(CTT-Đồng Nai) - Những ngày gần đây, số ca bệnh sởi trên địa bàn tỉnh tăng rất cao dẫn đến quá tải bệnh viện. Trong đó nhiều ca bệnh rất nặng, phải thở máy, thở oxy.Bệnh nhân sởi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai
Bệnh nhân sởi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai
Bệnh diễn tiến nhanh, dễ lây lan
Suốt 2 tuần nay, vợ chồng chị T.K.T., quê tỉnh Bạc Liêu, tạm trú phường Long Bình, thành phố Biên Hòa phải nghỉ làm phụ hồ để cùng chăm sóc con gái nhỏ T.T.Q., 16 tháng tuổi bị bệnh sởi.
Chị T. cho biết, cách đây 1 tuần, bé bị sốt cao, ho, sổ mũi, chị T. đưa con đi khám ở bác sĩ tư, lấy thuốc về uống nhưng không đỡ, sốt cao không hạ. Khi thấy sức khỏe con ngày càng yếu, vợ chồng chị T. đưa con vào Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai để cấp cứu, được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh sởi, ban nổi khắp người. Trong 6 ngày qua, bé Q. được cho thở oxy nhưng đến nay sức khỏe vẫn còn yếu, bé ăn uống ít.
Trường hợp bé H.K (8 tháng tuổi) con chị N.T.V., ngụ xã Phương Lâm, huyện Tân Phú, trước khi vào Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, bé K. bị sốt cao liên tục 4 ngày, uống thuốc viêm họng, viêm phế quản nhưng không khỏi. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt cao, nổi ban đỏ khắp người, mệt mỏi, không ăn uống được gì. Tình trạng khó thở của em bé ngày càng rõ, bé thở lõm ngực, được cho thở oxy nhưng không đáp ứng nên được cho thở Cypap. Trường hợp bé K chỉ ở nhà với mẹ và bà ngoại, xung quanh nhà chưa có ai bị bệnh sởi nên gia đình không biết bé bị lây bệnh từ đâu…
Nhiều trẻ chưa được tiêm vaccine sởi
Theo thống kê của khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, thời điểm cao điểm nhất trong sáng 18-11, toàn khoa có 203 bệnh nhi mắc bệnh sởi, gấp đôi số giường bệnh hiện có. Đến 17 giờ cùng ngày, có 49 bệnh nhi được xuất viện còn 154 ca.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thanh Quyền, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới nhấn mạnh, hầu hết bệnh nhi mắc sởi đều chưa được tiêm vaccine sởi hoặc chưa tiêm đủ 2 liều vaccine sởi. Sức đề kháng của trẻ nhỏ còn yếu nên khi có 1 ca bệnh, trẻ rất dễ bị nhiễm. Bệnh sởi lây lan rất nhanh trong không khí nên nguy cơ bùng phát dịch và lan rộng trong cộng đồng là rất cao.
Qua khảo sát, các trường hợp chưa tiêm vaccine sởi là do hoàn cảnh gia đình khó khăn, bận công việc, thiếu sự quan tâm, hoặc gửi con cho ông bà trông giữ nên chưa được tiêm ngừa đúng và đủ; hoặc trường hợp mẹ mang thai, do thiếu hiểu biết nên không chích bất kỳ mũi vaccine nào kể cả vaccine sởi nên trẻ sinh ra không có kháng thể.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Trần Ngọc Quang, tỉnh đã kết thúc Chiến dịch tiêm vaccine sởi nhưng vẫn còn vaccine sởi để tiêm miễn phí cho trẻ từ 1-10 tuổi. Vì vậy, những gia đình có con trong độ tuổi chưa tiêm vaccine sởi hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine cần đưa trẻ đến trạm y tế nơi cư trú để được tiêm chủng ngay. Các trạm y tế sẽ tổ chức tiêm miễn phí vaccine sởi cho trẻ vào các ngày triển khai tiêm chủng mở rộng.
Nhiều ca bệnh nặng đang điều trị tại phòng cấp cứu
Nhiều ca bệnh nặng đang điều trị tại phòng cấp cứu
Mở rộng đối tượng được tiêm chủng
Bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính có tốc độ lây lan nhanh, dễ bùng phát thành dịch. Trẻ em là đối tượng hay mắc vì sức đề kháng yếu, nếu không được điều trị kịp thời, những biến chứng của bệnh sởi có thể ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe của bé.
Tại Đồng Nai nhiều trẻ dưới 9 tháng tuổi đã mắc bệnh sởi, thậm chí bị bệnh nặng. Những trẻ này đều chưa được tiêm mũi vaccine sởi nào do chưa đến tuổi hoặc mẹ không có đề kháng trong quá trình mang thai.
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh sởi, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ tham mưu Sở Y tế đề xuất với Bộ Y tế triển khai tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 6 đến 9 tháng tuổi trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu nhằm tăng cường miễn dịch cộng đồng, hạn chế số ca mắc bệnh sởi.