(CTT-Đồng Nai) - Bà Đoàn Thị Lộc, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Nhơn Trạch thời gian qua đã tham gia triển khai đồng bộ và hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) trên địa bàn huyện. Đặc biệt, bà đã tham mưu cho lãnh đạo địa phương triển khai thực hiện nhiều mô hình tuyên truyền pháp luật, hòa giải ở cơ sở có hiệu quả.
Bà Lộc vừa được UBND huyện Nhơn Trạch đề cử là cá nhân điển hình, tiêu biểu cho Chương trình Gương sáng pháp luật Đồng Nai năm 2024.
Bà Đoàn Thị Lộc (bên phải) tại hội nghị tổng kết hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh năm 2023
Bà Đoàn Thị Lộc (bên phải) tại hội nghị tổng kết hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh năm 2023
Bà Lộc cho biết, thời gian gần đây, cứ đều đặn vào buổi chào cờ sáng thứ Hai hàng tuần, UBND các xã, thị trấn của huyện Nhơn Trạch đều tổ chức lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức. Nội dung tuyên truyền tập trung triển khai các văn bản quy phạm pháp luật mới. Nhờ đó, cán bộ, công chức, viên chức nắm vững nội dung quy định mới để áp dụng vào công việc chuyên môn ngày càng tốt hơn.
Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện Nhơn Trạch còn có nhiều mô hình hoạt động hiệu quả và đang được nhân rộng tại địa phương. Chẳng hạn mô hình tuyên truyền bằng ti vi tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các xã, thị trấn; mô hình tuyên truyền tại khu nhà trọ của xã Phú Thạnh và Phước An; mô hình tuyên truyền Phụ nữ với pháp luật của xã Phú Đông; mô hình tuyên truyền pháp luật của cựu chiến binh xã Long Tân; mô hình thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng loa lưu động của xã Phú Hữu...
Đối với mô hình “Hòa giải hiệu quả bằng dân vận khéo” của các xã: Phước Khánh, Đại Phước, Phú Hữu, Phú Thạnh; mô hình “Hòa giải điểm” tại ấp Thị Cầu, xã Phú Đông; mô hình “Mọi người dân đều là hòa giải viên” của xã Phước An; mô hình “Mỗi tổ hòa giải một luật gia tư vấn” của xã Long Tân đều là những mô hình hòa giải ở cơ sở hoạt động hiệu quả, có tỷ lệ hòa giải cao, có tính giáo dục, thuyết phục, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tốt trong cộng đồng dân cư. Do vậy, địa phương đang tiếp tục phát huy, nhân rộng nhằm nâng cao năng lực của hòa giải viên và hoạt động của tổ hòa giải ở cơ sở.
Thời gian qua, bà Lộc còn tham mưu lãnh đạo địa phương tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều hình thức như: tuyên truyền trên mạng xã hội (facebook, zalo); tuyên truyền trên Trang thông tin điện tử huyện Nhơn Trạch; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến.
Ngoài ra, bà Lộc còn tham gia theo dõi thi hành pháp luật một số lĩnh vực như: công chứng, chứng thực, xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực nhạy cảm (môi trường, an ninh trật tự, y tế, xây dựng, đất đai…). Theo đó, tham mưu UBND huyện thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, tổ phản ứng nhanh để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm trên địa bàn, không để xảy ra những trường hợp lây lan, khó xử lý.