(CTT-Đồng Nai) - Năm 2024, các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức, cá nhân trong tỉnh đã đăng ký thực hiện hơn 3,1 ngàn mô hình, điển hình Dân vận khéo (DVK).
Đến nay đã xét chọn được 2.472 mô hình, điển hình đạt tiêu chí về DVK trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng – an ninh và xây dựng hệ thống chính trị.
Lãnh đạo UBND tỉnh và Ban Dân vận Tỉnh ủy ký kết triển khai mô hình “Chính quyền thân thiện xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh”.
Lãnh đạo UBND tỉnh và Ban Dân vận Tỉnh ủy ký kết triển khai mô hình “Chính quyền thân thiện xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh”.
Chăm lo đời sống Nhân dân bằng những việc làm thiết thực
Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết, trong 2.472 mô hình, điển hình về DVK, có 723 mô hình trên lĩnh vực kinh tế; hơn 1,1 ngàn mô hình trên lĩnh vực văn hóa – xã hội; 259 mô hình trên lĩnh vực quốc phòng – an ninh và 384 mô hình trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị.
Trong các mô hình, điển hình DVK về lĩnh vực kinh tế, có nhiều mô hình đã đem lại hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao đời sống Nhân dân.
Điển hình như, để giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế, tỉnh đã thành lập Quỹ hỗ trợ nông dân do Hội Nông dân tỉnh quản lý. Đây là nguồn vốn không vì mục đích lợi nhuận mà để hỗ trợ giúp đỡ hội viên nông dân xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế, góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững.
Ông Dương Hữu Nhạc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Ngọc, huyện Định Quán chia sẻ, trước đây ở xã có một vài hộ dân nuôi ba ba nhưng quy mô nhỏ lẻ. Để liên kết các hộ trong xã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm nuôi ba ba, xã đã thành lập Tổ hợp tác nuôi ba ba ở ấp 1, có 10 thành viên tham gia. Tổ đã được Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh giải ngân số vốn 400 triệu đồng.
Có vốn vay, các hộ đầu tư xây bể nuôi ba ba và mua con giống. Hiện giá bán ba ba thương phẩm khá cao (giá vài trăm ngàn/kg), nên quy mô nuôi ba ba càng lớn thì lợi nhuận càng cao, do đó mô hình nuôi ba ba đang được Nhân dân nhân rộng.
Trên lĩnh vực văn hóa – xã hội, các mô hình, điển hình DVK tập trung vào công tác an sinh xã hội; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, khuyến học, khuyến tài...
Nổi bật ở lĩnh vực này có mô hình “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng vận động tham gia bảo hiểm y tế” của huyện Thống Nhất. Theo đó, cán bộ, nhân viên Bảo hiểm xã hội và Bưu điện huyện Thống Nhất đã thành lập các tổ, rà soát xem hộ gia đình, cá nhân nào chưa mua bảo hiểm y tế thì đến từng gia đình tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ về lợi ích của tham gia bảo hiểm y tế.
Chị Trần Thị Tuyết Nhung, xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất cho hay, vừa rồi mẹ của chị đi phẫu thuật hở van tim, hết hơn 100 triệu đồng nhưng vì mẹ chị đã được tuyên truyền mua bảo hiểm y tế nên được Nhà nước hỗ trợ chi trả chi phí khám chữa bệnh 80%. Nếu không có bảo hiểm y tế thì đây là gánh nặng tài chính quá lớn cho gia đình chị.
Một mô hình, điển hình DVK khác cũng rất thiết thực đối với đời sống người dân, đó là mô hình “Căn nhà hậu phương” ở huyện Định Quán.
Trước đây, công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ của địa phương gặp khó khăn. Một trong những nguyên nhân là nhiều hộ gia đình ở vùng sâu, vùng xa, thuộc diện hộ nghèo có con trai đến tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự nhưng khó khăn về nhà ở. Trong khi đó, thanh niên các hộ này là lao động chính, chỗ dựa của cả gia đình nên trước khi lên đường nhập ngũ, anh em thường lo lắng, trăn trở, có ý định thoái thác, gây phức tạp trong công tác tuyển quân. Trước tình hình đó, Ban Chỉ huy quân sự huyện Định Quán đề xuất thực hiện mô hình xây dựng “Căn nhà hậu phương” tặng các hộ gia đình có con chuẩn bị nhập ngũ, hoặc đang phục vụ tại ngũ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để thanh niên yên tâm làm nghĩa vụ quân sự.
Thượng tá Nguyễn Tống Quế, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh cho biết, từ mô hình của huyện Định Quán, hiện đã nhân rộng ra nhiều địa phương trong tỉnh.
Nâng cao tinh thần, trách nhiệm phục vụ nhân dân
Trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh, các mô hình, điển hình DVK đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, nắm chắc tình hình Nhân dân, xây dựng lực lượng nòng cốt, kịp thời đề xuất, xử lý có hiệu quả các vụ việc phức tạp ở cơ sở, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là tại các địa bàn trọng điểm về quốc phòng - an ninh. Quá trình thực hiện nhiệm vụ trên lĩnh vực này đã xây dựng được nhiều mô hình tiêu biểu.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Bảo Quang, thành phố Long Khánh Lương Thị Bảo Thùy chia sẻ, nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và dư luận trong Nhân dân, MTTQ xã Bảo Quang đã thành lập “Hòm thư Mặt trận lắng nghe ý kiến người dân”, đặt tại Nhà Văn hóa ấp Lác Chiếu. Hòm thư đi vào hoạt động tháng 5-2024.
Đến nay, hòm thư nhận được 3 lá thư, nội dung phản ánh về việc hàng xóm thường xuyên hát karaoke quá giờ làm ảnh hưởng đến giấc ngủ và an ninh trật tự ở khu dân cư. Đồng thời, người dân kiến nghị Công an xã tăng cường tuần tra truy quét tội phạm. Các ý kiến này đều được Ban công tác Mặt trận ấp, lãnh đạo xã có giải pháp hữu hiệu để xử lý.
Đối với lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị, các mô hình, điển hình DVK gắn với việc thực hiện dân chủ ở cơ sở và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng đạo đức công vụ; tăng cường tiếp dân, đối thoại, giải quyết những vấn đề bức xúc, phức tạp trong Nhân dân.
Tiêu biểu trên lĩnh vực này là các mô hình: “Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền” ở huyện Tân Phú; “Nâng cao chất lượng phục vụ người lao động khi thực hiện các thủ tục hành chính tại Khu vực phục vụ Hành chính công của Sở Lao động, thương binh và xã hội...
Đặc biệt trong năm 2024, Thường trực Tỉnh ủy đã thống nhất đề xuất của Ban Dân vận Tỉnh ủy, triển khai mô hình “Buổi sáng với Nhân dân” và “Chính quyền thân thiện xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh”. Đến nay, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và lãnh đạo các cơ quan chuyên môn đã dành 60 phút đầu giờ mỗi buổi sáng làm việc trong tuần để tiếp dân và doanh nghiệp mà không cần phải chờ đến các cuộc tiếp dân theo định kỳ. Qua mô hình, lãnh đạo tỉnh và các đơn vị có thêm kênh thông tin lắng nghe, giải quyết kịp thời nhiều ý kiến kiến nghị của các tầng lớp Nhân dân, tạo đồng thuận xã hội.