(CTT-Đồng Nai) - Những tháng cuối năm, tình hình khó tuyển lao động ở nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Đồng Nai tiếp tục diễn ra. Các DN đưa ra nhiều chính sách ưu đãi để thu hút lao động.
Doanh nghiệp tham gia tuyển lao động tại Sàn giao dịch việc làm Đồng Nai
Doanh nghiệp tham gia tuyển lao động tại Sàn giao dịch việc làm Đồng Nai
Chật vật tuyển dụng
Công ty TNHH Hansol Electronics (huyện Trảng Bom) cũng trong tình trạng “đỏ mắt” tìm lao động. Bà Trần Thị Thanh Dung, nhân viên nhân sự công ty, cho hay đơn hàng công ty hiện ổn định và liên tục tuyển lao động ở nhiều vị trí. Song việc tuyển lao động cuối năm là thử thách lớn với DN, vì NLĐ rất khan hiếm. Mỗi ngày, công ty chỉ nhận được vài chục hồ sơ của NLĐ nộp phỏng vấn, tìm việc nhưng nhiều hồ sơ trong số này không đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng.
Nhiều DN đang đẩy mạnh sản xuất cuối năm, nhất là DN sản xuất may mặc, cơ khí, điện tử và thực phẩm. Những đơn hàng trong quý IV-2024 và đầu năm 2025 đã được các DN ký kết với đối tác, song do thiếu lao động, một số DN lo không đáp ứng kịp thời số lượng sản phẩm. Dù đưa ra nhiều chính sách để thu hút lao động nhưng các DN cho biết, thời điểm này, NLĐ ngại “nhảy việc” và chờ lương, thưởng Tết cuối năm nên không có ý định tìm việc mới. Trong khi đó, lao động mới đến Đồng Nai tìm việc rất hạn chế.
Lần đầu tiên tham gia sàn giao dịch việc làm, Công ty TNHH Asian Blending (Khu công nghiệp An Phước, huyện Long Thành) cần tuyển khoảng 300 lao động ở các vị trí: nhân viên vận hành, công nhân sản xuất, trưởng ca sản xuất, trưởng ca kho với mức thu nhập trung bình từ 11-14 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, hiện DN vẫn trong tình trạng thiếu lao động.
Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH Asian Blending Du Thị Thùy Tâm cho biết, DN sẵn sàng mở rộng cửa đón NLĐ ở các vị trí việc làm với nhiều ưu đãi tốt. Ngoài ra, lao động phổ thông tuyển mới sẽ được đào tạo nghề để bắt nhịp công việc. DN đưa ra chính sách về hỗ trợ đi lại, nhà ở, tiền chuyên cần và lương, thưởng tháng 13. Tuy nhiên, thời điểm này, việc tuyển lao động không dễ dàng dù DN đã tuyên truyền thông tin tuyển lao động bằng nhiều hình thức.
Sàn giao dịch việc làm diễn ra đầu tháng 11 mới đây đã thu hút 22 DN tham gia tuyển dụng với nhu cầu trên 2 ngàn lao động, trong đó lao động phổ thông chiếm 93%. Nhiều DN may mặc có nhu cầu tuyển từ 500 lao động trở lên. Tại sàn, có khoảng 750 lượt lao động tham gia tìm hiểu thông tin về việc làm và phỏng vấn. Dự kiến số người được tuyển dụng là 250, chủ yếu ở lĩnh vực dệt may, giày da, cơ khí điện tử…Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai, dù nhu cầu tuyển lao động phổ thông cao nhưng tại sàn đáp ứng được khá ít, chỉ khoảng 12%.
Đảm bảo chế độ để công nhân gắn bó
Đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai cho biết, những tháng cuối năm, dự kiến các DN có nhu cầu tuyển khoảng 18 ngàn lao động. Trung tâm đang tăng cường kết nối bằng nhiều hình thức để hỗ trợ DN đáp ứng nguồn nhân lực sản xuất cuối năm, nhất là hàng hóa Tết. Cùng với đó, tổ chức các sàn giao dịch việc làm, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về nhu cầu tuyển lao động của các đơn vị, DN để lao động thất nghiệp biết, tham gia phỏng vấn, sớm trở lại thị trường lao động.
Trong khi không ít DN đã có đơn hàng trở lại, mở rộng sản xuất, hoặc mới thành lập đang cần tuyển số lượng lớn lao động thì nhiều NLĐ vẫn thất nghiệp. Anh Trần Văn Chín (ngụ phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa) thất nghiệp hơn 6 tháng nay nhưng vẫn chưa tìm được việc làm mới. Những tháng qua, anh Chín đã tham gia các sàn giao dịch việc làm để tìm việc, nhưng ở độ tuổi ngoài 40, anh khó đáp ứng yêu cầu của DN.
Ngoài ra, từ đầu tháng 7-2024 đến nay, nhiều NLĐ ở các ngành gỗ, sản xuất gạch men bị mất việc do DN làm ăn thất bại, phải thu hẹp sản xuất, thậm chí đóng cửa. Họ tìm đủ cách trở lại thị trường lao động song vẫn không tìm được chỗ làm phù hợp. Nhiều người buộc phải lựa chọn về quê hoặc tìm việc làm tự do. Từ đó cho thấy, cung - cầu lao động chưa gặp nhau, thị trường lao động vận hành chưa thật sự hiệu quả.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai lưu ý NLĐ phải nâng cao tay nghề để giữ việc làm, thu nhập ổn định lâu dài. Ngoài ra, trước sự dịch chuyển lao động, các DN cần tăng các chính sách để giữ chân công nhân trước và sau Tết. Đặc biệt, ngoài cải thiện việc làm, thu nhập, cần quan tâm đến nơi ở, đi lại và nhu cầu, tâm tư của NLĐ. Có như vậy, các DN sẽ không thiếu hụt lao động khi đơn hàng khởi sắc và việc sản xuất đi vào ổn định.