(CTT-Đồng Nai) - Luật Phòng, chống BLGĐ (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-7-2023. Luật tiếp cận dựa trên quyền con người và lấy người bị BLGĐ làm trung tâm, sửa đổi, bổ sung các hành vi BLGĐ.
Tại Đồng Nai, Luật Phòng, chống BLGĐ (sửa đổi) đến các huyện, thành phố, các mô hình phòng, chống BLGĐ. Qua đó, can thiệp kịp thời các vụ bạo lực, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm quyền con người, nhất là phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật.
Luật sư Nguyễn Như Tuấn (Đoàn Luật sư tỉnh) nói chuyện chuyên đề gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình năm 2024 tại thành phố Biên Hòa
Luật sư Nguyễn Như Tuấn (Đoàn Luật sư tỉnh) nói chuyện chuyên đề gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình năm 2024 tại thành phố Biên Hòa
Phát huy vai trò các mô hình
Địa chỉ tin cậy cộng đồng khu phố 4, thị trấn Trảng Bom (huyện Trảng Bom) được thành lập từ năm 2009. Chỉ với 6 thành viên nhưng địa chỉ hoạt động rất tích cực, trở thành điểm đến cho các nạn nhân bị BLGĐ.
Trưởng ban An ninh trật tự khu phố 4, thị trấn Trảng Bom Trần Văn Tài cho biết, địa chỉ tin cậy cộng đồng ở khu phố hoạt động trên tinh thần tự nguyện. Thành viên trong nhóm chủ yếu là những người lớn tuổi, có uy tín, được bà con tin tưởng trao đổi, chia sẻ những khúc mắc trong gia đình. Từ sự chia sẻ đó, các thành viên nắm bắt tình hình, kịp thời can thiệp, hòa giải thành công mâu thuẫn trong gia đình.
“Từ khi mô hình Địa chỉ tin cậy cộng đồng ra đời, các vụ BLGĐ đã giảm đi rõ rệt. Hầu như vụ nào cũng được giải quyết kịp thời, thỏa đáng, góp phần làm cầu nối giúp các cặp vợ chồng hàn gắn tình cảm” - ông Tài cho hay.
Với vai trò Tổ trưởng Tổ Hòa giải ấp 7, xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu), ông Nguyễn Văn Phát đã cùng với các hội đoàn thể hòa giải thành công rất nhiều vụ BLGĐ.
Theo ông Phát, để hòa giải thành công những mâu thuẫn trong gia đình cho người dân, mỗi ngày, ông đều chạy xe máy đến từng tổ để kiểm tra, đến từng nhà để nắm tình hình. Gia đình nào xảy ra mâu thuẫn nhỏ, ông nhẹ nhàng nói chuyện, hòa giải ngay, động viên bà con tích cực xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc, tiến bộ.
Ông Phát cho biết: “Nhờ làm tốt công tác hòa giải mà hơn 300 hộ dân với trên 1,1 ngàn nhân khẩu ở ấp 7, xã Thạnh Phú thực hiện tốt công tác phòng, chống BLGĐ. 100% gia đình trong ấp đạt danh hiệu Gia đình văn hóa”.
Hiện hầu hết các gia đình và thành viên tham gia các câu lạc bộ (CLB) gia đình, nhóm phòng, chống BLGĐ… trên địa bàn tỉnh đều tự nguyện đóng góp kinh phí sinh hoạt. Tại một số xã, phường, thị trấn, người dân dùng nguồn đóng góp hàng tháng cho hội viên vay vốn làm ăn, tiền lãi phục vụ hoạt động sinh hoạt của CLB. Tuy số tiền đóng góp không nhiều nhưng đã phần nào hỗ trợ cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu Văn Hải (thị trấn Long Thành, huyện Long Thành) Lê Thị Thu Trang chia sẻ: “Bên cạnh phổ biến kiến thức pháp luật, tư vấn phòng ngừa các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình, các thành viên CLB Gia đình hạnh phúc, phòng chống BLGĐ của địa phương còn nuôi heo đất, góp vốn hàng tháng… hỗ trợ nhau phát triển kinh tế. Nhờ vậy, nhiều hộ gia đình có thêm vốn làm ăn, lo cho gia đình nên ai nấy đều đồng lòng, giữ gìn hạnh phúc gia đình”.
Mô hình câu lạc bộ Nam giới nói không với bạo lực gia đình thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom tìm hiểu Luật phòng, chống bạo lực tại tủ sách địa phương
Mô hình câu lạc bộ Nam giới nói không với bạo lực gia đình thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom tìm hiểu Luật phòng, chống bạo lực tại tủ sách địa phương
Góp phần thay đổi nhận thức…
Trong bối cảnh công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay, truyền thông đại chúng có vai trò quan trọng trong phòng, chống BLGĐ. Thay đổi được nhận thức thì mới thay đổi được hành vi, do vậy việc đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức xã hội về phòng, chống BLGĐ đã và đang góp phần phòng ngừa hiệu quả tình trạng bạo lực trên địa bàn tỉnh.
Không chỉ tuyên truyền cổ động trực quan trên các tuyến đường, trong 9 tháng của năm 2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TTDL) đã trang bị 30 tủ sách cho 30 CLB gia đình; nhóm phòng, chống bạo lực tại các địa phương: Biên Hòa, Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Trảng Bom, Cẩm Mỹ và Định Quán. Ngoài ra, sở đã phát hành tài liệu tuyên truyền cho các nhóm phòng, chống BLGĐ, CLB gia đình phát triển bền vững và CLB nam giới nói không với bạo lực gia đình.
Bên cạnh đó, Sở VHTTDL đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác gia đình với sự tham gia của hơn 2 ngàn học viên là cán bộ phụ trách văn hóa, gia đình, thành viên các CLB phòng, chống BLGĐ đến từ 11 huyện, thành phố trong tỉnh.
Tại buổi tập huấn ở thành phố Biên Hòa vào giữa tháng 9 vừa qua, luật sư Nguyễn Như Tuấn (Đoàn Luật sư tỉnh) cho rằng, đẩy lùi bạo lực gia đình, điều quan trọng nhất là ngay từ khi có mầm mống, nạn nhân bị bạo lực phải nhìn thẳng vào vấn đề và dũng cảm lên tiếng. Các nạn nhân bị BLGĐ cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Luật sư Nguyễn Như Tuấn chia sẻ: “Mỗi cá nhân cần trang bị kiến thức pháp luật, bổ sung thêm các kỹ năng tự bảo vệ, nhận biết hành vi BLGĐ để có biện pháp giải quyết kịp thời. Cơ quan chức năng, chính quyền địa phương thực thi nghiêm túc quy định pháp luật, xử lý nghiêm những người gây ra bạo lực; đồng thời, có trách nhiệm bảo vệ người tham gia phòng, chống BLGĐ và người báo tin, tố giác về BLGĐ”.
Phó Giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Thị Mộng Bình cho biết, để thực hiện hiệu quả công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ, thời gian tới, sở sẽ kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, chú trọng tuyên truyền để người dân hiểu rõ và thực hiện đầy đủ, chính xác quy định của pháp luật; phát huy hiệu quả hoạt động và nhân rộng các mô hình; tranh thủ các nguồn lực của Nhà nước, nguồn lực xã hội hóa phục vụ công tác gia đình và phòng, chống bạo lực.
Ngoài ra, biểu dương những tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác gia đình, nhất là những người làm công tác phòng, chống BLGĐ ở cộng đồng.