Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Lên “kịch bản” kết nối giao thông giữa Sân bay Tân Sơn Nhất và Sân bay Long Thành

(CTT-Đồng Nai) - Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Tân Sơn Nhất và Sân bay Long Thành là 2 sân bay lớn nhất cả nước. Do đó, việc kết nối giao thông giữa 2 sân bay này là rất cần thiết, tạo thành một cặp sân bay để hỗ trợ khai thác lẫn nhau, đồng thời đáp ứng cho nhu cầu vận chuyển hàng không, không chỉ tại Thành phố Hồ Chí Minh mà cả một phần phía Nam của Việt Nam.
Thi công xây dựng 2 tuyến giao thông kết nối Sân bay Long Thành
Thi công xây dựng 2 tuyến giao thông kết nối Sân bay Long Thành

Cần thiết kết nối 2 sân bay
Sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay đạt cấp sân bay 4E (theo phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO), có diện tích hơn 545 hécta với 2 nhà ga hành khách. Hiện nay, Bộ Giao thông - Vận tải đang đầu tư xây dựng nhà ga T3, dự kiến quý III-2024 đưa vào khai thác. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, Sân bay Tân Sơn Nhất đạt cấp 4E, công suất thiết kế dự kiến đạt 50 triệu hành khách/năm.

Trong khi đó, theo quy hoạch, Sân bay Long Thành là sân bay cấp 4F, có chức năng trung chuyển trong khu vực Đông Nam Á, có khả năng cạnh tranh với các cảng hàng không lớn trên thế giới với công suất 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.

Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, Sân bay Tân Sơn Nhất và Sân bay Long Thành là hai cảng hàng không tạo thành một cụm cảng hiện đại, tương lai trở thành một trong những trung tâm hàng không lớn của khu vực, thúc đẩy sức cạnh tranh của ngành hàng không Việt Nam trên con đường hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện thành công đột phá chiến lược về hạ tầng giao thông.

Với vị thế là những sân bay lớn nhất cả nước, việc kết nối giao thông giữa 2 sân bay này sẽ góp phần hỗ trợ, thúc đẩy lẫn nhau. Tuy nhiên, theo đánh giá của Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải, hiện nay, việc kết nối giữa 2 sân bay chỉ bằng các tuyến đường bộ và các tuyến giao thông này còn hạn chế, nhiều đoạn tuyến đã mãn tải. Đặc biệt tình trạng ùn, tắc đã xảy ra thường xuyên trên các tuyến quốc lộ 51, đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. “Với quy mô, tầm quan trọng và nhu cầu giao thông của 2 sân bay, việc nghiên cứu phương án tổng thể kết nối giao thông giữa Sân bay Tân Sơn Nhất và Sân bay Long Thành đóng vai trò quan trọng và là một phần của nhiệm vụ nghiên cứu đầu tư xây dựng hệ thống giao thông kết nối khu vực Sân bay Long Thành với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”- báo cáo của Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải đánh giá.

Trước đó, trong Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo tại phiên họp lần thứ 11 của Ban chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, Thủ tướng cũng đã giao Bộ Giao thông vận tải báo cáo kết quả nghiên cứu tổng thể kết nối giao thông giữa Sân bay Tân Sơn Nhất và Sân bay Long Thành.

Đề xuất 5 phương án kết nối
Trong báo cáo tổng thể kết nối giao thông giữa Sân bay Tân Sơn Nhất và Sân bay Long Thành, Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải đã trình bày 5 phương án kết nối tổng thể đang được nghiên cứu. Trong đó có 2 phương án kết nối bằng đường bộ và 3 phương án kết nối bằng đường sắt.

Cụ thể, đối với đường bộ, phương án 1 được nghiên cứu là kết nối đường bộ đi trên mặt đất và đi ngầm đoạn từ nút giao Cộng Hòa đến hết đường Phạm Văn Đồng. Từ đường Phạm Văn Đồng có 3 hướng kết nối về Sân bay Long Thành thông qua đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, cầu Cát Lái để kết nối với 2 tuyến giao thông (T1, T2) vào Sân bay Long Thành. Với 3 hướng này, chiều dài tuyến từ 48-62km.

Với phương án 2, kết nối đường bộ giữa Sân bay Tân Sơn Nhất và Sân bay Long Thành đi theo các tuyến đường đô thị. Phương án này cũng có 3 hướng kết nối với chiều dài tuyến từ 43-53km.

Với đường sắt, 3 phương án được nghiên cứu gồm có: phường án 1, kết nối bằng đường sắt qua tuyến đường sắt đô thị số 6 và tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành với hướng tuyến từ nút giao Cộng Hòa - nhà ga T3 - nhà ga T1, T2 - Hồng Hà - Phạm Văn Đồng - đường sắt quốc gia – đường vành đai 2 - Võ Chí Công kết nối với tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành đến Sân bay Long Thành (chiều dài khoảng 45km).

Phương án 2, kết nối bằng đường sắt theo tuyến đường sắt đô thị số 2 từ Trường Chinh - Cách Mạng Tháng Tám - Phạm Hồng Thái - Lê Lai - Bến Thành - Thủ Thiêm kết nối với tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành đến Sân bay Long Thành (chiều dài khoảng 43km).

Trong khi đó, phương án 3 sẽ kết nối bằng đường sắt theo hướng tuyến đường sắt đô thị số 4 từ nhà ga T1, T2 Sân bay Tân Sơn Nhất - Trường Sơn - Hoàng Văn Thụ - Phan Đình Phùng - Hai Bà Trưng - Bến Thành kết nối vào tuyến đường sắt đô thị số 2 đến Thủ Thiêm kết nối với tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành đến Sân bay Long Thành (chiều dài khoảng 42km).
Vĩnh Quang

Atlas tỉnh Đồng Nai

Cổng TTĐT Chính phủ

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang