(CTT-Đồng Nai) - Theo dự báo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, thời điểm tháng 9, dự báo số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) sẽ ở mức đỉnh của dịch, điều này rất đáng lo ngại bởi đây là giai đoạn trẻ tựu trường. Vì vậy công tác phòng, chống dịch SXH trong thời gian tới cần phải được đẩy mạnh. Cùng với đó là việc tăng cường phòng chống bệnh tay chân miệng, bệnh sởi và các bệnh truyền nhiễm (BTN) khác.
Giáo viên một trường mầm non trên địa bàn thành phố Biên Hòa vệ sinh đồ dùng, đồ chơi để phòng các bệnh truyền nhiễm trước thềm năm học mới.
Giáo viên một trường mầm non trên địa bàn thành phố Biên Hòa vệ sinh đồ dùng, đồ chơi để phòng các bệnh truyền nhiễm trước thềm năm học mới.
Từ ngày 21-8, nhiều trường học trong tỉnh đã cho học sinh tựu trường. Tính đến ngày 28-8, toàn bộ các trường thuộc các cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông đã chính thức tựu trường. Trường học tập trung đông trẻ từ nhiều khu phố, ấp… Nếu xung quanh khuôn viên trường mà mật độ muỗi truyền bệnh SXH cao thì khả năng lây nhiễm bệnh SXH giữa các học sinh cao.
Vì vậy, theo bác sĩ chuyên khoa 1 Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, trường học cần thực hiện vệ sinh môi trường, dẹp các dụng cụ chứa nước, tạo môi trường thông thoáng để côn trùng trung gian truyền bệnh không có điều kiện phát triển.
Ngoài bệnh SXH thì khi bước vào năm học, bệnh tay chân miệng cũng có nguy cơ sẽ tăng vì bệnh này dễ lây, đặc biệt là trong nhóm trẻ dưới 5 tuổi. Do đó, trường học, nhất là các trường mầm non, các nhà/nhóm trẻ cần thực hiện vệ sinh, khử trùng thường xuyên, liên tục, đều đặn bằng các hoạt chất khử khuẩn thông thường.
Bên cạnh đó, các trường học, các đơn vị tập trung đông người lao động cần chủ động việc kiểm soát nguồn lây bệnh. Việc theo dõi nhằm đưa ra biện pháp cách ly nguồn bệnh phù hợp.
Đối với các BTN có vaccine ngừa (sởi, viêm não Nhật Bản, ho gà, uốn ván…) thì người dân cần rà soát tiền sử tiêm chủng để xem còn thiếu loại vaccine nào mà trẻ cần tiêm. Nếu chưa biết cặn kẽ thông tin thì cần đến trạm y tế nơi mình đang sinh sống để được tư vấn đầy đủ.
“Muốn có phác đồ tiêm chủng chuẩn mực, đầy đủ, tốt nhất cha mẹ nên có cuốn sổ tiêm chủng của trẻ để theo dõi hoạt động tiêm chủng cho trẻ. Ngoài các vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng, người dân nên tiêm bổ sung các loại vaccine khác theo hướng dẫn. Củng cố hệ thống miễn dịch là xuyên suốt cả đời người chứ không phải trong ngày một ngày hai”, bác sĩ Phúc khuyến cáo.
Về tầm soát, rà soát và cách ly, phòng ngừa đối với các trường hợp BTN thì hoạt động khám bệnh, điều trị, cách ly, cách ly tại nhà là cần thiết, chuẩn mực nhằm khống chế lây nhiễm chéo giữa các đối tượng có tiếp xúc.
Các trường hợp có dấu hiệu sốt, nghi ngờ mắc BTN cần đến cơ sở y tế khám để được chẩn đoán, điều trị đúng phác đồ, điều trị sớm nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của bệnh đối với từng cá nhân cũng như giảm nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.
Thời gian qua, tỉnh đã ghi nhận 26 ổ dịch có xét nghiệm dương tính với virus dại trên động vật. Trong giai đoạn từ đầu năm đến nay, tất cả các trường hợp có ghi nhận động vật xét nghiệm dương tính với virus dại thì công tác điều tra dịch bệnh được thực hiện song song giữa ngành y tế và thú y. Qua điều tra 26 ổ dịch, ghi nhận khoảng 25% trường hợp bị động vật dại cắn, cào nhưng chưa tiêm vaccine và huyết thanh kháng dại. Cho thấy nguy cơ tiềm ẩn tử vong do bệnh dại trên người trên địa bàn toàn tỉnh trong thời gian tới là hiện hữu. Đặc biệt, đa số trẻ em rất yêu thích và hay chơi đùa với chó, mèo nên nguy cơ bị chó, mèo cắn, cào gây bệnh càng cao.
Nếu việc quản lý tiêm ngừa đối với vật nuôi, đặc biệt là chó, mà không cao; các can thiệp khi có trường hợp bị động vật cắn, cào không đúng chỉ định thì cũng có nguy cơ dẫn đến tử vong trên người do bệnh dại.
Người dân khi bị chó, mèo cắn, cào thì cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, tiêm ngừa và theo dõi con vật trong thời gian tiêm ngừa.
Trẻ được tiêm vaccine phòng bệnh tại Trạm y tế phường Trảng Dài (thành phố Biên Hòa).
Trẻ được tiêm vaccine phòng bệnh tại Trạm y tế phường Trảng Dài (thành phố Biên Hòa).