tôm đạt 3.331,43 tấn, tăng 4,54%; thủy sản khác đạt 834,4 tấn, tăng 0,87% so cùng kỳ).
3. Vốn đầu tư phát triển
Tình hình thực hiện vốn đầu tư phát triển trên địa bàn bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý 4 tháng đầu năm 2024 vẫn còn gặp phải một số khó khăn như: công tác bồi thường giải phóng mặt bằng chậm, công tác giải ngân chưa kịp thời. Tuy nhiên với sự quyết tâm của Lãnh đạo tỉnh Ðồng Nai đã quyết liệt chỉ đạo, tập trung mọi nguồn lực để thực hiện đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, trong đó khâu giải ngân, giải phóng mặt bằng là quan trọng nhất với mục tiêu bàn giao mặt bằng đúng tiến độ, tập trung công tác giải ngân kịp thời; đồng thời lên các phương án rà soát, tháo gỡ khó khăn vướng mắc và giám sát về tiến độ thi công, vì vậy kết quả thực hiện vốn đầu tư phát triển trên địa bàn 4 tháng đầu năm vẫn đạt kết quả khá.
Dự ước thực hiện vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh tháng 4 năm 2024 thực hiện 808,4 tỷ đồng, tăng 6,93% so với tháng 03 năm 2024; Ước 4 tháng đầu năm 2024 thực hiện 2.870,6 tỷ đồng; tăng 15,36% so cùng kỳ và bằng 19,11% KH năm 2024. Nguồn vốn đầu tư công tại Đồng Nai tiếp tục ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông. Các dự án trọng điểm, mang tính liên kết giao thông vùng, miền đồng loạt triển khai thực hiện. Nhằm hoàn thiện đồng bộ và tạo ra diện mạo mới cho hệ thống hạ tầng giao thông trong và ngoài tỉnh, đây được xem là khâu mấu chốt giúp tỉnh nhà phát triển nhanh, bền vững và toàn diện. Các công trình trọng điểm như: Dự án đường ven sông Đồng Nai, thành phố Biên Hòa (từ cầu Hóa An đến giáp ranh huyện Vĩnh Cửu); Dự án xây dựng đường ven sông cái đoạn từ đường Hà Huy Giáp đến đường Trần Quốc Toản, thành phố Biên Hòa; Xây dựng đường trục trung tâm thành phố Biên Hòa - đoạn từ đường Võ Thị Sáu đến đường Đặng Văn Trơn (cầu Thống Nhất và đường kết nối 02 đầu cầu; Dự án nâng cấp đường tỉnh 763 từ km0+000 đến km29+500 (kể cả bồi thường giải phóng mặt bằng do UBND huyện Định Quán và UBND huyện Xuân Lộc); Dự án đường vành đai 1, TP. Long Khánh; Dự án đường Hương lộ 2, đoạn 1 (kể cả bồi thường do UBND TP. Biên Hòa thực hiện); Dự án đường Tôn Đức Thắng (đoạn từ Trung tâm Nhơn Trạch đến đường Quách Thị Trang) huyện nhơn Trạch; Dự án đầu tư tuyến đường Xuân Quế đi Long Khánh, huyện Cẩm Mỹ - TP. Long Khánh; Dự án xây dựng Cầu Vàm Cái Sứt trên đường Hương lộ 2 nối dài (kể cả bồi thường, giải phóng mặt bằng do UBND TP. Biên Hòa thực hiện v.v...)
4. Thu hút đầu tư và đăng ký doanh nghiệp
Từ đầu năm đến ngày 20/4/2024, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 685,74 triệu USD, tăng 31,24% so cùng kỳ, trong đó: cấp mới 31 dự án với tổng vốn đăng ký 393,95 triệu USD, tăng gấp 6,7 lần so cùng kỳ và 32 dự án tăng vốn với tổng vốn bổ sung 291,79 triệu USD, giảm 37,12% so cùng kỳ.
Từ đầu năm 2024 đến ngày 20/4/2024, tổng vốn đầu tư trong nước đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư, chủ trương đầu tư và điều chỉnh tăng vốn khoảng 8.487,6 tỷ đồng, gấp 5,51 lần so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó: cấp mới 05 dự án với tổng vốn đăng ký là 2.995,9 tỷ đồng, gấp 2,05 lần so cùng kỳ; có 08 dự án tăng vốn với số vốn đăng ký bổ sung là 5.491,7 tỷ đồng, tăng hơn 67 lần so cùng kỳ năm 2023.
Tổng vốn đăng ký kinh doanh từ đầu năm đến ngày 15/4/2024 là 24.113 tỷ đồng, tăng 69,67% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó: Có 1.224 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 8.875 tỷ đồng, tăng 41,77%; Có 297 lượt doanh nghiệp đăng ký bổ sung với số vốn là 15.238 tỷ đồng, tăng 91,62% so cùng kỳ. Ngoài ra có 460 Chi nhánh, địa điểm kinh doanh và văn phòng đại diện đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh, bằng 78,4% so với cùng kỳ năm 2023. Nhìn chung 4 tháng đầu năm do kinh tế đang phục hồi dần, số doanh nghiệp và số vốn đăng ký thành lập mới tăng cao.
Từ ngày 01/4/2024 đến ngày 15/4/2024, có 23 doanh nghiệp giải thể, giảm 4,2% so với cùng kỳ và có 26 Chi nhánh, địa điểm kinh doanh và văn phòng đại diện chấm dứt hoạt động, tăng 52,9% so với cùng kỳ; 112 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 21,7% so với cùng kỳ. Lý do giải thể và chấm dứt hoạt động và tạm ngừng kinh doanh chủ yếu là do kinh doanh không hiệu quả. Các doanh nghiệp này chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thuộc khu vực kinh tế tư nhân.
5. Thương mại du lịch, giá cả, xuất nhập khẩu và vận tải
Hoạt động thương mại dịch vụ, du lịch trên địa bàn tỉnh tháng 4 năm 2024 tiếp tục tăng trưởng so tháng trước; giá một số mặt hàng thiết yếu trên thị trường tương đối ổn định. Thực hiện chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh năm 2024, ngành Công thương tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, mở rộng tiêu dùng nội địa và thực hiện tốt các chương trình bình ổn thị trường…
5.1. Thương mại dịch vụ
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 ước đạt 22.970,3 tỷ đồng, tăng 2,53% so tháng trước và tăng 9,43% so tháng cùng kỳ. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 96.756,42 tỷ đồng, tăng 13,17% so cùng kỳ. Nếu loại trừ yếu tố biến động giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng tăng 10,72%.
- Phân theo ngành hoạt động như sau:
+ Bán lẻ hàng hóa tháng 4 ước đạt 16.095,12 tỷ đồng, tăng 2,73% so với tháng trước và tăng 6,83% so tháng cùng kỳ. Trong tháng, doanh thu các nhóm hàng đều tăng so với tháng trước do có nhiều ngày nghỉ lễ như Giổ tổ hùng Vương (10/3 Âm lịch), ngày Giải phóng Miền Nam 30/4; Quốc tế lao động 1/5 làm cho sức mua trên thị trường của nhiều mặt hàng có mức tăng so với tháng trước như: Lương thực, thực phẩm tăng 3,35%; hàng may mặc tăng 2,06%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 1,96%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 2,79%... Tính chung 4 tháng bán lẻ hàng hóa ước đạt 69.464,05 tỷ đồng, tăng 12,24% so cùng kỳ; chiếm 71,79% Tổng mức bán lẻ hàng hoá.
+ Doanh thu ngành khách sạn, nhà hàng tháng 4 ước đạt 2606,5 tỷ đồng, tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 20,18% so với tháng cùng kỳ. Luỹ kế 4 tháng doanh thu ngành khách sạn, nhà hàng ước đạt 10.411,74 tỷ đồng, tăng 20,61% so cùng kỳ và chiếm 10,76%.
+ Du lịch lữ hành tháng 4 ước đạt 7,9 tỷ đồng, tăng 6,42% so tháng trước. Luỹ kế 4 tháng ước đạt 30,5 tỷ đồng, tăng 25,32% so cùng kỳ. Trong tháng có các ngày nghỉ lễ dài nên nhu cầu tham quan du lịch người dân tăng đã làm tăng doanh thu so cùng kỳ.
+ Doanh thu các ngành dịch vụ tháng 4 ước đạt 4.260,7 tỷ đồng, tăng 2,25% so với tháng trước, tăng 13,62% so với tháng cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng ước đạt 16.850,1 tỷ đồng, tăng 12,71% so cùng kỳ. So cùng kỳ các ngành dịch vụ tăng như: Dịch vụ kinh doanh bất động sản, tăng 11,98%; hành chính và dịch vụ hỗ trợ, tăng 7,97%; giáo dục, đào tạo, tăng 7,78%; Nghệ thuật, vui chơi và giải trí, tăng 15,24%; dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 20%...
5.2. Giá cả thị trường
Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 4 năm 2024 tăng 0,24% so với tháng trước. (Trong đó: Khu vực thành thị tăng 0,32%; khu vực nông thôn tăng 0,16%)
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 7 nhóm hàng tăng giá và 4 nhóm hàng giảm giá. Diễn biến các nhóm hàng hoá chính so với tháng trước như sau:
- Nhà ở và vật liệu xây dựng (+0,26%): Nguyên nhân chủ yếu do thời tiết nắng nóng nên nhu cầu sử dụng điện, nước tăng, chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 1,37%; nước sinh hoạt tăng 0,37%; dầu hoả tăng 1,94%. Ở chiều ngược lại, giá gas giảm 1,04%, do ảnh hưởng giá gas thế giới; giá vật liệu bảo dưỡng và sửa chữa nhà giảm nhẹ do giá các mặt hàng sắt thép xây dựng giảm nhẹ.
- Thiết bị và đồ dùng gia đình (+0,18%): Trong tháng 4 giá nhiều mặt hàng chăn, da, gối tăng bình quân 2,84% so với tháng trước, nguyên nhân là do các mặt hàng này đã hết thời gian khuyến mãi giảm giá nên giá bán đã trở lại giá ban đầu; các mặt hàng đồ dùng nấu ăn tăng 0,33%...Các mặt hàng máy lạnh trong tháng 4 có các chương trình khuyến mãi nên giá giảm bình quân 0,41%. Một số dịch vụ trong gia đình giá ổn định....
- Giao thông (+2,34%) Đây là nhóm có chỉ số tăng cao nhất trong tháng nguyên nhân chủ yếu giá các mặt hàng xăng, dầu điều chỉnh tăng làm cho nhóm nhiên liệu bình quân tăng 4,66% so với tháng trước trong đó xăng tăng 5,01%, các mặt hàng phụ tùng tăng 0,08%; dịch vụ giao thông công cộng tăng 2,32%...
- Các nhóm còn lại có chỉ số giá tăng nhẹ so tháng trước như: May mặc, mũ nón, giày dép (+0,08%); giáo dục (+0,03%); Thuốc và dịch vụ y tế (+0,01%); hàng hóa và dịch vụ khác (+0,32%).
Có 04 nhóm hàng hoá giảm so tháng trước là:
- Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,12%, làm giảm mức tăng chung của CPI là (-0,04%). Trong đó: Lương thực giảm 0,31%, nguyên nhân do trong tháng 4 giá nhiều mặt hàng gạo giảm do nhiều địa phương mới thu hoạch xong vụ Đông Xuân nên lúa gạo trong dân còn nhiều; bên cạnh đó giá gạo thế giới giảm do nguồn cung các nước như Ấn độ, Thái Lan dồi dào làm cho giá xuất khẩu gạo trong nước giảm như: Giá gạo tẻ thường giảm 0,43%; gạo nếp giảm 0,2%, giá mặt hàng bột mì và ngũ cốc khác giảm bình quân 3,61%; Giá các mặt hàng thực phẩm tháng 4 tăng 0,05% so với tháng trước.
- Đồ uống và thuốc lá (-0,13%) do nhu cầu tiêu thụ giảm tác động chỉ số giá chung của nhóm này giảm.
- Chỉ số giá nhóm bưu chính viễn thông so với tháng trước giảm 0,08%; làm giảm mức tăng chung của CPI là (-0,02%) chủ yếu là do giá các thiết bị điện thoại giảm 1,44%.
- Văn hóa, giải trí và du lịch (-0,4%) làm giảm mức tăng chung của CPI là (-0,12%) nguyên nhân là do tháng 4 một số điểm điều tra giá của các dịch vụ này thay đổi nên so với giá bình quân của tháng trước giảm. Mặt khác để kích cầu nhiều công ty du lịch dịp lễ áp dụng các chương trình ưu đãi, giảm giá tour nên giá dịch vụ du lịch giảm.
So với cùng tháng năm trước, CPI tháng 4/2024 tăng 3,06% so với tháng 4/2023. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 10 nhóm tăng, trong đó tăng cao nhất là nhóm y tế tăng 9,09%; tăng thấp nhất nhóm bưu chính viễn thông tăng 0,04%. Riêng văn hóa, giải trí và du lịch giảm 1,65%
Chỉ số giá bình quân 4 tháng tăng 2,45% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Thuốc và dịch vụ y tế (+9,08%); Hàng hoá và dịch vụ khác (+7,51%); Giao thông (+3,05%); Nhà ở, điện, nuớc, chất đốt và VLXD (+2,91%); Giáo dục (+2,42%); Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+2,33%); Thiết bị và đồ dùng gia đình (+1,45%); Đồ uống và thuốc lá (+0,5%). Có 03 nhóm chỉ số giá giảm là May mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,19%; bưu chính viễn thông giảm 0,27%; Văn hoá, giải trí và du lịch 0,43%.
- Chỉ số giá vàng tháng 4/2024 tăng 9,67% so với tháng trước và tăng 33,14% so cùng tháng năm trước. Bình quân 4 tháng tăng 22,62% so với cùng kỳ.
- Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 4/2024 tăng 0,66% so với tháng trước và tăng 7,27% so cùng tháng năm trước. Bình quân 4 tháng tăng 5,49% so với cùng kỳ.
5.3. Xuất, nhập khẩu hàng hóa
Hoạt động xuất, nhập khẩu tháng 4 năm 2024 có tín hiệu tích cực hơn, sự phục hồi của thị trường thế giới, doanh nghiệp ký được đơn hàng xuất khẩu mới. Bên cạnh đó nhờ các nỗ lực trong đẩy mạnh đàm phán, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu trong thời gian qua đã đem lại lợi thế cạnh tranh hơn cho hàng xuất khẩu của Việt Nam; đã góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn.
Ước kim ngạch xuất khẩu tháng 4 năm 2024 đạt 2.024,06 triệu USD, tăng 3,69% so với tháng trước và tăng 12,76% so tháng cùng kỳ. So với tháng trước hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu dự ước tăng như: Hạt điều nhân (+2,42%); cà phê (+3,64%); cao su (+5,61%); sản phẩm gỗ (+2,67%); hàng dệt may (+4,16%); giày dép các loại (+3,65%); máy vi tính (+2,74%); xơ, sợi (+4,38%); máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng (+4,43%) …
Tính chung 4 tháng đầu năm 2024 kim ngạch xuất khẩu ước đạt 7.447,3 triệu USD, tăng 11,52% so cùng kỳ. Trong đó: kinh tế nhà nước ước đạt 155 triệu USD, tăng 5,18%; kinh tế ngoài nhà nước đạt 1.802,97 triệu USD, tăng 10,08%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 5.489,18 triệu USD, tăng 12,19%. Hầu hết các nhóm hàng dự ước tăng so cùng kỳ như: sản phẩm gỗ (+16,07%); hàng dệt may (+2,45%); giày dép các loại (+5%); máy tính điện tử (+9,41%); máy móc thiết bị và dụng cụ (+2,19%); xơ sợi các loại (+11,81%) ...
Thị trường xuất khẩu tháng 4 tập trung chủ yếu ở các nước: Hoa Kỳ đạt 2.184,6 triệu USD, chiếm 29,3%; Nhật Bản đạt 751,6 triệu USD, chiếm 10,09%; Trung Quốc đạt 704,8 triệu USD, chiếm 9,46%; Hàn Quốc ước đạt 435,4 triệu USD, chiếm 5,85%...
Kim ngạch nhập khẩu tháng 4 năm 2024 ước đạt 1.377,67 triệu USD, tăng 3,05% so tháng trước, nguyên nhân tháng 4 nhập khẩu tăng do các doanh nghiệp ký được thêm đơn hàng mới nên tăng cường nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ sản xuất. Tính chung 4 tháng đầu năm kim ngạch nhập khẩu ước đạt 5.010,56 triệu USD, tăng 1,13% so cùng kỳ, trong đó: Kinh tế nhà nước giảm 4,76%; kinh tế ngoài nhà nước tăng 3,81%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 0,76%.
Một số nhóm hàng nhập khẩu chủ yếu tăng so cùng kỳ như: Chất dẻo (Plastic) nguyên liệu tăng 8,06%; gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 11,52%; xơ, sợi dệt các loại tăng 17,07%; vải các loại tăng 13,63%; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày tăng 29,41%; máy tính, sản phẩm điện tử và kinh kiện tăng 30,26%...
Về thị trường nhập khẩu hàng hóa, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của tỉnh ước đạt 1.486,6 triệu USD, chiếm 29,67%; Hàn Quốc ước đạt 708,6 triệu USD, chiếm 14,14%; Nhật Bản ước đạt 357,6 triệu USD, chiếm 7,14%; Hoa Kỳ đạt 335 triệu USD, chiếm 6,69%...
Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, xuất siêu trên địa bàn tỉnh ước đạt 2.436,74 triệu USD, bình quân mỗi tháng xuất siêu trên 600 triệu USD.
5.4. Giao thông vận tải
Hoạt động vận tải 4 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng khá, nhu cầu vận chuyển nguyên vật liệu sản xuất tăng, bên cạnh đó nhiều công trình khởi công mới, dự án trọng điểm của tỉnh tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công theo kế hoạch nên nhu cầu vận chuyển vật liệu xây dựng tăng. Nhu cầu vận chuyển hành khách tăng so tháng trước có các ngày nghỉ lễ như: Giỗ tổ Hùng Vương 10/03 (âm lịch); ngày nghỉ lễ: 30/4 và 1/5 có thời gian nghỉ lễ kéo dài, do vậy nhu cầu đi lại tham quan, du lịch của người dân trong kỳ nghỉ lễ tăng cao. Cụ thể từng lĩnh vực vận tải như sau:
Khối lượng vận chuyển hành khách tháng 4 ước đạt 7,46 triệu hành khách, tăng 3% so với tháng trước, tăng 17,43% so với tháng cùng kỳ; luân chuyển ước đạt 445 triệu hành khách.km, tăng 3,07% so với tháng trước, tăng 17,29% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 4 tháng vận chuyển hành khách ước đạt 29,6 triệu hành khách, tăng 9,79%; luân chuyển ước đạt 1.756,56 triệu hành khách.km tăng 8,97% so cùng kỳ. Dự ước doanh thu vận tải hành khách tháng 4 đạt 429,2 tỷ đồng, tăng 3,17% so tháng trước. Tính chung 4 tháng doanh thu vận tải hành khách ước đạt 1.685 tỷ đồng, tăng 15,09% so cùng kỳ.
Khối lượng vận chuyển hàng hóa tháng 4 ước đạt 8,1 triệu tấn, tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 17,46% so với cùng kỳ; luân chuyển đạt 695,8 triệu tấn.km, tăng 1,56% so với tháng trước và tăng 18,36% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 4 tháng khối lượng vận chuyển ước đạt 32,04 triệu tấn, tăng 14,02%; khối lượng luân chuyển đạt 2.745,28 triệu tấn.km, tăng 15,04% so với cùng kỳ. Dự ước doanh thu vận tải hàng hoá 4 tháng ước đạt 7.324,56 tỷ đồng, tăng 17,44% so cùng kỳ.
- Dự ước doanh thu kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 4 đạt 951,16 tỷ đồng tăng 1,42% so với tháng trước và tăng 16,79% so với tháng cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng ước đạt 3.754,1 tỷ đồng, tăng 14,1% so cùng kỳ.
6. Tài chính - Ngân hàng
a) Tài chính
Tổng thu ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 14.798,01 tỷ đồng, tăng 8,46% so với cùng kỳ. Hiện nay tình hình sản xuất kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp có dấu hiệu phục hồi nên tác động đáng kể đến nguồn thu, các khoản thu chủ yếu đều tăng so cùng kỳ. Trong đó:
- Thu nội địa ước đạt 13.512,06 tỷ đồng, tăng 8,57%. Một số khoản thu tăng khá so cùng kỳ như: Thu từ doanh nghiệp nhà nước đạt 1.132,23 tỷ đồng, tăng 18,22%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh 2.163,37 tỷ đồng, tăng 5,08%; thu từ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài 5.230,68 tỷ đồng, tăng 15,43%; thuế thu nhập cá nhân 2.611,36 tỷ đồng, tăng 17,54% so với cùng kỳ.
- Thu cân đối hoạt động xuất nhập khẩu (đã loại trừ hoàn thuế) ước đạt 1.261,89 tỷ đồng, tăng 13,69% so với cùng kỳ.
Tổng chi ngân sách Nhà nước 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 13.625,06 tỷ đồng, tăng 45,15% so với cùng kỳ. Trong đó: Chi đầu tư phát triển đạt 8.403,14 tỷ đồng, tăng 65,55% (chủ yếu chi đầu tư cho các dự án theo các lĩnh vực 8.139,22 tỷ đồng, tăng 65,68%); Chi thường xuyên đạt 5.220,69 tỷ đồng, tăng 21,14% so với cùng kỳ.
b) Hoạt động Ngân hàng
Tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn ước đến 30/4/2024 đạt 324.280 tỷ đồng, tăng 1,06% so với đầu năm. Bao gồm: Phát hành giấy tờ có giá ước đạt 2.810 tỷ đồng, tăng 6,24%; Tiền gửi ước đạt 321.470 tỷ đồng, tăng 1,02% (Trong đó: Tiền gửi bằng đồng Việt Nam ước đạt 303.820 tỷ đồng, tăng 1,21%; Tiền gửi bằng ngoại tệ ước đạt 17.650 tỷ đồng, giảm 2,23% so với đầu năm).
Lãi suất tiền gửi bằng VNĐ bình quân của NHTM trong nước ở mức 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; mức 2,2-3,1%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; mức 5,3-5,6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; mức 6,8-7,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và mức 6,9-7,3%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng. Lãi suất tiền gửi USD của TCTD ở mức 0%/năm đối với tiền gửi của cá nhân và tổ chức.
Hoạt động tín dụng: Dự ước đến 30/4/2024 tổng dư nợ cấp tín dụng trên địa bàn ước đạt 378.230 tỷ đồng, tăng 4,04% so với đầu năm (nợ xấu ước chiếm 1,85% trên tổng dư nợ cho vay). Bao gồm: Giá trị các khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp ước đạt 1.530 tỷ đồng, giảm 7,22%; Tổng dư nợ cho vay ước đạt 376.700 tỷ đồng, tăng 4,09% so đầu năm (Trong đó: Dư nợ ngắn hạn ước đạt 233.140 tỷ đồng, tăng 6,2%; Dư nợ trung, dài hạn ước đạt 143.560 tỷ đồng, tăng 0,81%).
Lãi suất cho vay bình quân của NHTM trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 7,7-9,9%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VNĐ đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,7%/năm thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4%/năm). Lãi suất cho vay USD bình quân của NHTM trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 4,2 - 5,2%/năm đối với ngắn hạn; mức 6,6 - 7,3%/năm đối với trung và dài hạn.
II. VĂN HÓA - XÃ HỘI
1. Văn hóa, thể thao: Trong tháng 4/2024, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai các đơn vị tập trung tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị như: kỷ niệm các ngày lễ, phục vụ các nhiệm vụ chính trị của đất nước, của tỉnh. Tham gia Hội thi tuyên truyền lưu động toàn quốc Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Biểu diễn nghệ thuật phục vụ các nhiệm vụ chính trị, biểu diễn theo hình thức livestream tại Sân khấu Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai phục vụ nhân dân, chương trình ca múa nhạc tổng hợp và các trích đoạn. Biểu diễn phục vụ chương trình nghệ thuật tại các huyện, thành phố với tổng số 35 buổi biểu diễn, phục vụ khoảng 29.800 lượt người xem.
Hoạt động thể thao trong tháng tập trung tổ chức và tham gia các giải: Hỗ trợ các hoạt động thể dục thể thao cho mọi người: Tổ chức Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân tỉnh Đồng Nai với tổng số người tham gia khoảng 90.000 người. Tổ chức Giải đua xe đạp truyền thống “Về Chiến khu" mở rộng lần thứ XIX năm 2024 tại huyện Vĩnh Cửu. Tham gia 12 giải quốc gia, hiện đạt 57 huy chương (16V, 23B, 18Đ), trong đó tiêu biểu là phá 01 kỷ lục quốc gia, xếp Hạng Ba toàn đoàn tại Giải Lặn Vô địch quốc gia (bể 25m).

