Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Đồng Nai lập hồ sơ, xếp hạng nhiều di tích

(CTT-Đồng Nai) - Năm 2024, Bảo tàng Đồng Nai đã lập hồ sơ, xếp hạng cấp tỉnh các di tích: đền Thủy Lâm Động (huyện Định Quán); khảo cổ Tân Lại và khảo cổ Long Hưng (thành phố Biên Hòa). 

Di tích khảo cổ Tân Lại nằm trong khu vực đình Tân Lại, phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa được lập hồ sơ, xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2024
Di tích khảo cổ Tân Lại nằm trong khu vực đình Tân Lại, phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa được lập hồ sơ, xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 2024

Đền Thủy Lâm Động (xã Túc Trưng, huyện Định Quán) tồn tại gắn liền với quá trình hình thành, phát triển của cộng đồng cư dân ở Túc Trưng từ lúc lập làng cho đến nay. Ban đầu đền chỉ là ngôi miếu nhỏ gần đồn điền Túc Trưng để thờ mẫu Liễu Hạnh và những người có công với đất nước. Trải qua nhiều tu bổ, tôn tạo, mở rộng diện tích, hiện đền đã có diện mạo khang trang với nhiều hạng mục như: tiền đền, động sơn trang, nhà khách…

Trong đền Thủy Lâm Động có gian thờ Trần Triều với chủ đạo là Vương Ông - Trần Hưng Đạo. Bên cạnh đó, gian thờ Trần Triều còn thờ: Nhị vị Vương cô, Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng... Hàng năm, vào các ngày 26-2, 20-8 và 20-9 âm lịch, đền Thủy Lâm Động tổ chức các lễ cúng, lễ hội Kỳ yên thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách tham gia.

Tín ngưỡng thờ mẫu tại đền Thủy Lâm Động còn gắn liền nghi lễ lên đồng do Thanh đồng cùng Nhân dân tham gia, hình thức và quy mô tổ chức cơ bản giống miền Bắc nhưng có sự tiếp biến văn hóa khi du nhập vào Nam Bộ, giảm bớt phần nghi lễ, tăng phần giao lưu văn hóa. Trải qua các giai đoạn lịch sử, nghi lễ lên đồng thực hiện tại đền với hình thức diễn xướng thể hiện đức tin về sự giáng/nhập của các vị thần. Thông qua các yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, múa, diễn xướng dân gian, thể hiện quan niệm về lịch sử, di sản văn hóa.

Với 2 di tích: khảo cổ Tân Lại (phường Bửu Long) và khảo cổ Long Hưng (xã Long Hưng) được khai quật lần gần đây nhất là năm 2020. Sau khai quật địa điểm Long Hưng được các nhà khoa học bước đầu nhận định có hai thời kỳ lịch sử của vùng đất Long Hưng xưa gồm thời tiền sử (có niên đại 3000 năm cách ngày nay) và thời lịch sử (từ văn hóa Óc Eo đến văn hóa Đại Việt - thời Nguyễn cuối thế kỷ VII đến thế kỷ XX). Còn tại địa điểm Tân Lại, hiện vật thu được góp phần chứng minh các giai đoạn văn hóa của người cổ Tân Lại trong giai đoạn tiền sử và giai đoạn lịch sử (văn hóa Óc Eo và hậu Óc Eo).

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Ân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, cùng với việc quan tâm lập hồ sơ xếp hạng di tích, thời gian qua, các ngành, các cấp và ban quý tế các đình, chùa còn quan tâm tổ chức trùng tu theo phương thức xã hội hóa. Nhờ vậy, diện mạo di sản văn hóa của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai đã và đang được bảo tồn, phát huy. Từ đó thu hút người dân và du khách đến với di tích, phát triển du lịch.

“Toàn tỉnh hiện có 68 di tích đã được xếp hạng và hơn 1,5 ngàn di tích phổ thông. Các di tích được xếp hạng phong phú, đa dạng về loại hình: khảo cổ, lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh… trải đều trên địa bàn các huyện, các thành phố. Để phát huy giá trị các di tích, trong thời gian tới ngành văn hóa sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương đẩy mạnh giáo dục truyền thống, tìm hiểu về giá trị lịch sử, văn hóa tại di tích, gắn với phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh của đất và người Đồng Nai” - ông Ân nhấn mạnh.
Hòa Bình

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang