(CTT-Đồng Nai) - Các di tích lịch sử, văn hóa giữ vai trò quan trọng trong quá trình hình thành, phát triển của cộng đồng, dân tộc.
Việc bảo tồn, phát huy giá trị các di tích tại Đồng Nai đã và đang được các ngành, các cấp quan tâm, song hiện vẫn còn nhiều hạng mục tại các di tích đang xuống cấp, hư hỏng cần được trùng tu, tôn tạo.
Một số hạng mục mái di tích đình Tân Lân đã xuống cấp
Một số hạng mục mái di tích đình Tân Lân đã xuống cấp
Nhiều hạng mục xuống cấp
Nhà hội Bình Trước được Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1991. Từ khi xây dựng đến nay, di tích đã trải qua nhiều lần trùng tu vào các năm 1942, 1949, 1964, 2000. Năm 2023, trước tình trạng xuống cấp của di tích, Ban Quản lý dự án thành phố Biên Hòa (chủ đầu tư) thực hiện Dự án Tu sửa cấp thiết Di tích Nhà hội Bình Trước gồm các hạng mục: nhà chính, cổng, tường rào. Công trình hoàn thành và bàn giao, đưa vào sử dụng đầu năm 2024.
Tại nhà hội Bình Trước hiện còn các khối nhà bao quanh (dạng nhà cấp 4 thuộc khu vực II di tích) được xây dựng năm 1954 làm nơi ở cho nhân viên an ninh, lính làng. Sau năm 1975, các khối nhà cấp 4 được giao cho nhiều đơn vị sử dụng làm nơi làm việc, kho... Sau khi các đơn vị chuyển về trụ sở làm việc mới, các dãy nhà để trống, không sử dụng. Hiện nay, các dãy nhà cấp 4 bao quanh xuống cấp nghiêm trọng: nền gạch bị lún, bong tróc, phần mái bị sập nhiều chỗ, hệ thống cửa gỗ bị mối mọt xâm hại mục nát, hư hỏng; nhiều vị trí có khả năng đổ sập, gây nguy hiểm cho người dân, du khách khi đến tham quan.
Di tích Đình Tân Lân (phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa) cũng là một trong những công trình có nhiều hạng mục như: tiền điện, chánh điện đang xuống cấp nghiêm trọng.
Trưởng ban Quý tế đình Tân Lân Lâm Văn Lang cho hay, hiện phần mái ngói âm dương bằng đất nung đã xuống cấp và được gia cố láng lớp vữa xi măng trên bề mặt mái ngói. Hệ mái gỗ gồm: đòn tay, rui, ván mái, vân kiên… bị ẩm mục, mối mọt và đã xuống cấp, hư hỏng nặng.
“Tỉnh đã có chủ trương trùng tu, sửa chữa các hạng mục xuống cấp của đình Tân Lân bằng nguồn vốn sự nghiệp khoảng 3 tỷ đồng, vừa qua đã tổ chức đoàn khảo sát, đánh giá lại hiện trạng xuống cấp của di tích. Ban Quý tế đình và bá tánh rất vui mừng, mong công trình sớm được tu sửa, tôn tạo nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của Nhân dân” - ông Lang nói.
Di tích Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U3 (1961-1975, ở huyện Long Thành) qua thời gian tồn tại, các hạng mục như: tượng đài, nhà bia, nhà trưng bày, đền tưởng niệm… đã bị xuống cấp, hư hỏng, thấm nước. Sân đường nội bộ của di tích có một số diện tích bị sụt lún gây khó khăn trong công tác tổ chức một số hoạt động tại di tích.
Dãy nhà cấp 4 (bên phải và cuối cùng) xung quanh Di tích Nhà hội Bình Trước hiện đã xuống cấp, được đề xuất UBND tỉnh chấp thuận chủ trương tháo dỡ
Dãy nhà cấp 4 (bên phải và cuối cùng) xung quanh Di tích Nhà hội Bình Trước hiện đã xuống cấp, được đề xuất UBND tỉnh chấp thuận chủ trương tháo dỡ
Điều chỉnh lộ trình tu bổ, tôn tạo di tích
Với Di tích Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U3, Sở VHTTDL đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức khảo sát, đề xuất UBND tỉnh chấp thuận chủ trương tu bổ. Nguồn kinh phí thực hiện từ ngân sách tỉnh. Theo Kế hoạch 160/KH-UBND ngày 6-5-2024 của UBND tỉnh về tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2028, Di tích Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U3 được phân kỳ thực hiện vào năm 2027. Tuy nhiên, do di tích đã xuống cấp, Sở VHTTDL có báo cáo UBND tỉnh chủ trương triển khai thực hiện vào năm 2025.
Đối với nhà hội Bình Trước, sau khảo sát, các đơn vị đã thống nhất đề xuất UBND tỉnh chấp thuận chủ trương tháo dỡ các khối nhà cấp 4 xung quanh di tích; trả lại không gian cho di tích và lập dự án chỉnh trang, tôn tạo, xây dựng các công trình phụ trợ trong năm 2025, góp phần phát huy giá trị di tích.
Theo Sở VHTTDL, sau khi được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương tháo dỡ dãy nhà xuống cấp tại Di tích Nhà hội Bình Trước, sở đề nghị Bảo tàng Đồng Nai lập dự án chỉnh trang, tôn tạo, xây dựng các công trình phụ trợ, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
Phó Giám đốc Sở VHTTDL Nguyễn Hồng Ân cho biết, thời gian qua, ngành đã có 2 năm thực hiện công tác khảo sát, đánh giá hiện trạng di tích, sau đó cùng với địa phương, đơn vị được phân cấp quản lý di tích lên danh mục, lộ trình tham mưu cho UBND tỉnh. Trong đó quy định lộ trình các năm, các di tích cần thiết để tu bổ, tôn tạo nhằm gìn giữ di sản lâu dài hơn, gắn với phát triển du lịch văn hóa, quảng bá du lịch của Đồng Nai.
Ông Nguyễn Hồng Ân nhấn mạnh: “Việc khảo sát hiện trạng di tích là cần thiết nhằm đánh giá kỹ lưỡng hơn, khoa học hơn để xác định thực trạng xuống cấp của di tích. Sở VHTTDL sẽ cùng với các địa phương theo dõi, phối hợp để có thể điều chỉnh lộ trình tu bổ những di tích xuống cấp, cần tu bổ cấp thiết. Qua đó bảo tồn, phát huy giá trị công trình”.