Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Xây dựng hệ sinh thái để hình thành lớp nông dân chuyên nghiệp

Đồng Nai là tỉnh công nghiệp, ý thức và tác phong công nghiệp được hình thành từ rất sớm là điều kiện thuận lợi cho nông dân cũng sớm hình thành ý thức, tác phong này trong sản xuất nông nghiệp.

Nông dân xây dựng thương hiệu nông sản OCOP và trực tiếp tham gia quảng bá, bán sản phẩm tại hội thảo xúc tiến thương mại tổ chức ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Phan Anh
Nông dân xây dựng thương hiệu nông sản OCOP và trực tiếp tham gia quảng bá, bán sản phẩm tại hội thảo xúc tiến thương mại tổ chức ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Phan Anh

Vừa qua, Bộ NN-PTNT tổ chức hội thảo “Làm gì để hình thành được đội ngũ người làm nông chuyên nghiệp? Nội dung trọng tâm được đặt ra: Vì sao phải cần có đội ngũ nông dân chuyên nghiệp? Thế nào là người nông dân chuyên nghiệp?

Nhiều điển hình hay

Trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành được lớp giám đốc nông dân với tư duy, kiến thức mới trong tiếp cận, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, sơ chế, chế biến; giỏi trong tìm hiểu, tiếp cận thị trường...Họ là đội ngũ tiên phong góp phần vào sự chuyển đổi từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ qua sản xuất hàng hóa lớn, theo chuỗi giá trị và sát với nhu cầu thị trường.

Trong 7 vùng trồng đầu tiên của Đồng Nai được cấp mã số xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, vùng trồng Nhân Nghĩa (H.Cẩm Mỹ) được đánh giá cao từ quy trình sản xuất đến các khâu quản lý dịch hại. Đặc biệt, nông dân của vùng trồng này đều có sổ nhật ký canh tác, lưu trữ tài liệu, nhờ đó dễ dàng kiểm tra việc sử dụng phân bón sinh học, quy trình phòng trừ sâu bệnh, đặc biệt một số hoạt chất đã được cảnh báo không được sử dụng từ nước nhập khẩu. Điểm đặc biệt là người xây dựng vùng trồng này là ông Đỗ Lương Ý, một trong số ít những nông dân đi tiên phong trên địa bàn tỉnh đăng ký làm mã vùng trồng sầu riêng xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc. Ông là nông dân sản xuất giỏi tại địa phương với diện tích chuyên canh sầu riêng khoảng 4,5ha. Ông đã chủ động liên kết với nhiều nông dân khác, chuẩn hóa các vườn trồng để hình thành nên vùng trồng sầu riêng Nhân Nghĩa với diện tích khoảng 20ha.

Ông Bùi Đình Anh, chủ trang trại trồng thanh long ruột đỏ, cây có múi với quy mô hàng chục ha tại xã Xuân Phú (H.Xuân Lộc) không chỉ là nông dân chuyên nghiệp mà từ rất sớm đã quan tâm đến việc đào tạo tác phong công nghiệp cho hàng chục người lao động nông nghiệp tại trang trại. Trang trại của ông xây dựng nhà ở cho người lao động và sẵn sàng bỏ ra hàng năm trời để đào tạo được đội ngũ những nông dân lành nghề.

Theo ông Bùi Đình Anh: “Thời gian làm việc của mỗi người đều giống nhau, sự khác biệt của người có kỹ năng và không có kỹ năng là về hiệu quả, không phải làm được gấp đôi, gấp ba mà làm đúng hay sai. Tôi luôn yêu cầu người lao động phải hiểu, biết rồi mới làm. Tôi thường tổ chức các buổi họp rút kinh nghiệm và chính người lao động phải đưa ra giải pháp; qua đó giúp họ thuộc nằm lòng”.

Trang trại của ông còn có chính sách thực hiện khoán diện tích cho từng hộ lao động cụ thể, cuối năm người lao động được chia lợi nhuận trên tổng thu nhập của diện tích vườn được khoán. Người làm giỏi, vườn cây càng đạt năng suất, chất lượng tốt thì thu nhập của họ càng cao. Ông luôn tự hào vì rèn luyện được đội ngũ lao động thành những chuyên gia trong nghề nông.

Nông dân ứng dụng công nghệ cao trồng rau, trái sạch tại H.Xuân Lộc. Ảnh: Phan Anh
Nông dân ứng dụng công nghệ cao trồng rau, trái sạch tại H.Xuân Lộc. Ảnh: Phan Anh

Tạo bệ đỡ cho nông dân

Thực tế hiện nay, mức độ chuyên nghiệp và chuyên môn hóa trong từng quy trình sản xuất đã được bà con nông dân từng bước tiếp cận. Vấn đề đặt ra là cần xây dựng hệ sinh thái để hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp.

Nền nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước ba thách thức lớn là biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng. Ngày nay, biến động thị trường do nhiều yếu tố chứ không chỉ do quy luật cung cầu. Xu thế tiêu dùng đang biến chuyển từ nhu cầu ăn no sang ăn ngon, ăn để thưởng thức, để tạo dinh dưỡng, để bồi bổ sức khỏe lành mạnh. Xu thế tiêu dùng xanh sẽ là chủ đạo trong tương lai gần. Theo đó, cần có đội ngũ nông dân chuyên nghiệp đáp ứng thay đổi trên.

Muốn người tiêu dùng sẵn lòng chi trả mức giá tương xứng, sản phẩm phải đáp ứng các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, về chất lượng, về quy trình sản xuất không gây tác động đến sức khỏe con người và môi trường tự nhiên... Trong bối cảnh nền kinh tế chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, đòi hỏi nông dân phải chuyên nghiệp. Bởi khi chuyên nghiệp, việc tổ chức sản xuất của nông dân sẽ trở nên chỉn chu, cùng một loại nông sản nông dân sẽ biết cách bán giá cao, thu lợi nhuận cao hơn. Do đó, không có tri thức thì không thể chuyên nghiệp, nếu không có nông dân chuyên nghiệp sẽ không có ngành nông nghiệp chuyên nghiệp và cả một nền nông nghiệp chuyên nghiệp.

Nhưng không thể bỗng dưng mà người nông dân có thể “tinh thông” và đạt “độ chín” của nghề nông, mà không được và không tự trang bị tri thức cho mình. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, nông dân không được chuyên nghiệp hóa, năng suất lao động trong nông nghiệp và khu vực nông thôn sẽ rất khó có thể được cải thiện, giá trị gia tăng tiệm tiến chậm, sức cạnh tranh kém, tiếp tục gặp nhiều rủi ro thị trường. Nông dân không được chuyên nghiệp hóa sẽ không thể thay đổi tư duy nông nghiệp từ “sản xuất” sang “kinh tế”, từ “tăng trưởng đơn giá trị” sang “tăng trưởng đa giá trị”. Hệ lụy là tình trạng nông dân bỏ đất, rời làng, xa quê vẫn cứ tiếp tục diễn ra.

GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ khẳng định vai trò quan trọng của mối quan hệ giữa cơ quan quản lý, nông dân và doanh nghiệp. Để xây dựng đội ngũ nông dân chuyên nghiệp là cả một quá trình. Khi nông dân làm ăn cá thể càng nhiều, thì không thể nào ép nông dân vào quy trình kỹ thuật. Vì vậy phải cần đội ngũ nông dân gắn bó với những kỹ thuật mới, sản xuất ra các sản phẩm an toàn, hạ giá thành để làm lực lượng nòng cốt. Việt Nam nên học theo mô hình HTX ở Nhật Bản, huấn luyện bà con nông dân tại chỗ. Trong đó vai trò của doanh nghiệp đi đầu, phối hợp với chính quyền địa phương, HTX để hướng dẫn xã viên cùng áp dụng theo quy trình kỹ thuật mà doanh nghiệp đưa ra.

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, nông dân chuyên nghiệp là người có kiến thức nền tảng về sản xuất, kinh doanh, kinh tế, khoa học công nghệ… hiểu biết nhất định về môi trường tự nhiên, đa dạng sinh học, về giá trị của tài nguyên bản địa, cả yếu tố văn hóa, xã hội địa phương. Nông dân chuyên nghiệp là người không chỉ biết sản xuất đơn thuần, mà còn luôn quan tâm đến các câu hỏi: “Sản xuất cái gì? Sản xuất như thế nào? Sản xuất cho ai?” Một trong những phương pháp nâng tính chuyên nghiệp cho nông dân là chia sẻ tri thức cho bà con, bắt đầu từ tri thức nhỏ như cách làm giống, cách thu hoạch rồi dần tiến đến ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử…
Phan Anh

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang