Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Nhiều trẻ chưa đến tuổi tiêm vaccine bị bệnh sởi nặng

(CTT-Đồng Nai) - Theo quy định của Bộ Y tế, khi trẻ được 9 tháng tuổi sẽ bắt đầu tiêm mũi vaccine sởi đầu tiên. Sau đó khi trẻ ở tháng thứ 15 sẽ tiêm mũi vaccine sởi - rubella. Mỗi trẻ cần được tiêm đủ 2 liều vaccine sởi để đảm bảo có miễn dịch cơ thể, phòng ngừa bệnh sởi.
Những nốt ban điển hình của một bệnh nhi mắc bệnh sởi
Những nốt ban điển hình của một bệnh nhi mắc bệnh sởi

Tuy nhiên, theo thống kê của Sở Y tế, trong số hơn 3,3 ngàn bệnh nhân mắc sởi trong toàn tỉnh kể từ đầu năm 2024 đến nay, có hơn 450 bệnh nhân dưới 9 tháng tuổi. Trong đó có nhiều bệnh nhân bị biến chứng viêm phổi nặng, phải thở oxy, cypap.

Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đang điều trị cho 224 bệnh nhi, trong đó có hơn 20 bệnh nhi phải thở oxy, cypap.

Bé T.K, 8 tháng tuổi, ngụ xã Sông Mây, huyện Trảng Bom có triệu chứng sốt cao 3 ngày, mẹ bé tưởng bé sốt mọc răng nên chỉ cho uống thuốc hạ sốt. Đến ngày thứ 4 bé mệt mỏi, bỏ bú, bú sữa vào thì bị sặc, miệng nổi các đốm trắng nên gia đình đưa vào Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai để thăm khám. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi mắc sởi, biến chứng viêm phổi nặng, phải nhập viện ngay để thở oxy.

Còn bé N.H.L., ngụ xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch mới 4,5 tháng tuổi cũng đã bị sởi. Đến nay bé đã nằm viện được 11 ngày, chuẩn bị được xuất viện.

Mẹ bé L. cho hay, bé bị sốt cao, nổi ban đỏ, đi khám bác sĩ tư nói bé bị sởi nên gia đình đưa vào bệnh viện ngay. Vào viện 3 ngày thì bệnh của bé trở nặng, phải thở oxy. Đến nay, bé đã có thể tự thở, các nốt ban cũng lặn hết, sức khỏe ổn định.

Mẹ bé L. nói do bé chưa đến tuổi chích vaccine sởi (9 tháng) nên gia đình chưa đưa đi tiêm vaccine. Gia đình cũng không biết rõ nguồn lây từ đâu.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Quyền, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho hay, so với đợt dịch năm 2019, năm nay số ca bệnh sởi biến chứng nặng nhiều hơn rất nhiều. Có những trường hợp phải chuyển đến khoa Hồi sức tích cực chống độc để thở máy kéo dài. Do đó, những gia đình có con nhỏ cần quan tâm, theo dõi sát tình hình sức khỏe của trẻ để đưa đến bệnh viện thăm khám, điều trị kịp thời.

Lý giải nguyên nhân trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc sởi, bác sĩ Quyền cho biết, trước hết là do trẻ tiếp xúc với nguồn lây bệnh. Chẳng hạn, trong quá trình vui chơi tại nhà hoặc được cha mẹ, người thân đưa đi chơi ở bên ngoài, bé vô tình tiếp xúc với người đang bị bệnh sởi. Virus sởi lây lan qua đường hô hấp, qua các giọt bắn nên khi trẻ tiếp xúc phải sẽ bị bệnh sởi.

Ngoài ra, có thể trẻ đi nhà trẻ, tiếp xúc với bạn bè bị bệnh sởi; đi bệnh viện bị lây nhiễm chéo trong bệnh viện…

Để đảm bảo hệ miễn dịch cho trẻ, phụ huynh cần lưu ý không cho trẻ tiếp xúc với người đang bị bệnh sởi hoặc là nguồn lây gián tiếp cho trẻ. Chú ý cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu để đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất tốt nhất cho trẻ. Đảm bảo phòng bệnh cho trẻ trong thời tiết giao mùa, thời tiết lạnh đột ngột… Nếu thấy trẻ có dấu hiệu của bệnh, cần đưa trẻ đến bệnh viện khám, điều trị ngay, tránh sử dụng các biện pháp dân gian hoặc trì hoãn việc đưa trẻ đi tiêm vaccine.

Bên cạnh đó, phụ huynh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về thời gian tiêm vaccine sởi cho trẻ sau khi trẻ được điều trị khỏi bệnh.
Việt Anh

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang