Tận dụng rác thải nhựa để sáng tạo nghệ thuật đã có nhiều dự án, nhiều người làm nhưng tái chế nhựa thành tranh ảnh với quy mô công nghiệp thì chưa có ai làm. Mới đây, Công ty TNHH MTV Thanh Tùng 2 (H.Vĩnh Cửu) đã nghiên cứu, chế tạo thành công tranh 3D từ rác thải nhựa.
Ông Bùi Xuân Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thanh Tùng 2 giới thiệu tranh làm từ rác thải nhựa
Ông Bùi Xuân Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thanh Tùng 2 giới thiệu tranh làm từ rác thải nhựa
Sản phẩm độc đáo lại mang thông điệp bảo vệ môi trường, tranh tái chế từ rác được nhiều cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức chọn làm quà tặng dịp Tết Nguyên đán.
Sáng tạo nghệ thuật từ rác
Dẫn chúng tôi đi xem kho tranh mới xuất xưởng ông Bùi Xuân Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thanh Tùng 2 cho rằng, giá trị của các bức tranh không hoàn toàn ở thẩm mỹ mà ở chất liệu. Ông giải thích, trung bình mỗi bức tranh được tạo ra từ 10kg rác thải nhựa. Như vậy, càng làm được nhiều tranh càng giảm lượng rác phải chôn, đốt gây hại cho môi trường. Ngoài ra, tranh làm từ nhựa tái chế có độ bền cao, có thể treo trong nhà hoặc ngoài đường như các tranh tuyên truyền cổ động khác mà không sợ gỉ sét, mối mọt. Sau này không thích nữa, công ty thu hồi tranh và tái tạo ra bức tranh hoàn toàn mới.
Ông Hùng chia sẻ, trước khi làm tranh ông đã làm ra nhiều sản phẩm từ nhựa tái chế nhưng vẫn cảm thấy chưa đủ. Ông muốn làm ra một sản phẩm vừa đẹp, vừa độc, vừa có thể tác động đến tình cảm, cảm xúc của nhiều người. Và ông nghĩ đến tranh ảnh.
Ông tự mình lên ý tưởng, thiết kế bố cục và chọn dòng làng quê Việt Nam xưa làm chủ đạo. Theo quan điểm của ông, những hình ảnh chợ quê, cây đa bến nước sân đình, cây cầu luỹ tre, con trâu cánh đồng rất đỗi mộc mạc mà ai cũng thích.
Để có thể cho ra những bức tranh đẹp phải trải qua nhiều quy trình. Đầu tiên bao ni-lông, chai nhựa, vỏ hộp sữa, vụn đế giày… phải được làm sạch rồi cho vào máy nghiền đi nghiền lại cho nhỏ. Nhựa thải sau đó được đưa vào máy ép nóng tạo thành tấm ván nhựa, rồi đưa qua máy ép lạnh để sản phẩm chắc, bền. Ông cẩn thận lựa những tấm ván phẳng, bề mặt nhẵn nhụi, không bị lỗi, cắt theo kích thước sau đó đưa đi xử lý màu, phơi khô rồi mới đưa đi in tranh.
In tranh ảnh trên tấm ván nhựa khác hẳn với in trên bề mặt gỗ, vải, giấy. Đặc biệt những tấm ván nhựa tái chế có kích thước dày đòi hỏi phải có máy móc chuyên dụng, mực in chuẩn.
Những bức tranh “handmade” đầu tiên ông Hùng chưa vội mang bán mà đem tặng cho chính doanh nghiệp mà ông đang hợp tác xử lý rác nhựa. Rồi tặng cho đối tác, các cơ quan, trường học trong và ngoài tỉnh. Mỗi lần tặng, ông đều hào hứng giới thiệu hình ảnh, thành phần nguyên liệu, cách làm, ý nghĩa môi trường của bức tranh. Ngoài ra, ông còn cho in dòng chữ Tranh tái chế từ rác thải nhựa ở góc bức tranh để những người người xem sau này đều biết.
Người biết tranh tái chế từ rác thải nhựa ngày càng nhiều. Có người đặt vài bức tặng khách hàng, có doanh nghiệp đặt vài chục bức tặng cho đối tác, có người đặt tranh gửi ra nước ngoài. Ông Hùng mạnh dạn gửi mẫu tranh sang Mỹ, Úc để thăm dò thị trường. Gửi tranh ảnh đến các cửa hàng tranh và vật liệu xây dựng ở miền Bác, miền Trung bán. Theo ông Hùng, tranh tái chế từ rác thải nhựa là sản phẩm mới lạ với người tiêu dùng cũng như thị trường Việt Nam nhưng đã được quan tâm và đón nhận, đây là động lực để công ty tiếp tục nghiên cứu tái chế, phát triển sản phẩm mới phục vụ cộng đồng và góp phần bảo vệ môi trường.
