(CTT- Đồng Nai) – Thông tin từ HĐND tỉnh, nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp, tại dự thảo Đề án về Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp tỉnh Đồng Nai đến năm 2031, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề ra 5 nhiệm vụ, giải pháp.
HĐND tỉnh giám sát chuyên đề về kết quả thực hiện lĩnh vực đột phá về phát triển thương mại, dịch vụ tổng hợp hiện đại, trọng tâm là dịch vụ du lịch, dịch vụ logistics trên địa bàn huyện Trảng Bom
HĐND tỉnh giám sát chuyên đề về kết quả thực hiện lĩnh vực đột phá về phát triển thương mại, dịch vụ tổng hợp hiện đại, trọng tâm là dịch vụ du lịch, dịch vụ logistics trên địa bàn huyện Trảng Bom
Đảm bảo số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách
Đó là: tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với tổ chức bộ máy và hoạt động của HĐND các cấp; đổi mới phương thức, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa Thường trực HĐND với Thường trực UBND, Ủy ban MTTQ và các cơ quan liên quan.
Cùng với đó, là tăng cường hoạt động của Thường trực HĐND, các Ban HĐND, các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND; nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp trong công tác tham mưu, phục vụ của bộ máy giúp việc HĐND các cấp.
Trong đó, về tổ chức bộ máy của HĐND các cấp, dự thảo Đề án nêu rõ, các cấp ủy đảng là phải thường xuyên rà soát, kịp thời bổ sung, kiện toàn đảm bảo số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách ở các cấp theo quy định của pháp luật. Rà soát, củng cố, kiện toàn chức danh Bí thư hoặc Phó Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND đảm bảo đúng quy định, đúng phương án nhân sự đại hội được cấp thẩm quyền phê duyệt. Cơ cấu, giới thiệu bầu cấp ủy viên cùng cấp đối với Trưởng các Ban HĐND cấp tỉnh, cấp huyện để nâng cao vị thế, vai trò của HĐND trong hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của HĐND - cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.Trong công tác điều động, bố trí cán bộ cần lưu ý, cân nhắc đảm bảo có cơ cấu đại biểu HĐND đại diện cho ngành, lĩnh vực (trừ những trường hợp đặc biệt cán bộ thuộc ngành dọc quản lý).
Đề án cũng nêu rõ, Đảng đoàn HĐND (đối với cấp tỉnh), Thường trực HĐND cấp huyện chủ động phối hợp với ban tổ chức cấp ủy cùng cấp tham mưu ban thường vụ cấp ủy đảng về công tác quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, đề cử, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển đội ngũ cán bộ là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách và đội ngũ cán bộ tham mưu, giúp việc trực tiếp cho HĐND.
Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát
Đề án cũng xác định giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND. Trong đó, phải lựa chọn đúng, trúng trọng tâm, trọng điểm những nội dung cần tổ chức giám sát, chất vấn, giải trình, đặc biệt là những vấn đề bức xúc được nhiều cử tri, đại biểu quan tâm; tăng cường tranh luận trong hoạt động chất vấn tại kỳ họp. Linh hoạt và đa dạng hóa hình thức giám sát, đảm bảo quy trình giám sát theo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Mở rộng thành phần, mời chuyên gia (nếu xét thấy cần thiết) tham gia các cuộc giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, các Tổ đại biểu HĐND để tăng hiệu quả giám sát…
Tiếp tục nâng cao chất lượng và tổ chức hiệu quả hoạt động chất vấn, ban hành nghị quyết về chất vấn tại kỳ họp HĐND, tăng cường hoạt động chất vấn, giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND các cấp. Nâng cao chất lượng giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, trong đó đặc biệt quan tâm những vấn đề nổi cộm, bức xúc, nhiều cử tri kiến nghị, kiến nghị nhiều lần, đơn thư còn tồn đọng kéo dài nhưng chậm được giải quyết hoặc đã giải quyết nhưng có dấu hiệu chưa đảm bảo quy định pháp luật.
Dự thảo Đề án cũng đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể như: HĐND cấp tỉnh, hàng năm tổ chức ít nhất 1 nội dung giám sát chuyên đề; đối với cấp huyện tùy theo tình hình thực tế tại địa phương tổ chức ít nhất 1 nội dung giám sát chuyên đề. Thường trực HĐND tỉnh hàng năm tổ chức ít nhất 2 nội dung; Thường trực HĐND cấp huyện, cấp xã hàng năm tổ chức ít nhất 1 nội dung giám sát chuyên đề. Định kỳ hàng quý, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức ít nhất 1 phiên giải trình; Thường trực HĐND cấp huyện, cấp xã tùy theo tình hình thực tế tại địa phương hàng năm tổ chức ít nhất 2 phiên giải trình.
Các Ban HĐND cấp tỉnh, cấp huyện hàng năm tổ chức ít nhất 2 nội dung giám sát chuyên đề; Ban HĐND cấp xã hàng năm tổ chức ít nhất 1 nội dung giám sát chuyên đề. Các Tổ đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện hàng năm tổ chức ít nhất 1 nội dung giám sát chuyên đề.