Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Đưa Vùng Đông Nam bộ phát triển nhanh, toàn diện, chất lượng và bền vững

(CTT-Đồng Nai) - Quy hoạch Vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã chính thức được Thủ tướng phê duyệt vào đầu tháng 5 vừa qua. Bản quy hoạch chính là cơ sở quan trọng để Vùng Đông Nam bộ tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt, khơi thông nguồn lực để bứt tốc phát triển mạnh mẽ.
Cầu Bạch Đằng 2 kết nối tỉnh Đồng Nai với tỉnh Bình Dương đã được hợp long và dự kiến hoàn thành, đưa vào khai thác trong tháng 9-2024.
Cầu Bạch Đằng 2 kết nối tỉnh Đồng Nai với tỉnh Bình Dương đã được hợp long và dự kiến hoàn thành, đưa vào khai thác trong tháng 9-2024.

Khơi thông nguồn lực phát triển
Đông Nam Bộ là vùng có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước.
Những năm qua, với những tiềm năng, lợi thế vượt trội, Vùng Đông Nam bộ luôn là trung tâm đổi mới, năng động, sáng tạo hàng đầu của cả nước; là đầu tàu kinh tế, trung tâm phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ lớn nhất cả nước.

Trong quy hoạch Vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu được đặt ra là đến năm 2030, Đông Nam bộ trở thành vùng văn minh, hiện đại, có công nghiệp phát triển, vượt qua ngưỡng thu nhập cao, đời sống vật chất, tinh thần của người dân dẫn đầu cả nước; là vùng động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước, phát triển năng động, tốc độ tăng trưởng cao; trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực.

Cùng với đó, Vùng Đông Nam bộ cũng sẽ đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo, y tế, phát triển kinh tế xanh, phát thải cacbon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển nhanh hệ thống đô thị xanh, thông minh, hiện đại. Là đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ của cả nước; trung tâm tài chính quốc tế, nơi tập trung của các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới; có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á và phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực châu Á.

Tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam bộ lần thứ 3, công bố Quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050 được tổ chức tại tỉnh Tây Ninh vào ngày 5-5 vừa qua, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, quy hoạch vùng đề ra việc phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 8 -9%/năm, trong đó TP.HCM tăng trưởng khoảng 8,5-9%/năm.
GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 380-420 triệu đồng, tương đương 14.500 - 16.000 USD; phấn đấu tỉ trọng kinh tế số trong GRDP khoảng 35 - 40%...

Cũng tại hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh, để việc triển khai hiệu quả quy hoạch Vùng Đông Nam bộ trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng. Tập trung cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng hiện đại, ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực có thế mạnh, phát triển công nghiệp theo chiều sâu, phát triển nhanh các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, thế mạnh của vùng và trung tâm tài chính quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, ưu tiên đầu tư các dự án động lực, trọng điểm có tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế-xã hội có tính lan tỏa lớn, có tính kết nối quốc tế, liên vùng và hướng biển, ngoài các dự án đã triển khai là các dự án hạ tầng giao thông mới như cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, hạ tầng đường sắt, đường thủy. Tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, đặc biệt là nhân lực bán dẫn, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ.

Đồng bộ quy hoạch
Là địa phương nằm ở vị trí trung tâm của Vùng Đông Nam bộ, quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đang được các cơ quan chức năng của tỉnh hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chính vì vậy, ngay sau khi quy hoạch Vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, Đồng Nai đã tiến hành rà soát, cập nhật để đảm bảo đồng bộ giữa các cấp quy hoạch.

Theo Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, quy hoạch Vùng Đông Nam bộ đã được nghiên cứu rất kỹ, trong đó đưa ra 7 phương hướng phát triển và 6 giải pháp triển khai. Đồng Nai cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, chung tay với 4 tỉnh, thành phố còn lại đưa Vùng Đông Nam bộ không ngừng nêu cao vai trò đầu tàu dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ mới.

Chính vì vậy, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh một lần nữa xác định rõ chức năng, rà soát quy hoạch cho đồng bộ, thống nhất, tránh xung đột lợi ích, tích cực tham mưu đề xuất các giải pháp huy động nguồn lực, hiện thực hóa hiệu quả quy hoạch, khẳng định vị trí quan trọng của tỉnh Đồng Nai trong khu vực. “Tinh thần là phải chấp hành quy hoạch chung của vùng, chỉ tiêu nào của từng ngành, địa phương còn “vênh” thì phải điều chỉnh, cập nhật cho đồng bộ, thống nhất vì mục tiêu phát triển chung”, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức yêu cầu.

Đối với tỉnh Đồng Nai, trong quy hoạch Vùng Đông Nam bộ cũng đã xác định, địa phương là đầu mối giao thông liên kết vùng và có nhiều lợi thế phát triển thời gian tới.
Với vị trí trung tâm của vùng, tất cả các tuyến giao thông kết nối đều đi qua địa bàn tỉnh, có ý nghĩa chiến lược với cả vùng, là tuyến duy nhất di chuyển đến Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành và cảng Cái Mép. “Phát triển hệ thống cao tốc, logistics là vấn đề rất lớn hiện nay. Tỉnh Đồng Nai phải nỗ lực hình thành đô thị vùng không gian bên ngoài sân bay Long Thành để phát huy tối đa dịch vụ mang lại giá trị lợi ích cao nhất cho địa phương”- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh.

Do đó, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cũng yêu cầu trong quá trình hoàn thiện quy hoạch tỉnh phải chú ý tính toán, đáp ứng hai giải pháp quan trọng nhất quyết định sự phát triển địa phương là nguồn vốn và chất lượng nguồn nhân lực. Các mục tiêu phát triển của tỉnh phải ngang bằng hoặc cao hơn khu vực đã nêu rõ trong quy hoạch vùng, không thể thấp hơn.
Vĩnh Quang

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang