Để xây dựng thành công thành phố sân bay Long Thành thì Đồng Nai cần có tầm nhìn quy hoạch tổng thể dài hạn, ít là từ 20 - 30 năm. Trên cơ sở tầm nhìn quy hoạch tổng thể đó, xây dựng những kế hoạch phát triển cụ thể cho từng giai đoạn.
Một góc hạ tầng khu tái định cư sân bay Long Thành
Đầu năm 2021, dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành giai đoạn 1 chính thức được khởi công xây dựng. Theo dự kiến, tháng 9 - 2025, sân bay Long Thành giai đoạn 1 sẽ khánh thành và đưa vào khai thác.
Lợi thế của Đồng Nai
Trong giai đoạn 1 của dự án, sân bay Long Thành được quy hoạch xây dựng với công suất khai thác 25 triệu lượt hành khác và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Khi xây dựng hoàn thành toàn bộ, sân bay Long Thành sẽ đạt công suất 100 triệu lượt hành khác và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Thời điểm đó, sân bay Long Thành cũng sẽ trở thành sân bay lớn nhất của cả nước.
Bí thư Huyện ủy Long Thành Dương Minh Dũng cho biết, để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của sân bay Long Thành, hiện nay, tỉnh Đồng Nai cũng như H.Long Thành đang thực hiện triển khai xây dựng mô hình thành phố sân bay. Việc xây dựng thành phố sân bay Long Thành sẽ tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của H.Long Thành, tỉnh Đồng Nai nói riêng và của cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, Đồng Nai có vị thế rất lớn để phát triển kinh tế, xã hội khi nằm rất gần với trung tâm TP.HCM, đô thị lớn nhất cả nước. Đồng Nai cũng chỉ cách cụm cảng Cái Mép - Thị Vải của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với khoảng cách chỉ 40km. Sắp tới, Đồng Nai sẽ có thêm sân bay Long Thành là sân bay lớn nhất cả nước. “Đồng Nai có đầy đủ 5 phương thức về giao thông là đường bộ, đường hàng không, đường sắt, đường thủy nội địa và phát triển giao thương hàng hải quốc tế”- Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức chia sẻ.
Cũng theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, đối với dự án sân bay Long Thành, đây là công trình trọng điểm quốc gia, có vai trò cực kỳ quan trọng, không những kết nối Việt Nam và thế giới, mà còn kết nối các tỉnh, thành Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung, Đồng Nai nói riêng với các trung tâm kinh tế quan trọng cả nước. Chính vì vậy, Đồng Nai cũng đã xác định vị trí chiến lược của sân bay Long Thành cũng như tầm quan trọng của việc phát triển thành phố sân bay Long Thành là cần thiết, nhằm đưa tỉnh trở thành một trung tâm phát triển kinh tế năng động trong tương lai.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh Ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cũng nhấn mạnh, sân bay Long Thành là lợi thế so sánh của Đồng Nai. Bởi, một địa phương vừa có sân bay, vừa có cảng biển là một lợi thế hết sức to lớn. “Đồng Nai đang nắm giữ một tiềm năng to lớn của quốc gia, một lợi thế so sánh quan trọng. Do đó, đô thị Long Thành phải phát triển xứng tầm”- Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh khẳng định.
Trong chuyến kiểm tra thực tế và làm việc với các cơ quan chức năng và UBND tỉnh trong tháng 4-2022, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cũng đã nhấn mạnh việc, tỉnh Đồng Nai cần quan tâm quy hoạch phát triển thành phố sân bay để tạo ra vùng động lực phát triển không chỉ cho địa phương mà cho cả toàn Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Phối cảnh ga hành khách sân bay Long Thành
Thành phố sân bay là cốt lõi của vùng đô thị sân bay
Đánh về tiềm năng phát triển thành phố sân bay Long Thành, Giáo sư Ha Hun Koo, nguyên Trưởng khoa logistics, Trường Logistics châu Á Thái Bình Dương, Đại học Inha, thành viên Ủy ban cố vấn về đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, Bộ Đất đai và giao thông Hàn Quốc cho rằng, sân bay Long Thành có rất nhiều tiềm năng để phát triển mô hình thành phố sân bay. Sân bay Long Thành được xây dựng tại tỉnh Đồng Nai là một trong những địa phương có nền sản xuất công nghiệp phát triển nhất của Việt Nam với rất nhiều KCN.
