(CTT-Đồng Nai) - Khi vay mượn tiền, bên cho vay thường yêu cầu bên vay thế chấp tài sản nhằm đảm bảo thực hiện nghĩa vụ cho khoản vay. Một khi bên vay không thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ theo đúng hợp đồng thì bên cho vay có quyền yêu cầu tòa án xử lý tài sản bảo đảm.
Các luật gia Hội Luật gia tỉnh tư vấn pháp luật cho người dân (ngoài cùng tay phải) tại buổi tuyên truyền pháp luật ở huyện Long Thành
Các luật gia Hội Luật gia tỉnh tư vấn pháp luật cho người dân (ngoài cùng tay phải) tại buổi tuyên truyền pháp luật ở huyện Long Thành
Đảm bảo khoản vay bằng “sổ đỏ”
Bà L.T.M. (huyện Định Quán) thắc mắc, vợ chồng bà dùng sổ đỏ để bảo đảm cho khoản vay 150 triệu đồng của bà P.T.Y. (ngụ cùng địa phương). Tuy nhiên, do làm ăn thua lỗ nên tới thời hạn trả nợ và lãi vay, vợ chồng bà M. vẫn chưa trả nợ được thì liệu có bị bà Y. “siết” nhà và đất đã được cấp sổ đỏ?
Còn ông V.V.N. (huyện Thống Nhất) trình bày, vợ chồng ông đã vay của bà N.P.T. (ngụ cùng địa phương) 200 triệu đồng và thế chấp 1,1 hécta đất (đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gọi tắt là sổ đỏ). Trong quá trình vay mượn, dù vợ chồng ông trả lãi đúng hạn nhưng bà T. vẫn đem sổ đỏ của vợ chồng ông cầm cố cho người khác để vay số tiền gấp nhiều lần so với số tiền vợ chồng ông đã vay của bà.
“Việc bà T. đem sổ đỏ của vợ chồng tôi đi cầm cố như vậy có đúng không và vợ chồng tôi phải làm gì để lấy sổ đỏ về” - ông N. thắc mắc.
Trao đổi về các vấn đề trên, luật sư Lưu Hồng Khanh (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, việc vay mượn có thế chấp tài sản bảo đảm cho khoản vay là giao dịch dân sự. Giao dịch này hợp pháp khi đáp ứng các điều kiện theo Điều 117 (điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự), Điều 118 (mục đích của giao dịch dân sự), Điều 119 (hình thức của giao dịch dân sự) của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì sẽ phát sinh hiệu lực.
Do giao dịch giữa các bên giao kết đúng pháp luật về chủ thể, mục đích, nội dung, hình thức, đối tượng… nên giao dịch sẽ phát sinh hiệu lực. Nghĩa là bên vay phải có nghĩa vụ trả gốc, lãi theo đúng cam kết và giao sổ đỏ cho bên cho vay nắm giữ. Ngược lại, bên cho vay phải có nghĩa vụ giao đủ tiền và trả lại sổ đỏ cho bên vay khi thanh lý hợp đồng.
Làm sao để bảo vệ quyền lợi
Cũng theo luật sư Lưu Hồng Khanh, hợp đồng vay mượn giữa ông V.V.N. với bà N.P.T. dù chưa đến hạn thanh lý, chấm dứt hợp đồng, nhưng bà T. vi phạm nghĩa vụ của bên cho vay; nghĩa là vi phạm quy định tại Điều 123 và khoản 1, Điều 295 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Cũng theo luật sư Lưu Hồng Khanh, sổ đỏ không phải là tài sản mà là chứng thư pháp lý xác định quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của ông N., nhưng bà T. lại tự ý đem đi cầm cố, thế chấp cho người khác để vay tiền là trái pháp luật. Do đó, pháp luật buộc bà T. phải có nghĩa vụ trả lại sổ đỏ cho ông N. theo đúng cam kết trong hợp đồng; nếu bà T. không thực hiện thì có quyền khởi kiện vụ việc ra tòa án.
Còn trường hợp của bà L.T.M. với bà P.T.Y. thì căn cứ theo Điều 299 (các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm), Điều 301 (giao tài sản bảo đảm để xử lý) và Điều 302 (quyền nhận lại tài sản bảo đảm) của Bộ luật Dân sự năm 2015 để giải quyết.
Nghĩa là, do bà M. không thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi vay cho bà Y. khi đến hạn thanh lý hợp đồng, hai bên không có thỏa thuận gì khác và tài sản là nhà đất hiện do bà Y. nắm giữ, sử dụng nên bà Y. có quyền yêu cầu tòa án giải quyết bằng việc khởi kiện bà M.
“Để tránh phiền phức, bà M. nên thương lượng với bà Y. cho kéo dài thời gian trả nợ hoặc tự bán tài sản để trả, hoặc giao tài sản cho bà Y.” - luật sư Lưu Hồng Khanh hướng dẫn.