(CTT-Đồng Nai) - Di sản của người chết để lại do những người được thừa kế quản lý hoặc thỏa thuận cử người thay họ quản lý. Lợi dụng quyền được giao quản lý di sản, người quản lý di sản đã tự ý đem di sản cầm cố, thế chấp có được không ?
Đây là vấn đề mà nhiều dân muốn biết, cần được các chuyên gia pháp lý giải thích để họ có cách xử sự đúng đắn quyền và nghĩa vụ của người được giao quản lý di sản.
Các luật gia (Hội Luật gia tỉnh) tư vấn về thừa kế cho người dân (ngoài cùng bên tay trái) tại buổi tuyên truyền, tư vấn pháp luật ở xã Phú Lợi (huyện Định Quán). Ảnh: Nhân Thái.
Các luật gia (Hội Luật gia tỉnh) tư vấn về thừa kế cho người dân (ngoài cùng bên tay trái) tại buổi tuyên truyền, tư vấn pháp luật ở xã Phú Lợi (huyện Định Quán). Ảnh: Nhân Thái.
Không được tự ý bán, cầm cố di sản được giao quản lý
Khoản 1, Điều 616 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, người quản lý di sản là người được chỉ định trong di chúc hoặc do những người thừa kế thỏa thuận cử ra. Đồng thời tại khoản 1, Điều 618 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định rõ quyền của người quản lý di sản như sau: đại diện cho những người thừa kế trong quan hệ với người thứ 3 liên quan đến di sản thừa kế; được hưởng thù lao theo thỏa thuận với những người thừa kế; được thanh toán chi phí bảo quản di sản...
“Vậy việc người được giao quản lý di sản đã tự ý đem di sản mình đang quản lý ra giao dịch như: cầm cố, thế chấp, chuyển nhượng… mà không được sự đồng ý của những người thừa kế có được không. Để bảo vệ quyền lợi của mình, những người được hưởng di sản thừa kế phải làm sao để ngăn chặn việc người quản lý di sản đem di sản ra sao dịch trái pháp luật?” - ông Nguyễn Thành Bảy (ngụ xã Bàu Hàm, huyện Trảng Bom) hỏi.
Một trường hợp khác, bà L.T.T. (ngụ xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu) đang sinh sống, canh tác, quản lý 1 hécta đất trồng cây lâu năm do mẹ của bà đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt “sổ đỏ”). Mẹ của bà có 2 người con gồm bà và ông L.V.B. Năm 2023, mẹ của bà mất mà không để lại di chúc nên theo luật thì bà và ông B. là những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Do là người thừa kế, đang quản lý và trực tiếp sản xuất trên đất này nên khi có người đề nghị thuê đất dài hạn với giá cao, bà đã giao kết ngay hợp đồng cho thuê mà không có ý kiến của người em.
“Nay em trai tôi biết chuyện, yêu cầu tôi chia di sản thừa kế. Trước tình huống này, tôi phải xử lý ra sao cho đúng pháp luật, không mất tình chị em?” - bà L.T.T. thắc mắc.
Vấn đề người dân thắc mắc nêu trên được luật sư Lưu Hồng Khanh (Đoàn Luật sư tỉnh) hướng dẫn như sau, việc người quản lý di sản đem di sản được giao quản lý ra giao dịch mà không có sự đồng ý bằng văn bản của những người thừa kế là vi phạm Điều 617 Bộ luật Dân sự năm 2015. Bởi vì, tại khoản 1, Điều 617 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định, người quản lý di sản không được bán, trao đổi, tặng cho, cầm cố, thế chấp hoặc định đoạt tài sản bằng hình thức khác, nếu không được những người thừa kế đồng ý bằng văn bản. Người quản lý di sản có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại nếu vi phạm nghĩa vụ của mình mà gây thiệt hại.
Trường hợp đặc biệt đối với di sản không có người thừa kế
Tại khoản 1, Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết theo hướng di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 Bộ luật Dân sự năm 2015. Nghĩa là người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu.
Luật gia Nguyễn Thanh Tấn (Hội Luật gia tỉnh) cho biết thêm, đây là trường hợp ngoại lệ, không bị Điều 617 và Điều 618 Bộ luật Dân sự năm 2015 ràng buộc nghĩa vụ và quyền của người quản lý di sản. Chính vì vậy, người quản lý di sản nếu thuộc trường hợp quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì được quyền định đoạt di sản đó như: chuyển nhượng, bán, cầm cố, thế chấp… sau 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu.
“Sau thời điểm này, người quản lý di sản được pháp luật công nhận là chủ sở hữu của tài sản là di sản đang quản lý, chiếm giữ và có đầy đủ quyền của chủ sở hữu đối với tài sản là di sản đó. Khi đó, người đang quản lý có đầy đủ quyền chiếm hữu của chủ sở hữu theo Điều 186 Bộ luật Dân sự năm 2015. Tức là được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình để nắm giữ, chi phối tài sản của mình đang chiếm giữ” - luật gia Nguyễn Thanh Tấn cho hay.