Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Tình hình kinh tế - xã hội tháng 02 năm 2024

(CTT-Đồng Nai) “Cục Thống kê Đồng Nai thông báo tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai tháng 02 năm 2024 như sau:

Tháng 02 trùng vào dịp nghỉ tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 nên thời gian sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bị gián đoạn từ 7-10 ngày do các doanh nghiệp cho công nhân nghỉ tết. Sau tết hầu hết các doanh nghiệp đã sản xuất kinh doanh đã trở lại bình thường. Thời điểm ngày 16 tháng 2 năm 2024 (tức ngày mùng 7 âm lịch) trên địa bàn tỉnh đã có trên 90% doanh nghiệp trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh và có khoảng 90% công nhân trở lại làm việc, chủ yếu doanh nghiệp có số lượng công nhân đông. Dự báo nhu cầu lao động của các doanh nghiệp không bị thiếu hụt do công nhân về nghỉ tết đã quay trở lại làm việc đầy đủ; mặt khác theo thông tin từ Sở lao động thương binh xã hội tỉnh sau tết một số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng thêm lao động do mở rộng sản xuất. Tuy nhiên những tháng đầu năm 2024, tình hình sản xuất kinh doanh nói chung đang còn khó khăn như những tháng cuối năm 2023 vừa qua, và đến nay tình hình chưa có sự cải thiện rõ nét, vì vậy ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Kết quả thực hiện kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tháng 02 và 02 tháng đầu năm 2024 của các ngành, lĩnh vực như sau:
I. KINH TẾ
1. Sản xuất công nghiệp
¬ Dự ước chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 02/2024 giảm 18,06% so tháng trước, trong đó ngành khai khoáng giảm 27,42%; Công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 20,65%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 10,16%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước giảm 2,09%, tháng 02 có 25/27 ngành sản xuất giảm so tháng trước, trong đó một số ngành có chỉ số sản xuất giảm mạnh đó là: sản xuất chế biến thực phẩm giảm 18,63%; dệt giảm 18,67%; sản xuất trang phục giảm 22,27%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 19,07%; Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 24,94%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu giảm 19,77%; sản xuất xe có động cơ giảm 20,8%. So tháng 02/2023 chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 12%. Nguyên nhân chỉ số sản xuất tháng 02 năm 2024 giảm so tháng 01/2024 và so với tháng 02/2023 là do tháng 2/2024 là tháng trùng vào Tết nguyên đán Giáp Thìn, hầu hết doanh nghiệp nghỉ hoạt động từ 7-10 ngày do đó chỉ số sản xuất tháng 02/2024 đạt thấp.
Lũy kế 02 tháng đầu năm 2024 chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,94% so với cùng kỳ, trong đó ngành khai khoáng tăng 6,34%; Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,38%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước giảm 27,71%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước tăng 8,78% và có 25/27 ngành sản xuất tăng và 2/27 ngành giảm so cùng kỳ đó là ngành sản xuất chế biến gỗ, tre nứa (ngành 16) giảm 1,4%, ngành sản xuất phân phối điện nước (ngành 35) giảm 17,7%. Nguyên nhân chỉ số sản xuất 2 tháng đầu năm 2024 tăng thấp so cùng kỳ năm 2023 là do các doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn về đơn hàng. Mặc dù nhiều doanh nghiệp đã ký được các đơn hàng sản xuất mới, tuy nhiên số lượng đơn hàng vẫn chưa nhiều. Do tình hình chính trị trên thế giới diễn biến phức tạp, chiến tranh Dải Gaza chiến tranh giữa Nga và Ucraina; tình hình phức tạp trên Biển đỏ, tình hình lạm phát trên thế giới v.v… từ đó ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn làm chỉ số sản xuất của nhóm ngành công nghiệp chủ lực trên địa bàn tăng không cao so cùng kỳ.
Từ chỉ số sản xuất trên có thể thấy, tình hình sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh vẫn gặp khó khăn đáng kể, nhất là các ngành sản xuất chủ lực như: Công nghiệp chế biến thực phẩm, dệt, may mặc, sản xuất giầy da, hóa chất, v.v...
- Chỉ số sản phẩm công nghiệp: Dự ước tháng 02 năm 2024 một số sản phẩm giảm so với tháng cùng kỳ năm trước như: Đá xây dựng các loại 1.300,9 nghìn m3, giảm 21,52%; cà phê các loại 30,5 nghìn tấn, giảm 20,16%; bột ngọt 20,1 nghìn tấn, giảm 14,1%; thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản đạt 226,2 nghìn tấn, giảm 16,99%; quần áo các loại 17,6 triệu cái, giảm 20,72%; giầy dép các loại đạt 29,8 triệu đôi, giảm 20,11%; Giường, tủ, bàn ghế 762,6 nghìn chiếc, giảm 24,91% … Nguyên nhân sản lượng giảm sâu là do tháng 02 trùng vào dịp tết Nguyên đán Doanh nghiệp ngừng sản xuất 7-10 ngày.
Lũy kế 02 tháng đầu năm 2024 có 19/24 sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng so cùng kỳ đó là: Bột ngọt 85,9 nghìn tấn, tăng 10,41%; Thuốc lá sợi đạt 2.526 tấn, tăng 9,21%; Quần áo các loại đạt 39,7 triệu cái; tăng 4,75%; Thuốc trừ sâu đạt 2.008,9 tấn, tăng 5,8%; Sơn các loại đạt 20,6 ngàn tấn, tăng 13,19%; Săm, lốp các loại đạt 14,3 ngàn cái, tăng 16,26%; Sản phẩm kim loại đạt 71,4 ngàn tấn, tăng 11,39%; Máy giặt đạt 66,4 ngàn cái, tăng 18,57%; Giường, tủ, bàn ghế đạt 1.778,2 ngàn cái, tăng 14,72%...Tuy nhiên có một số sản phẩm giảm do tình hình sản xuất phục hồi chậm, mặt khác do thị trường xã hội tiêu thụ chậm, nên sản lượng sản xuất giảm so cùng kỳ như: Nước ngọt các loại (-4,62%); Giày dép các loại (-0,74%); Ván ép, gỗ cưa, gỗ lạng (-5,42%); Bê tông trộn sẵn (-12,01%); Điện sản xuất (-47,74%) do Công ty Điện lực dầu khí nhơn trạch 2 giảm công xuất sản xuất.
- Chỉ số tiêu thụ: Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 02/2024 giảm 22,1% so với tháng 1/2024 và giảm 14,9% so với tháng cùng kỳ.
- Chỉ số tồn kho: Toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 02/2024 dự ước tăng 4,88% so với tháng 1/2024 và giảm 37,99% so tháng cùng kỳ năm trước.
2. Sản xuất Nông - Lâm nghiệp và thủy sản
a) Nông Nghiệp
Tình hình sản xuất nông nghiệp những tháng đầu năm cơ bản thuận lợi, các ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Thời tiết thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, sâu bệnh trên cây trồng có xuất hiện nhưng ở thể nhẹ, không ảnh hưởng đến cây trồng. Tháng 02/2024 trùng vào dịp Tết Nguyên đán nên giá cả một số loại nông sản có sự biến động tăng. Tuy nhiên chi phí cho sản xuất vẫn đang ở mức cao do vậy người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt hiện nay thị trường Trung Quốc đang vào thời điểm lạnh, người dân ít đi mua sắm, việc xuất khẩu nông sản gặp khó khăn và chịu sự cạnh canh gay gắt với sản phẩm đến từ Lào, Campuchia. Kết quả hoạt động các lĩnh vực như sau:
Cây hàng năm: Diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ Đông Xuân toàn tỉnh là 33.613,8 ha, giảm 0,08% so cùng kỳ. Nguyên nhân giảm do một số diện tích thu hoạch vụ Mùa 2023 chậm nên người dân chưa chuẩn bị các khâu làm đất để xuống giống. Cụ thể: diện tích lúa 11.334,8 ha, giảm 0,18%; bắp 9.148,2 ha, tăng 0,19%; mía 52,3 ha, tăng 1,12%; đậu phộng 328,6 ha, tăng 1,09%; rau các loại 4.978 ha, tăng 0,54%; đậu các loại 1.073,8 ha, tăng 0,55%... so cùng kỳ. Diện tích một số cây trồng tăng do nhu cầu tiêu dùng như rau, củ, quả trong Tết vẫn tăng cao, nên người dân đã chủ động gieo trồng các loại cây ngắn ngày, thu hoạch nhanh để phục vụ cho nhu cầu thị trường xã hội.
