Doanh nghiệp mong muốn được tiếp tục tái cơ cấu
nợ
Dịch Covid-19 đã diễn
ra suốt 2 năm làm ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế và các doanh nghiệp (DN),
đã có nhiều chính sách gỡ khó, hỗ trợ được đưa ra, trong đó có chính sách tiền
tệ nhằm trợ giúp DN vực dậy sản xuất, kinh doanh Tuy nhiên, theo phản ánh của cả
phía người cho vay (tổ chức tín dụng-ngân hàng) và người vay (DN) thì cả 2 hiện
vẫn đang mắc kẹt với các thông tư số 01-2020 và 03-2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN)
Việt Nam.
Để hoạt động sản xuất không bị đứt gãy, rất cần các giải pháp tài chính hỗ trợ DN
Cả doanh nghiệp và ngân hàng gặp khó
Cụ thể, Theo Khoản 1
Điều 4 Thông tư 03: "Tổ chức tín dụng (TCTD) chỉ được cơ cấu số dư nợ của
khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài
chính". Quy định này tới thới điểm hiện đang làm phát sinh một số khó khăn
bởi từ sau ngày 10-6-2020 và đến đầu năm 2021 tình hình dịch bệnh tại nước ta
cơ bản được kiểm soát. Thực hiện chủ trương của Chính phủ và NHNN đảm bảo
"mục tiêu kép", vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, các TCTD đã
giải ngân hàng triệu tỷ đồng trong giai đoạn từ đó đến nay và phần nhiều trong
số giải ngân này đang đến kỳ hạn trả nợ.
Tuy nhiên, từ cuối
tháng 4 dịch bệnh bùng phát trở lại cùng mức độ nguy hiểm cao hơn nhiều so với
năm ngoái. Điều này khiến nhiều DN càng khó trong trả nợ, do đó, sẽ có nhiều
khoản nợ cần được cơ cấu nhưng lại không đáp ứng được điều kiện quy định tại
Thông tư 03 về thời gian phát sinh nợ là trước ngày 10-6-2020. Việc không được
thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ sẽ
không thể hỗ trợ DN gặp khó khăn tài chính do ảnh hưởng của dịch bệnh. Theo đó,
các khoản nợ giải ngân từ ngày 10-6-2020 về sau sẽ bị chuyển nợ xấu ảnh hưởng đến
hoạt động của TCTD lẫn hoạt động sản xuất của DN.
Mong muốn tiếp tục được tái cơ cấu nợ
Trong bối cảnh dịch bệnh
vẫn diễn biến phức tạp, dù DN dược giảm lãi vay một phần so với trước dịch
nhưng cũng không thể bù đắp được tổn thất to lớn khi phải tiết giảm sản xuất,
đơn hàng và doanh thu bị ảnh hưởng. Trong lúc đó, báo cáo tài chính của nhiều
ngân hàng vẫn có lợi nhuận lớn. Nhưng ngay cả khi muốn tái cơ cấu nợ theo mong
muốn của DN cũng khó vì phải thực hiện theo quy định. Do đó, cả DN lẫn tổ chức tín
dụng, ngân hàng đang rất cần giải pháp, chỉ đạo sát sườn hơn với thực tế.
Theo đại diện một DN
sản xuất trong khu công nghiệp Amata, các ngân hàng cũng đã tái cơ cấu nợ cho
DN theo quy định, tuy nhiên tác động của dịch bệnh là không lường trước được. Hiện
tại, nếu bị liệt vào khoản nợ xấu sẽ rất khó khăn, nhất là trong việc tái ổn định
sản xuất sau dịch vì khi đó các đối tác sẽ khó tin tưởng để tiếp tục hợp đồng.
Vì vậy, cộng đồng DN
kiến nghị cần cho phép các ngân hàng mở rộng thời gian cơ cấu lại thời hạn trả
nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo hướng phù hợp hơn với nguồn thu, dòng tiền của
khách hàng; trong thời gian phong tỏa, cách ly cho phép khách hàng có khoản nợ
đến hạn tạm hoãn việc trả nợ; khoanh nợ đối với dư nợ được cơ cấu…Điều này cũng
sẽ tránh phải sửa đổi Thông tư 01, Thông tư 03 nhiều lần (trong trường hợp dịch
bệnh vẫn diễn biến phức tạp chưa biết điểm dừng như hiện nay.
Vi Quân