(CTT-Đồng Nai) - Cấp dưỡng nuôi con là nghĩa vụ của vợ hoặc chồng sau khi ly hôn và con không sống chung với mình. Nghĩa vụ này sẽ chấm dứt trong trường hợp? Đây là vấn đề pháp lý không ít cặp vợ chồng sau ly hôn quan tâm.
Luật gia Phạm Đình Đức (Hội Luật gia thành phố Biên Hòa) tư vấn pháp luật hôn nhân và gia đình cho người dân.
Luật gia Phạm Đình Đức (Hội Luật gia thành phố Biên Hòa) tư vấn pháp luật hôn nhân và gia đình cho người dân.
Khi nào dừng yêu cầu cấp dưỡng ?
Ông P.V.V. (ngụ phường Tân Biên, thành phố Biên Hòa) trình bày, ông và vợ ly hôn vào năm 2010, có chung một con gái (nay đã 17 tuổi, hiện ở cùng ông). Theo quyết định của tòa án, vợ ông có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con cho đến khi đủ 18 tuổi thì ngưng cấp dưỡng. Khi ly hôn, ông không tính tới việc cho con gái học đại học. Hơn nữa, hiện nay sức khỏe của ông không tốt, việc làm gặp khó khăn nên ông không đủ khả năng lo cho con học đại học.
Ông P.V.V. bày tỏ, vì thương con gái nên ông bấm bụng đi gặp vợ cũ đặt vấn đề cùng ông lo cho con học đại học cho tới khi ra trường. Tuy nhiên, vợ cũ ông không đồng ý, cho rằng lo cho con đủ 18 tuổi là hết trách nhiệm.
“Nếu vợ cũ của tôi không có trách nhiệm phụ tôi lo cho con học đại học thì tôi có quyền yêu cầu pháp luật can thiệp không?” - ông P.V.V. thắc mắc.
Còn bà N.T.H. (ngụ xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) thì trình bày, con trai bà đủ 18 tuổi nhưng thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động thì bà có quyền yêu cầu chồng cũ cấp dưỡng nuôi con suốt đời hay không?
Nghĩa vụ cấp dưỡng
Tại khoản 1, Điều 81 và khoản 2, Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, sau khi ly hôn, cha (mẹ) không trực tiếp nuôi con phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Bộ luật Dân sự năm 2015 và các luật khác có liên quan.
Đồng thời tại khoản 1, Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng có quy định, sau khi ly hôn, cha (mẹ) không trực tiếp nuôi con phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Do đó, bà N.T.H. được quyền yêu cầu chồng cũ cấp dưỡng nuôi con trai khi cháu đủ và trên 18 tuổi. Tuy vậy, pháp luật chỉ xem xét giải quyết việc chồng cũ của bà cấp dưỡng những nhu cầu thiết yếu như: ăn, mặc, sinh hoạt, bệnh tật… hàng ngày của con.
Trên cơ sở đó luật gia Phạm Đình Đức (Hội Luật gia thành phố Biên Hòa) giải thích, trường hợp của bà N.T.H. (ngụ xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom) được quyền yêu cầu chồng cũ cấp dưỡng nuôi con trai khi cháu đủ và trên 18 tuổi.
Riêng với trường hợp ông P.V.V., cũng theo luật gia Phạm Đình Đức, vợ cũ của ông từ chối đề nghị chia sẻ việc cùng ông lo cho con gái trong quá trình học đại học là đúng với Điều 118 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, vì con ông đã thành niên và có khả năng lao động. Tuy nhiên, xét về tình mẫu tử và khát khao vào giảng đường, khả năng học tập của con ông thì việc vợ ông từ chối chia sẻ trách nhiệm quả thật có điều đáng tiếc, chứ không có gì phải lên án. Bởi vì, khi cháu đủ 18 tuổi thì có thể chọn giải pháp vừa làm, vừa học dưới sự hỗ trợ của ông và các chính sách hỗ trợ học tập của ngân hàng chính sách xã hội, hội khuyến học của địa phương…
"Trường hợp vợ hoặc chồng sau khi ly hôn không thỏa thuận được mức cấp dưỡng thì tòa án quyết định mức cấp dưỡng căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng. Mức cấp dưỡng do tòa án quyết định nhưng không thấp hơn một nửa tháng lương tối thiểu vùng tại nơi người có nghĩa vụ cấp dưỡng đang cư trú” - luật sư Lưu Hồng Khanh (Đoàn Luật sư tỉnh) bày tỏ.