Cây lâu năm: Tình hình sản xuất cây lâu năm trên địa bàn ổn định, thời điểm này là mùa khô, người dân chủ yếu chăm sóc, làm cỏ, bón phân và phun thuốc trừ sâu cho các loại cây trồng như: xoài, điều, chôm chôm, cao su… Đồng thời, do tháng 02/2024 trùng vào dịp Tết Nguyên đán nên người dân đã thu hoạch một số cây ăn quả để phục vụ nguyên liệu cho chế biến thực phẩm và tiêu dùng như: chuối, thơm, vú sữa, cam, quýt, bưởi, mãng cầu xiêm…
Sâu bệnh phát sinh chủ yếu ở một số cây như: bệnh chết chậm, bệnh thán thư trên cây tiêu; bệnh bọ xít muỗi, bệnh thán thư, sâu đục thân trên cây điều; bệnh phấn trắng, phấn hồng trên cây cao su; bệnh sâu vẽ bùa, sâu đục thân trên cây ăn trái... làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây trồng, tuy nhiên chỉ ở thể nhẹ nên không ảnh hưởng nhiều đến năng suất cây trồng.
Tổng diện tích cây lâu năm hiện có là 170.545,8 ha, tăng 0,37% so cùng kỳ. Trong đó: Diện tích cây ăn quả đạt 80.046,8 ha, tăng 0,83% và chiếm 46,94% so với tổng diện tích; Diện tích cây công nghiệp lâu năm đạt 90.499 ha, giảm 0,02% so cùng kỳ và chiếm 53,06% tổng diện tích. Tổng diện tích cây lâu năm tăng là do nông dân chuyển đổi một số diện tích cây hàng năm kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả như xoài, chuối, mít, sầu riêng đang có xu hướng tăng mạnh do đạt hiệu quả kinh tế cao.
Sản lượng một số cây lâu năm chủ yếu thu hoạch trong 02 tháng đầu năm 2024 như sau: xoài đạt 19.451,1 tấn (+0,26%); chuối đạt 33.859,1 tấn (+12,31%); thanh long đạt 1.481,9 tấn (+0,84%); bưởi đạt 10.148,9 tấn (+1%), nguyên nhân sản lượng tăng là do nhóm cây ăn quả này phục vụ cho nhu cầu mua sắm dịp Tết Nguyên đán, mặt khác người dân thực hiện tốt khâu chăm bón, phòng chống dịch bệnh nên sản lượng tăng khá. Hiện nay, việc liên kết để tiêu thụ, chế biến nông sản từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân tại địa phương vẫn còn gặp khó khăn và nhiều rào cản.
Chăn nuôi: Tổng đàn gia súc có đến thời điểm tháng 02/2024 là 2.104.948 con, tăng 24.998 con (+1,05%) so cùng kỳ. Trong đó: Trâu đạt 3.918 con (0,08%); Bò đạt 105.019 con (+0,11%); Số lượng đàn trâu, bò tăng là do sản phẩm thịt trâu, bò phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng xã hội cao, giá thịt hơi của trâu, bò ổn định, nên các hộ chăn nuôi đầu tư thêm con giống để nuôi, bên cạnh đó người dân cũng cải tạo đàn bò theo hướng thịt nhằm tăng thu nhập trong chăn nuôi. Sản lượng thịt trâu 02 tháng đầu năm đạt 45,01 tấn, tăng 1,26%; Sản lượng thịt bò đạt 849,06 tấn, tăng 2,18% so cùng kỳ.