Sản phẩm đồ gia dụng tái chế từ nhựa thải của Công ty TNHH MTV Thanh Tùng 2
Sản phẩm đồ gia dụng tái chế từ nhựa thải của Công ty TNHH MTV Thanh Tùng 2
Phát triển ngành công nghiệp tái chế
Trước khi bắt tay làm tranh ảnh, Công ty Thanh Tùng 2 đã làm tấm ván từ nhựa tái chế bán cho nhiều nhà máy chuyên sản xuất đồ nội thất, lắp ráp nhà chòi và cửa hàng tiện lợi ở Tây Ban Nha, Scotlen, Đức, Mỹ. Ông Hùng nghĩ, người nước ngoài lấy nguyên liệu từ Việt Nam về sản xuất ra sản phẩm bán được, mình có sẵn nguyên liệu sao không thử?
Nghĩ là làm, lúc đầu ông lấy những tấm ván xuất không hết làm các sản phẩm đơn giản là thùng rác, chậu cây cảnh, bàn ghế cho công viên. Sau đó, đến các sản phẩm nội thất là đồng hồ, tủ quần áo, kệ giày dép, lavabo, bàn ghế học sinh... Mỗi sản phẩm hoàn thành đều được thử nghiệm ở gia đình, nhà máy trước rồi mới đưa đi tặng các trường học, nhà văn hoá đang thiếu thốn cơ sở vật chất.
Hiện tại, không chỉ rác thải nhựa mà khoảng 90% chất thải về nhà máy được tái chế thành các sản phẩm thô bán cho một số doanh nghiệp trong nước và xuất khẩu dùng làm nguyên liệu sản xuất. Số còn lại, công ty làm ra gạch ngói, đồ dùng nội ngoại thất, tranh ảnh phục vụ lợi ích cộng đồng.
Ông Huỳnh Phước Lộc, Giám đốc điều hành nhà máy cho rằng, công ty đã được chủ nguồn thải trả phí xử lý rác nên không bị áp lực kinh tế từ sản phẩm tái chế. Nhưng công ty không ngừng nghiên cứu tái chế, làm ra các vật dụng hữu ích và chia sẻ với cộng đồng vì muốn lan toả thông điệp: mọi rác thải đều có giá trị sử dụng và giá trị thương mại khi được tái chế, sử dụng sản phẩm tái chế là góp phần tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Anh Huỳnh Minh Thanh, TP.Biên Hoà chia sẻ, lần đầu biết đến tranh tái chế từ rác thải nhựa anh khá thích thú. Sản phẩm không chỉ đẹp mà còn có ý nghĩa với môi trường. “Rác thải nhựa dù xử lý bằng cách nào cũng ít nhiều tác động đến môi trường, nếu tái chế và tái sử dụng nhiều lần sẽ hạn chế sản xuất vật liệu mới, hạn chế khai thác tài nguyên thiên nhiên. Những sản phẩm như thế này cần được giới thiệu đến cộng đồng, các em học sinh để mọi người cùng có ý thức phân loại rác, bảo vệ môi trường” - anh Thanh bày tỏ.
Hoạ sỹ Nguyễn Văn Châu (H.Vĩnh Cửu) cho rằng, mỗi người có hệ mỹ quan và cách cảm thụ nghệ thuật riêng. Tranh truyền thống Việt Nam hầu hết đều có màu sắc, bố cục, hình ảnh đẹp. Theo ông, tranh ảnh làm từ nhựa tái chế là sản phẩm độc đáo, từ ý tưởng, chất liệu in cho đến thông điệp. Sự kết hợp giữa nguyên liệu và hình ảnh là điểm cộng cho các bức tranh này.
Công ty Thanh Tùng dự định làm thêm tranh ảnh về các khu du lịch, địa danh, con người Đồng Nai; phát triển dòng sản phẩm bàn ăn in tranh 3D trong gia đình, nhà hàng, quán ăn tận dụng hết sản phẩm tái chế từ rác thải nhựa và lan toả thông điệp môi trường. Mới đây, Tổ chức phát triển Hà Lan SNV (tổ chức phi lợi nhuận quốc tế) đã làm việc với công ty về hợp tác thực hiện chương trình Những thành phố sạch vì một Việt Nam xanh mà trọng tâm là tái chế rác thải nhựa thành những sản phẩm hữu ích phục vụ cộng đồng.
Việt Nam là một trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất trên thế giới. Thống kê của Hiệp hội Nhựa Việt Nam năm 2020, trung bình cả nước phát thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi ni-lông. Lượng rác thải nhựa được tái chế, tái sử dụng còn rất thấp. Nếu phát triển ngành công nghiệp tái chế, Việt Nam sẽ giảm được rác thải nhựa, giảm ô nhiễm môi trường đồng thời tạo ra nguồn nguyên liệu mới cho sản xuất công nghiệp.