Về vị trí, từ sân bay Long Thành đến TP.HCM, đô thị lớn của Việt Nam chỉ mất khoảng 40 phút. Đây là một điểm vô cùng thuận lợi của sân bay Long Thành. Do đó, nếu có quy hoạch xây dựng tốt cho khu vực phụ cận sân bay Long Thành sẽ mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn. “Một lợi thế khác của sân bay Long Thành chính là việc nằm gần với hệ thống cảng biển nước sâu lớn của cả nước là Cái Mép - Thị Vải. Bên cạnh đó, hệ thống cảng biển của Đồng Nai cũng khá tốt nên sẽ cộng hưởng được sự phát triển về kinh tế”- giáo sư Ha Hun Koo chia sẻ thêm.
Cũng theo giáo sư Ha Hun Koo, không chỉ có thể phát triển mô hình thành phố sân bay, sân bay Long Thành có thể trở thành “hạt nhân” để phát triển mô hình vùng đô thị sân bay như mô hình mà Hàn Quốc đang thực hiện với sân bay Incheon. “Vùng đô thi sân bay mà Hàn Quốc đang xây dựng có thành phố sân bay Incheon là cốt lõi. Các đô thị khác trong vùng đô thị sân bay có thành phố Cheongna là trung tâm tài chính, thành phố giải trí; Song Do là thành phố tri thức tiên tiến và Young Jong là thành phố kinh doanh tốt nhất thế giới”- giáo sư Ha Hun Koo chia sẻ.
Từ thực tế đó, giáo sư Ha Hun Koo cho rằng, nếu phát triển mô hình thành phố sân bay và vùng đô thị sân bay đối với sân bay Long Thành thì H.Long Thành chính là thành phố sân bay “cốt lõi” của vùng đô thị sân bay Long Thành với phạm vi toàn tỉnh Đồng Nai.
Với cách tiếp cận này, giáo sư Ha Hun Koo cho rằng, để xây dựng thành công các mô hình nói trên cần phải có một quy hoạch tổng thể cho H.Long Thành nói riêng và toàn tỉnh Đồng Nai nói chung. Mục tiêu là khi sân bay Long Thành được hoàn tất xây dựng, đưa vào khai thác thì đồng thời, tỉnh Đồng Nai cũng phải có được các cơ sở vật chất đi kèm như hệ thống khách sạn; trung tâm hội nghị; các khu triển lãm giải trí; các khu công nghệ thông tin truyền thông; khu bán buôn, bán lẻ; các KCN; trung tâm hàng hóa đa phương tiện…
Đề xuất về định hướng quy hoạch tổng thể, giáo sư Ha Hun Koo cho rằng, quy hoạch cần có tầm nhìn lâu dài, ít nhất là tư 20 - 30 năm. Trong quy hoạch tổng thể mang tính lâu dài đó, cần đặt ra những kế hoạch cụ thể ngắn hạn hơn. “Đầu tiên phải quy hoạch sân bay Long Thành trở thành một cửa ngõ hiệu quả rồi sau đó mới quy hoạch một trung tâm logistics, tiếp đến là trung tâm công nghiệp và cuối cùng thì trở thành một trung tâm thương mại xung quanh sân bay. Phải đặt ra lộ trình quy hoạch 5 năm, 10 năm, 20 năm và 30 năm. Cuối cùng mới trở thành vùng đô thị sân bay”- giáo sư Ha Hun Koo chia sẻ.
Trong tầm nhìn quy hoạch, giáo sư Ha Hun Koo cũng cho rằng, việc quy hoạch phải căn cứ vào các mặt hàng xuất khẩu chủ lực mà Đồng Nai lựa chọn. Tỉnh đặt mục tiêu để phát triển những sản phẩm nào thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực thì dựa trên mục tiêu đó để có quy hoạch cụ thể hơn. Tầm nhìn quy hoạch cũng phải đưa ra các mục tiêu cụ thể trong việc phát triển sân bay, các cảng biển lên đẳng cấp thế giới để thu hút các trung tâm phân phối, các công ty đa quốc gia đến và đặt trụ sở trong thành phố sân bay hay vùng đô thị sân bay. Từ đó, thu hút được nguồn lực phát triển.
Vi Quân