Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Xử lý các bất cập về hạ tầng giao thông trên các quốc lộ

(CTT-Đồng Nai) - Địa phận Đồng Nai hiện có 4 tuyến quốc lộ đi qua với tổng chiều dài hơn 233km. Các tuyến quốc lộ này có nhiều vị trí giao cắt với các tuyến đường nhánh, hình thành nên các điểm ùn ứ cục bộ vào các khung giờ cao điểm. Không chỉ vậy, trên các tuyến đường này đang tồn tại nhiều vị trí mặt đường hư hỏng, bất cập về hạ tầng giao thông.
Chuẩn bị kết thúc năm 2024, để đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) dịp cuối năm và đầu năm 2025, hiện 3 tuyến quốc lộ qua địa bàn Đồng Nai (quốc lộ 1, quốc lộ 51 và quốc lộ 20) đã và đang được sửa chữa, thi công xử lý “điểm đen” tai nạn giao thông (TNGT).
Sửa chữa mặt đường trên Quốc lộ 1 đoạn qua huyện Trảng Bom
Sửa chữa mặt đường trên Quốc lộ 1 đoạn qua huyện Trảng Bom

Sửa chữa các quốc lộ xuống cấp
Cuối tháng 9-2024, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành văn bản kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải khẩn trương nâng cấp, sửa chữa toàn diện hạ tầng giao thông tuyến quốc lộ 51. Trong đó nhấn mạnh, việc khắc phục, sửa chữa tuyến đường là hết sức cấp thiết. Nếu chậm thực hiện sẽ tiếp tục xảy ra tình trạng mất an toàn giao thông (ATGT) và tai nạn giao thông. Đó là chưa kể, việc chậm trễ sửa chữa quốc lộ 51 còn ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp do tắc nghẽn giao thông. Đến tháng 10, Khu Quản lý đường bộ IV đã tiến hành sửa chữa một số đoạn xuống cấp trên quốc lộ 51, đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Tuy nhiên, để đảm bảo ATGT trên toàn tuyến quốc lộ 51, Khu Quản lý đường bộ IV kiến nghị Cục Đường bộ Việt Nam báo cáo Bộ Giao thông - Vận tải cho phép bổ sung kinh phí cho sửa chữa đột xuất trên tuyến quốc lộ 51. Trước mắt tập trung sửa chữa các hư hỏng nền và mặt đường các vị trí xung yếu, các vị trí vạch sơn mòn mờ (ngoài khối lượng đã cho phép chuẩn bị đầu tư) với kinh phí ước tính hơn 51,56 tỷ đồng.

Ngoài quốc lộ 51, thì quốc lộ 1 cũng được sửa chữa, nâng cấp. Theo Công ty CP Đầu tư Đồng Thuận (chủ đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng tuyến quốc lộ 1, đoạn tránh thành phố Biên Hòa theo hợp đồng BOT), đơn vị đã thực hiện sửa chữa, nâng cấp 10,7km chiều dài trên quốc lộ 1 (đoạn qua huyện Trảng Bom). Dự án này gồm 10,7km trên quốc lộ 1 và toàn bộ tuyến đường Võ Nguyên Giáp.

Để góp phần đảm bảo ATGT trên các quốc lộ, ngày 30-10, Sở Giao thông - Vận tải chủ trì làm việc với Văn phòng Quản lý đường bộ IV.2 (Khu Quản lý đường bộ IV, Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải), Ban ATGT tỉnh, UBND các huyện, thành phố cùng các đơn vị liên quan để đôn đốc sửa chữa các tuyến đường tỉnh, quốc lộ qua địa phận Đồng Nai. Nhất là việc sửa chữa các vị trí hư hỏng mặt đường trên 4 quốc lộ qua Đồng Nai từ nay đến hết năm 2024 phải được thực hiện nhanh chóng, đảm bảo chất lượng.

Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Nguyễn Bôn đề nghị, trong quá trình thi công sửa chữa mặt đường, các đơn vị thi công cần phối hợp với lực lượng chức năng để đảm bảo ATGT. Đồng thời, chính quyền các địa phương cần vận động người dân chung tay xử lý các bất cập về hạ tầng giao thông bằng các việc làm thiết thực như: tuân thủ quy định khi tham gia giao thông, không xả rác xuống hệ thống cống thoát nước ven đường, không lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ…
 
 
Sửa chữa mặt đường trên Quốc lộ 1 đoạn qua huyện Trảng Bom

Cần sớm phân cấp về địa phương quản lý
Theo Ban ATGT tỉnh, dù có chiều dài nhỏ hơn so với hệ thống đường tỉnh (494km) và đường huyện (hơn 1,3 ngàn km) nhưng số vụ TNGT trên các tuyến quốc lộ qua Đồng Nai lại chiếm hơn 34% tổng số vụ TNGT đường bộ trong 9 tháng của năm 2024 (175/510 vụ). Điều này cho thấy, nguy cơ TNGT trên các tuyến quốc lộ luôn ở mức cao, đòi hỏi các bất cập về hạ tầng giao thông cần phải được điều chỉnh nhanh chóng, kịp thời.

Đại diện Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông và ATGT (Sở Giao thông vận tải) phân tích, việc tổ chức giao thông ở các quốc lộ qua địa bàn tỉnh hiện nay phải bàn bạc, thông qua các cơ quan Trung ương (như việc xử lý “điểm đen” TNGT, lắp đặt dải phân cách...) nên thường bị kéo dài, không kịp đáp ứng nhu cầu thực tế trên đường.

Hiện có hơn 13,9 ngàn km quốc lộ trên toàn quốc đang được ủy quyền cho sở giao thông vận tải các địa phương quản lý và bảo trì (chiếm 54,2% chiều dài các quốc lộ cả nước). Để chuẩn bị các bước phân cấp quản lý quốc lộ về cho địa phương, Cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc và các tỉnh, thành đánh giá đoạn tuyến quốc lộ nào sẽ giao cho các địa phương trong thời gian tới. Cục Đường bộ Việt Nam nhận định, việc phân cấp là cần thiết, vì tận dụng được bộ máy và tổ chức của cơ quan chuyên môn ở địa phương tham gia công tác quản lý, bảo trì quốc lộ; huy động được nguồn lực của địa phương để bảo đảm giao thông khi xảy ra sự cố, thiên tai, bão lụt; đáp ứng các yêu cầu về công tác bảo đảm trật tự ATGT của địa phương.

Tại cuộc họp rà soát dự thảo các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đường bộ năm 2024 và Luật Trật tự, ATGT đường bộ năm 2024 được tổ chức vào ngày 29-10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải tiếp tục rà soát, thực hiện phân cấp triệt để cho các địa phương quản lý, đầu tư, khai thác sử dụng, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ theo đúng quy định của Luật Đường bộ năm 2024. Việc phân cấp theo hướng quy định rõ các điều kiện, tiêu chí đối với từng loại công trình kết cấu hạ tầng do Trung ương quản lý và phân cấp cho địa phương quản lý.
Trúc Viên

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang