(CTT-Đồng Nai) - Dù không trực tiếp vay mượn nợ hoặc chỉ là người bảo lãnh cho người vay nhưng một số người vẫn bị đòi nợ khi người khác vay không trả.
Chủ tịch Hội Luật gia huyện Trảng Bom Đặng Quang Hoạch (giữa) tư vấn pháp luật về dân sự cho người dân
Chủ tịch Hội Luật gia huyện Trảng Bom Đặng Quang Hoạch (giữa) tư vấn pháp luật về dân sự cho người dân
Không vay vẫn bị bắt trả nợ
Vì cần tiền đầu tư kinh doanh nên ông C.V.K. (ngụ xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) nhờ người bạn thân H.Q.Y. (ngụ cùng địa phương) đứng ra bảo lãnh trong các giấy tờ vay 1 tỷ đồng. Nay đến thời hạn trả nhưng ông K. vẫn chây ì việc trả nợ. Chủ nợ đã tìm ông Y. đòi tiền, bởi vì ông là người đứng ra bảo lãnh các khoản vay cho ông K.
Ông Y. bày tỏ, tại sao ông K. có nhà đất giá trị, chủ nợ không yêu cầu ông K. bán đi để trả mà yêu cầu ông trả thay, trong khi ông chỉ là người đứng ra bảo lãnh vay chứ không phải người đi vay.
Hay như câu chuyện của anh H.V.N. (học viên một trường nghề trên địa bàn thành phố Biên Hòa) vì nợ tiền của nhiều người nên liên tục thay đổi chỗ ở, chặn điện thoại, khiến chủ nợ tìm đến tận nhà cha mẹ của anh để đòi nợ.
Còn trường hợp của chị N.T.L. (ngụ phường An Hòa, thành phố Biên Hòa) thì cũng tương tự, Để gồng gánh các khoản lỗ, chị vay mượn tiền của nhiều người, đến cuối năm 2024 vẫn chưa trả hết.
“Nay tôi không còn khả năng xoay xở để trả nợ nên đề nghị chồng bán đất trả nợ thì bị chồng từ chối giúp đỡ, nói rằng tự làm tự chịu. Muốn trả nợ thì về cầu cứu cha mẹ ruột, chứ chồng tôi không chịu trách nhiệm với việc tôi tự ý đầu tư kiểu như vậy?” - chị L. bộc bạch.
Bảo lãnh phải có nghĩa vụ trả nợ thay
Luật sư Lê Đình Hưng (Đoàn Luật sư tỉnh), cần phải làm rõ việc vợ, chồng, con vay mượn có được vợ/chồng hoặc cha mẹ đồng ý, hoặc dùng tiền vay sử dụng vào mục đích chăm lo cho gia đình hay tiêu xài cá nhân. Đồng thời, phải làm rõ phạm vi bảo lãnh nghĩa vụ trả nợ ra sao mới có cơ sở pháp lý để yêu cầu những người có liên quan trả nợ.
Trường hợp của chị L., chồng của chị sẽ không có nghĩa vụ cùng chị trả nợ, vì khi chị vay tiền với mục đích cá nhân, không phải vì mục đích chăm lo cho gia đình và khi vay không được chồng đồng ý. Do đó, chị phải có nghĩa vụ trả nợ bằng tài sản riêng của mình. Nếu chị không có tài sản riêng thì vẫn có quyền thỏa thuận với chồng hoặc yêu cầu tòa án phân chia tài sản chung thành tài sản riêng, rồi lấy phần tài sản riêng đó trả nợ.
Còn với trường hợp của ông Y., do ông đứng ra bảo lãnh các khoản vay của ông K. và không nói rõ phạm vi bảo lãnh ra sao nên sẽ xảy ra 2 tình huống: nếu các bên không có thỏa thuận về phạm vi bảo lãnh thì khi ông K. không trả hoặc có tài sản nhưng không muốn trả nợ, ông Y. phải chịu trách nhiệm trả thay. Sau đó, ông Y. có thể yêu cầu ông K. thực hiện nghĩa vụ trả lại tiền mà ông đã trả thay cho ông K. Hoặc các bên đã thỏa thuận cụ thể phạm vi bảo lãnh là chỉ một phần, hoặc toàn bộ nghĩa vụ, hay được miễn thực hiện nghĩa vụ thì thực hiện theo đúng nội dung cam kết.
Riêng với trường hợp của anh N., cha mẹ anh không có nghĩa vụ trả nợ thay cho con khi anh đủ năng lực chịu trách nhiệm về khoản vay (đủ 18 tuổi, không bị hạn chế về năng lực hành vi dân sự), không có tài sản riêng, sống phụ thuộc. Do đó, chủ nợ không có quyền yêu cầu cha mẹ của anh trả nợ thay cho con.
Luật sư Lê Đình Hưng nhấn mạnh, vay mượn nợ của người khác dù có lãi hay không có lãi thì người vay phải có trách nhiệm, nghĩa vụ trả khi khoản vay mượn đến hạn thanh toán. Điều này không chỉ hợp tình, thuận lý, mà còn phù hợp với các quy định của pháp luật về giao dịch trong dân sự.