2. Y tế

* Tình hình dịch bệnh: Tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt trên địa bàn tỉnh, các đơn vị y tế thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình để triển khai các biện pháp phòng chống dịch, đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc và hóa chất đáp ứng kịp thời cho công tác phòng, chống dịch.

Sốt xuất huyết: ghi nhận 146 ca mắc, tăng 5,8% so với tháng trước và giảm 60,43% so với tháng cùng kỳ, không ghi nhận ca tử vong. Tay chân miệng: ghi nhận 116 ca mắc, tăng 65,71% so với tháng trước và tăng 52,63% so với tháng cùng kỳ, không ghi nhận ca tử vong. Một số dịch bệnh khác như: Sởi, sốt rét, ho gà, uốn ván, tả, thương hàn, cúm.... trong tháng không ghi nhận trường hợp mắc.

Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm: Trong tháng 4/2024 đã thực hiện 1.043 lượt kiểm tra cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống và kinh doanh tiêu dùng thực phẩm trên 11.785 tổng số cơ sở, trong đó: 969 cơ sở đạt (chiếm 92,91%), số cơ sở vi phạm là 74, nhắc nhở 74 cơ sở, không xảy ra ngộ độc thực phẩm trên địa bàn; cộng dồn từ đầu năm đến nay xảy ra 01 vụ ngộ độc thực phẩm với 15 ca mắc, không có ca tử vong.

3. Giáo dục:  Chuẩn bị công tác kiểm tra cuối học kì II năm học 2023-2024; hoàn thành công tác ra đề và in đề kiểm tra cuối học kì II các môn Ngữ văn, Toán, tiếng Anh lớp 9 và lớp 12. Tiếp tục thẩm định Kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày, Kế hoạch dạy tăng cường tiếng Anh đối với các trường THPT. Đồng thời phối hợp tập huấn giới thiệu sách giáo khoa các khối lớp 5, lớp 9, lớp 12. Kiểm tra công nhận trường đạt chuẩn quốc gia theo đề nghị của các đơn vị. Hoàn thành tổ chức Hội thao giáo dục quốc phòng an ninh học sinh THPT cấp tỉnh năm 2024 với tổng số vận động viên tham gia 593 đến từ 66 trường THPT.

Chuẩn bị công tác thi tốt nghiệp THPT năm 2024: Xây dựng dự thảo Quyết định thành lập Ban chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Chỉ thị về công tác thi, dự thảo văn bản về địa điểm, Hội đồng thi; dự thảo văn bản hướng dẫn thi; dự thảo Quyết định thành lập các Tổ công tác hồ sơ tốt nghiệp THPT năm 2024. Tiếp tục nhắc nhở nhập liệu cán bộ, giáo viên coi thi, chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025.

4. Giải quyết việc làm và đào tạo nghề

Trong tháng 04/2024, phối hợp các sở, ban, ngành và các doanh nghiệp dịch vụ việc làm giải quyết việc làm cho 9.113 lượt người. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2024 là 31.624 lượt người, đạt 26,01% kế hoạch năm, tăng 7,02% so với cùng kỳ.

Trong tháng 04, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyển mới đào tạo cho 6.870 học viên, lũy kế 4 tháng đầu năm 2024 có 21.631/65.500 học viên, đạt 33.02% kế hoạch năm, tăng 0,47% so với cùng kỳ năm 2023.

Đã tiếp nhận 6.446 hồ sơ đề nghị hưởng BHTN, giảm 23,24% so với cùng kỳ năm trước, luỹ kế 4 tháng có 14.750 hồ sơ, đã ban hành 5.456 quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp (giảm 16,9% so với cùng kỳ năm trước).

Trên đây là các nội dung chủ yếu về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 năm 2024 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Cục Thống kê xin được thông báo."

"thongke.dongnai.gov.vn"

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Save Conflict. Your changes conflict with those made concurrently by another user. If you want your changes to be applied, click Back in your Web browser, refresh the page, and resubmit your changes.Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang