(CTT-Đồng Nai) - Từ ngày 15-12-2024, nhiều chính sách mới về phòng, chống HIV/AIDS sẽ có hiệu lực.
Truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS của nhân viên công tác xã hội.
Truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS của nhân viên công tác xã hội.
Nhiều chính sách hỗ trợ người bị nhiễm
Luật gia Đỗ Văn Gọn, Phó Trưởng ban Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và xây dựng pháp luật (Hội Luật gia tỉnh), cho biết, ngoài hỗ trợ phòng, chống lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, nuôi dưỡng trẻ em dưới 6 tháng tuổi sinh ra từ người mẹ nhiễm HIV bằng sữa thay thế và bệnh nhân AIDS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Điều trị, chăm sóc và hỗ trợ người nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp….Nhà nước còn có chính sách chăm sóc y tế, sức khỏe, vật chất, dùng công cụ pháp lý chế tài, nghiêm cấm các hành vi: cố ý lây truyền hoặc truyền HIV cho người khác. Kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV. Đưa tin bịa đặt về nhiễm HIV đối với người không nhiễm HIV…
Ngoài ra, Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) còn có các chính sách khác như: ưu tiên tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS (khoản 2, Điều 11); can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV (Điều 21); tư vấn trước và sau khi xét nghiệm HIV (Điều 26); xét nghiệm sàng lọc HIV, xét nghiệm khẳng định HIV dương tính (Điều 28); điều trị dự phòng trước và sau phơi nhiễm với HIV (Điều 36)...
Quan tâm công tác phòng, chống lây nhiễm HIV
Mặc dù Nghị định số 63/2021/NĐ-CP ngày 30-6-2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (gọi tắt Nghị định 63) vẫn đang có hiệu lực, ngày 28-10-2024, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị định số 141/2024/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (gọi tắt là Nghị định 141, có hiệu lực từ ngày 15-12-2024). Nghị định 141 đã có những quy định rất mới về các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV mà Nghị định 63 chưa có quy định.
Một trong những điểm mới của Nghị định 141 là thực hiện các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV. Cụ thể, tại khoản 1, Điều 3 Nghị định 141 có quy định, thực hiện các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV, bao gồm: cung cấp, hướng dẫn sử dụng bao cao su; cung cấp, hướng dẫn sử dụng bơm kim tiêm sạch; dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng; điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.
Bên cạnh đó, tại khoản 1, Điều 14 Nghị định 141 có quy định, người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao được thực hiện các hoạt động: cung cấp dịch vụ tư vấn về phòng, chống HIV/AIDS; cung cấp dịch vụ xét nghiệm sàng lọc HIV; cung cấp sinh phẩm tự xét nghiệm HIV thuộc danh mục hàng hóa thông thường theo quy định của pháp luật về quản lý thiết bị y tế.
Luật sư Lê Đình Hưng (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, Nghị định 141 có quy định cụ thể, chi tiết tiêu chuẩn, thẩm quyền và thủ tục cấp thẻ nhân viên tiếp cận cộng đồng. Việc này tạo thuận lợi cho các tình nguyện viên tham gia vào công tác dự phòng lây nhiễm HIV. Theo đó, tiêu chuẩn của nhân viên tiếp cận cộng đồng là người từ đủ 18 tuổi trở lên; tự nguyện tham gia các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV; đã được tập huấn kiến thức về các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV.