Phó bí thư Tỉnh ủy Quản Minh Cường đánh giá, Ngành Nông nghiệp Đồng Nai có nhiều thành tựu nổi bật với giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản thuộc tốp đầu cả nước. Trong đó, sản xuất nông nghiệp tỉnh có nhiều thế mạnh như: chăn nuôi dẫn đầu cả nước, trồng trọt đa dạng về các loại cây trồng với nhiều vùng chuyên canh cho giá trị cao, nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP…
Vụ thu hoạch vừa qua, nông dân trồng sầu riêng trúng mùa, trúng giá. Ảnh: Thu hoạch sầu riêng tại xã Bình Sơn, H.Long Thành. Ảnh: Phan Anh
Vụ thu hoạch vừa qua, nông dân trồng sầu riêng trúng mùa, trúng giá. Ảnh: Thu hoạch sầu riêng tại xã Bình Sơn, H.Long Thành. Ảnh: Phan Anh
Trong điều kiện khó khăn, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 đạt gần 22,8 ngàn tỷ đồng, tăng 4,32% so cùng kỳ. Mức tăng trưởng này đạt khá cao so với mức tăng cùng kỳ các năm gần đây và cao hơn nhiều so với kế hoạch năm là từ 3-3,5%.
Đứng đầu Đông Nam bộ
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh, ngành nông nghiệp tỉnh triển khai thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2022 trong điều kiện phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động của sự bất ổn kinh tế, chính trị thế giới đã làm giá vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng cao, một số loại nông sản đến kỳ thu hoạch nhưng giá xuống thấp đã ảnh hưởng đến đời sống, thu nhập của người nông dân. Song, ngành đã bám sát chỉ đạo của tỉnh, bám sát thực tiễn, phối hợp đồng bộ với các sở, ngành các cấp triển khai quyết liệt các giải pháp vượt qua khó khăn thách thức, tiếp tục đạt được những kết quả tích cực.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản đang dần được khôi phục hoàn toàn. Ấn tượng trong điều kiện khó khăn 6 tháng đầu năm 2022, tổng sản phẩm nông, lâm, thủy trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt gần 11,1 ngàn tỷ đồng, tăng 4,19% so cùng kỳ (cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng bình quân chung của cả nước là 2,78%); là địa phương có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Nam bộ.
Trong đó, ngành chăn nuôi vẫn tiếp tục phát triển theo hướng công nghiệp, hiện đại. Các trang trại quy mô lớn, các doanh nghiệp chủ động đầu tư phát triển đàn heo, làm cho tổng đàn heo tăng so cùng kỳ, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát. Cụ thể, tổng đàn heo của tỉnh đạt khoảng 2,3 triệu con, tăng 9,5%; đàn gia cầm gần 27,2 triệu con, tăng 2,4%. Sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm đạt hơn 33,8 ngàn tấn, tăng 5,5% so cùng kỳ.
Vựa sầu riêng tại TP.Long Khánh. Ảnh: Phan Anh
Vựa sầu riêng tại TP.Long Khánh. Ảnh: Phan Anh
Nỗ lực phát triển sản xuất
Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2022 của ngành nông nghiệp vào ngày 11-8, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi đánh giá cao trong hoàn cảnh khó khăn, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp tỉnh vẫn đạt cao so với kế hoạch đề ra và cao hơn nhiều so với mức bình quân chung của cả nước. Các sản phẩm cây trồng, vật nuôi, thủy sản của tỉnh đã tham gia vào các chuỗi liên kết, chế biến nên có đầu ra ổn định. Giá trị xuất khẩu của nhiều nông sản tăng, nhiều nông sản xuất khẩu là sản phẩm chế biến sâu.
Nói về đầu tư sản xuất đáp ứng tốt thị trường xuất khẩu, ông Trương Đình Bá, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lâm San (H.Cẩm Mỹ) chia sẻ, vùng chuyên canh cây tiêu tại xã Lâm San gắn với dự án cánh đồng lớn, diện tích trên 600 ha đạt chuẩn tiêu sạch xuất sang thị trường các nước Châu Âu, mang lại giá trị tăng thêm từ 5 - 12 ngàn đồng/kg so với sản xuất thông thường. Hiện địa phương đã có 3,5 ha hồ tiêu đạt chứng nhận sản phẩm hữu cơ của HTX Lâm San. Huyện đang xây dựng và nhân rộng mô hình canh tác hồ tiêu hữu cơ. Trong đó, lợi thế của vùng chuyên canh này là tư duy, trình độ sản xuất của nông dân đã có sự thay đổi lớn; nhiều xã viên dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đầu tư, tham gia chuỗi liên kết sản xuất, hình thành vùng sản xuất có chất lượng ổn định cung ứng cho chế biến và xuất khẩu.
Ngoài ra, trên địa bàn H.Cẩm Mỹ đã hình thành vùng chuyên canh cây sầu riêng gắn sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thương mại Toàn Thắng với diện tích 150 ha, sản lượng gần 3 ngàn tấn. Sản phẩm sầu riêng đông lạnh của doanh nghiệp này xuất khẩu tốt đi nhiều nước. Doanh nghiệp đang triển khai thiết lập đăng ký các mã số vùng trồng và hình thành vùng nguyên liệu sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Vụ thu hoạch sầu riêng vừa qua, nông dân trồng sầu riêng trúng mùa, trúng giá vì mặt hàng này xuất khẩu tốt. Không chỉ xuất khẩu mặt hàng trái tươi, nhiều doanh nghiệp đầu tư vào chế biến, xuất khẩu sầu riêng đông lạnh đi nhiều nước trên thế giới. Theo đó, nông dân trồng sầu riêng vẫn đạt lợi nhuận tốt, cá biệt có nhà vườn vẫn thu về cả tỷ đồng/ha trong tình hình chung thị trường xuất khẩu trái cây tươi gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Một trong những trọng tâm ngành nông nghiệp đặt ra trong thời gian tới là tiếp tục theo dõi, thực hiện tốt công tác thông tin dự báo thị trường tiêu thụ nông sản; thống kê các mặt hàng nông sản tiêu thụ từ nay đến cuối năm 2022 để xây dựng phương án hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm; hướng dẫn người dân, doanh nghiệp xây dựng các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và áp dụng các quy trình kỹ thuật để xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.