Tổng đàn heo đạt 2.293,01 nghìn con (không tính heo con chưa tách mẹ), tăng 24,88 nghìn con (+1,1%) so cùng kỳ. Nguyên nhân tăng là do hầu hết các đơn vị chăn nuôi có quy mô lớn ở thành phần kinh tế quốc doanh, đầu tư nước ngoài có quy trình đầu tư khép kín do chủ động được các khâu như con giống, thức ăn, chuồng trại, công tác phòng, chống dịch và bảo đảm được đầu ra sản phẩm do đó số lượng heo ở các đơn vị này vẫn giữ được quy mô tổng đàn và có chiều hướng phát triển. Giá heo hơi trên địa bàn tỉnh đến ngày 17/02/2024 dao động trong khoảng từ 52.000 đến 54.000 đồng/kg, với tình hình giá tiêu thụ như trên thì hoạt động chăn nuôi cơ bản ổn định, có phát triển. Dự ước sản lượng thịt heo 02 tháng đầu năm đạt 79.350,28 tấn, tăng 0,51% so với cùng kỳ.
Tổng đàn gia cầm ước tính có 25.906,17 nghìn con, tăng 1,18% so cùng kỳ, trong đó gà đạt 23.104,76 nghìn con, tăng 1,76%. Đàn gà tăng là do thị trường tiêu thụ ổn định, dịch bệnh không phát sinh, nên các trang trại đã chủ động tăng đàn. Hơn nữa, khoảng 80% tổng đàn gà tại Đồng Nai được nuôi theo hình thức trại tập trung, áp dụng các quy trình an toàn dịch bệnh nên đảm bảo chất lượng sinh trưởng vật nuôi. Hiện nay, một số trang trại nuôi gà thịt đã kết nối được các doanh nghiệp tiêu thụ, tạo thành chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn, góp phần thúc đẩy hoạt động chăn nuôi phát triển. Sản lượng thịt gia cầm 02 tháng đầu năm ước đạt 33.301,8 tấn, tăng 0,75%, trong đó sản lượng thịt gà ước đạt 29.301,9 tấn, tăng 0,86% so cùng kỳ.
b) Lâm nghiệp
Tháng 02/2024 thời tiết vẫn đang là mùa khô nên các đơn vị lâm nghiệp chưa triển khai công tác trồng rừng. Các đơn vị lâm nghiệp và các hộ gia đình chủ yếu triển khai thực hiện công tác Phòng cháy chữa cháy rừng và gieo ươm cây giống lâm nghiệp để chuẩn bị cho công tác trồng rừng khi mùa mưa tới.
Việc tổ chức khai thác gỗ và lâm sản đảm bảo duy trì và phát triển vốn rừng, các lâm trường thực hiện việc khai thác tận thu, tỉa thưa các cây gỗ lớn để đảm bảo mật độ cây rừng. Các đơn vị lâm nghiệp thực hiện khai thác rừng trồng nguyên liệu giấy đủ thời gian khai thác. Trong tháng sản lượng khai thác gỗ ước đạt 14.702 m3, giảm 0,34% so với tháng cùng kỳ. Luỹ kế 02 tháng tổng số gỗ khai thác ước đạt được 34.915,8 m3, tăng 0,14% so với cùng kỳ. Sản lượng củi khai thác trong tháng ước đạt 208 ste, giảm 1,42% so tháng cùng kỳ. Luỹ kế 02 tháng ước đạt 400 ste, tăng 0,5% so với cùng kỳ.
c) Thủy sản
Hoạt động nuôi trồng thủy sản luôn được người dân quan tâm, từng bước được cải thiện về phương thức nuôi trồng, công tác phòng chống dịch bệnh tốt, nhất là kiểm soát được nguồn thức ăn, con giống; giá tiêu thụ sản phẩm thủy sản trên thị trường xã hội ổn định và tăng nhẹ; các hộ nuôi trồng thủy sản chủ động đầu tư ao, hồ, lựa chọn những con giống vật nuôi phù hợp với điều kiện, khí hậu vùng miền, thay đổi cách nuôi nhằm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế, đặc biệt là các loại thủy sản có thị trường tiêu thụ tốt như tôm sú, cá chép, cá mè.... Dự ước sản lượng thủy sản trong tháng 02/2024 đạt: 6.459,03 tấn, tăng 2,06% so với tháng cùng kỳ; lũy kế 02 tháng đạt 12.986,18 tấn, tăng 2,5% so cùng kỳ. Trong đó: Sản lượng cá đạt 10.692,88 tấn, tăng 2,5%; Sản lượng tôm đạt 1.712,25 tấn, tăng 2,6%; Sản lượng thủy sản khác đạt 581,05 tấn, tăng 2,18% so với cùng kỳ.
3. Thương mại, dịch vụ, giá cả, xuất nhập khẩu và vận tải
3.1. Thương mại, dịch vụ
Tháng 02 là tháng trùng dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 nên nhu cầu mua sắm, vui chơi, giải trí và du lịch của người dân tăng cao. Trong dịp Tết UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 240/KH-UBND ngày 10 tháng 10 năm 2023 về việc thực hiện chương trình bình ổn giá, bình ổn thị trường một số mặt hàng thiết yếu năm 2023 – 2024 phục vụ tết Nguyên đán năm 2024, theo đó giao trách nhiệm cho các Sở, Ngành liên quan tạo nguồn hàng dự trữ và số lượng hàng hóa với giá bán lẻ ổn định để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán; các siêu thị bảo đảm nguồn hàng cung cấp cho thị trường khi có biến động về sự tăng giá.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 02 năm 2024 ước đạt 26.344,03 tỷ đồng, tăng 3,11% so tháng trước và tăng 28,29% so với tháng cùng kỳ. Tính chung 2 tháng đầu năm ước đạt 51.892,5 tỷ đồng, tăng 17,98% so cùng kỳ. Phân theo ngành hoạt động như sau:
- Bán lẻ hàng hóa tháng 02 năm 2024 ước đạt 19.330,6 tỷ đồng, tăng 3,2% so với tháng trước và tăng 31,76% so cùng kỳ. So cùng kỳ hầu hết các nhóm hàng bán lẻ đều tăng, trong đó: Lương thực, thực phẩm tăng 29%; Hàng may mặc tăng 36,24%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 28,75%; xăng dầu các loại tăng 41,95%... Nguyên nhân bán lẻ hàng hoá tăng cao so cùng kỳ do trùng dịp Tết Nguyên Đán, nhu cầu mua sắm hàng tiêu dùng người dân tăng cao, bên cạnh đó các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị và cơ sở kinh doanh chủ động chuẩn bị nguồn cung hàng hóa dồi dào với nhiều hình thức khuyến mãi, giảm giá nhằm thu hút sức mua của người dân trong dịp cuối năm. Do vậy, doanh thu ở hầu hết các nhóm ngành hàng đều có mức tăng.
- Doanh thu ngành lưu trú, ăn uống tháng 02 năm 2024 đạt 2.681 tỷ đồng, tăng 2,52% so với tháng trước và tăng 24,91% so với cùng kỳ. Luỹ kế 02 tháng ước đạt 5.296,04 tỷ đồng, tăng 22,5% so cùng kỳ. Trong đó: Doanh thu dịch vụ lưu trú tăng 16,13% so cùng kỳ; doanh thu dịch vụ ăn uống, tăng 22,58% so với cùng kỳ.
- Dự ước doanh thu ngành du lịch tháng 02 đạt 8,227 tỷ đồng, tăng 18,15% so với tháng trước; luỹ kế 02 tháng ước đạt 15,19 tỷ đồng tăng 23,22% so với cùng kỳ. Do trong tháng có thời gian nghỉ tết kéo dài (7-10 ngày), bên cạnh đó nhu cầu du lịch trong dịp tết tăng cao, nhiều tour du lịch đã được đặt từ trước, nên giá tour cũng tăng so với tháng trước do chi phí các dịch vụ như đi lại, khách sạn, ăn uống tăng. Để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, nhiều khu du lịch, vui chơi, giải trí trong tỉnh cũng đã hoàn thiện các công trình xây dựng mở rộng thêm quy mô hoạt động để đón tiếp nhân dân tham quan trong những ngày Tết như khu du lịch Đá hàn; khu du lịch Tre việt; khu du lịch làng bưởi Tân triều, khu du lịch đảo Ó Đồng trường, Suối Mơ….
- Doanh thu các ngành dịch vụ khác tháng 02 ước đạt 4.324,34 tỷ đồng tăng 3,12% so với tháng trước và tăng 16,51% so với cùng kỳ, luỹ kế 02 tháng ước đạt 8.517,7 tỷ đồng, tăng 13,36% so cùng kỳ. Trong đó: kinh doanh bất động sản tăng 11,56%, hành chính và dịch vụ hỗ trợ tăng 8,94%; dịch vụ giáo dục tăng 9,43%; dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 18,98%; nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 19,65%…
3.2. Giá cả thị trường
Tháng 02 là tháng có ngày Tết Nguyên đán Giáp Thìn nên nhu cầu tiêu dùng, ăn uống, vui chơi, giải trí và đi du lịch tăng cao. Năm nay giá cả nhiều mặt hàng phục vụ nhu cầu trong dịp Tết Nguyên đán tương đối ổn định, nhiều mặt hàng trưng bày có mẫu mã mới, phong phú, đa dạng… Các cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại tiếp tục áp dụng các chương trình khuyến mãi mua sắm cuối năm để kích thích nhu cầu mua sắm của người dân nhằm tăng doanh thu. Từ ngày 2/2 (ngày 23/12 âm lịch) thị trưởng mua sắm đã bắt đầu sôi động. Nhiều mặt hàng giá có sự biến động tăng theo nhu cầu và nguồn cung trên thị trường trong những ngày cận Tết nhất là các mặt hàng lương thực – thực phẩm, hoa tươi...
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 02/2024 tăng 0,85%. Trong đó: Khu vực thành thị tăng 0,89%; khu vực nông thôn tăng 0,81%. So với tháng cùng kỳ năm trước tăng 2,38%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính thì có 09 nhóm hàng hoá có chỉ số giá tăng; có 01 nhóm hàng hoá có chỉ số giá giảm và 01 nhóm hàng hoá ổn định so với tháng trước. Trong đó: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,77% (Lương thực tăng 2,03%, thực phẩm tăng 0,75%, ăn uống ngoài gia đình tăng 0,31%). Các mặt hàng lương thực tăng do nhu cầu tiêu dùng lương thực để chế biến dịp Tết Nguyên đán tăng; mặt khác do ảnh hưởng của giá lương thực thế giới tăng, tình hình xuất khẩu gạo trong nước có nhiều thuận lợi giá xuất khẩu tăng làm cho giá gạo trong nước tăng; giá gạo tẻ thường tăng 2,35%; gạo tẻ ngon tăng 2,79%; gạo nếp tăng 3,26%. Giá mặt hàng bột mì và ngũ cốc khác tăng bình quân 1,17%; lương thực chế biến tăng 0,56% so với tháng trước.
Giá thực phẩm tháng 02 tăng 0,75% so với tháng trước, nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm trong dịp tết tăng cao, tuy nhiên giá cả năm nay tăng không cao như các năm trước, cụ thể giá các mặt hàng thịt heo tăng bình quân 1,08% so với tháng trước; các mặt hàng thịt chế biến tăng bình quân 1,21% đây cũng là những mặt hàng thực phẩm tiêu thụ chính của người dân trong dịp Tết... Sau Tết giá nhiều mặt hàng thực phẩm đã giảm và ổn định so với ngày bình thường, có nhiều mặt hàng giá giảm nhất là các mặt hàng rau tươi, khô và chế biến giảm 0,93% so với tháng trước…
+ Nhóm đồ uống, thuốc lá tăng 0,66% so với tháng trước, tăng 0,74% so với tháng cùng kỳ. Trong tháng 02 do nhu cầu tiêu dùng và làm quà biếu tặng trong dịp Tết tăng cao nên giá các mặt hàng này tăng so với tháng trước; Giá bia các loại tăng 1,32%; rượu các loại tăng 0,82%; nước khoáng và nước có ga tăng 0,87%. Tuy nhiên do việc kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông vẫn tiến hành thường xuyên nên năm nay nhu cầu tiêu dùng giảm hơn so với các năm trước
+ Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tháng 02 tăng 0,32% nguyên nhân chủ yếu do trong tháng thời tiết nắng nóng nên nhu cầu sử dụng điện, nước tăng, trong đó giá nước sinh hoạt tăng bình quân 4,11%; giá điện sinh hoạt tăng bình quân 0,61% so với tháng trước; Giá vật liệu bảo dưỡng và sửa chữa nhà tăng nhẹ 0,03% so với tháng trước do ảnh hưởng của giá thế giới tăng làm cho giá các mặt hàng sắt thép trong tháng tăng nhẹ trở lại.
+ Thiết bị và đồ dùng gia đình tháng 02 tăng 0,36% so với tháng trước; Là tháng trùng vào thời điểm Tết Nguyên đán nên nhu cầu sửa chữa đồ dùng gia đình tăng cao, giá các dịch vụ này tăng so với tháng trước như sửa chữa ti vi tăng 5,77%; do thời tiết nắng nóng nên nhu cầu sử dụng máy điều hoà nhiệt độ tăng làm cho dịch vụ sửa chữa máy điều hoà nhiệt độ tăng 1,01%... Ngoài ra nhu cầu thuê người giúp việc trong gia đình cũng tăng 6,07%....
+ Chỉ số giá nhóm giao thông tăng 3,36%. Trong tháng 2 nhu cầu đi lại, về quê ăn Tết cùng gia đình của người dân tăng cao làm cho giá các dịch vụ giao thông công cộng tăng 15,74% trong đó vận tải hành khách bằng đường sắt tăng 151,75%; Vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 39,07%; dịch vụ giao nhận hành lý và hành lý gửi tăng 10,49%; giá các dịch vụ trông giữ xe, bơm xe, rửa xe cũng tăng 6,39% so với tháng trước. Bên cạnh đó trong tháng 2 giá các mặt hàng xăng, dầu đã điều chỉnh tăng làm cho nhóm nhiên liệu bình quân tăng 5,31% so với tháng trước trong đó xăng tăng 5,89%; riêng dầu Diezel tăng 5,51%.
Các nhóm còn lại chỉ số giá ổn định có mức tăng từ 0,01 – 2,02%. Riêng Chỉ số giá nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,01%.
- Chỉ số giá bình quân tháng 02 tháng năm 2024 tăng 2,16% so với cùng kỳ năm trước, trong đó 08 nhóm hàng hoá tăng giá, tăng cao nhất thuốc và dịch vụ y tế (+9,07%); Đồ dùng và dịch vụ khác (+7,13%); nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (+2,78%); Giáo dục (+2,74%); Giao thông (+2,47%); Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+1,75%); Thiết bị và đồ dùng gia đình (+1,55%); Đồ uống và thuốc lá (+0,31%). Có 03 nhóm chỉ số giá giảm là May mặc, mũ nón và giày dép giảm 0,45%; Bưu chính viễn thông giảm 0,4%; Văn hoá, giải trí và du lịch 2,48%.
- Chỉ số giá vàng trong tháng 02/2024 tăng 1,56% so với tháng trước, tăng 17,99% so với cùng kỳ. Bình quân 02 tháng tăng 17,28%.
- Chỉ số giá Đô la Mỹ tháng 02/2024 tăng 0,85% so tháng trước, tăng 4,84% so với cùng kỳ. Bình quân 02 tháng tăng 4,36%.
3.3. Xuất, nhập khẩu hàng hóa
Hai tháng đầu năm 2024, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa có tín hiệu tích cực hơn, mặc dù vẫn còn chịu ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới nhưng các doanh nghiệp trong tỉnh đã từng bước khắc phục khó khăn, củng cố các thị trường truyền thống và tích cực mở rộng các thị trường mới, cùng với đó tận dụng cơ hội các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Do đó, tình hình sản xuất và xuất khẩu hàng hoá của các doanh nghiệp 02 tháng đầu năm có tín hiệu tích cực và có sự phục hồi đáng kể.
Ước kim ngạch xuất khẩu tháng 02 năm 2024 đạt 1.559,08 triệu USD, giảm 24,86% so với tháng trước và giảm 5,59% so cùng kỳ. Nguyên nhân giảm so tháng trước do tháng 02 trùng vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán có thời gian nghỉ dài từ 7 -10 ngày, các doanh nghiệp tạm ngưng sản xuất cho công nhân nghỉ tết nên hầu hết các ngành hàng xuất khẩu đều giảm so tháng trước và giảm so tháng cùng kỳ.
Ước kim ngạch xuất khẩu 02 tháng năm 2024 đạt 3.634 triệu USD, tăng 19,61% so cùng kỳ. Trong đó: kinh tế nhà nước đạt 76,46 triệu USD, tăng 13,16%; kinh tế ngoài nhà nước đạt 871,17 triệu USD, tăng 17,06%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 2.686,3 triệu USD tăng 20,65% so cùng kỳ.
So với cùng kỳ, hầu hết các ngành hàng xuất khẩu đều tăng như: Sản phẩm gỗ (+69,7%); Hàng dệt may (+7,53%); Giày, dép (+14,55%); Máy vi tính (+10,41%); Xơ, sợi (+9,09%); Phương tiện vận tải và phụ tùng (+12,83%) …
Về cơ cấu thị trường, xuất khẩu hàng hóa 02 tháng đầu năm 2024 ở các thị trường xuất khẩu lớn có sự phục hồi, trong đó Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của tỉnh với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.071,35 triệu USD, chiếm 29,48% Tổng kim ngạch xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu tới các thị trường chính khác như: Trung Quốc 339,07 triệu USD, chiếm 9,33%, Nhật Bản 387,82 triệu USD, chiếm 10,67%; Hàn Quốc 192,13 triệu USD, chiếm 5,3%...
- Về nhập khẩu, tháng 02 năm 2024, hàng hóa nhập khẩu của tỉnh ước đạt 1.092 triệu USD, giảm 14,54% so với tháng trước và giảm 12,65% so cùng kỳ. Ước kim ngạch nhập khẩu 02 tháng đạt 2.371,8 triệu USD, tăng 5,74% so cùng kỳ. Trong đó: kinh tế nhà nước đạt 29,66 triệu USD, tăng 0,95%; kinh tế ngoài nhà nước đạt 343 triệu USD, tăng 6,83%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt xấp xỉ 2 tỷ USD tăng 5,72% so cùng kỳ.
Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu 02 tháng tăng so cùng kỳ như sau: Thức ăn gia súc và nguyên liệu (+18,44%); Chất dẻo (Plastic) nguyên liệu (+1,54%); Gỗ và sản phẩm từ gỗ (+44,71%); Xơ, sợi dệt các loại (+20,43%); Vải các loại (+12,98%); Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày (+39,2%) ...
Thị trường nhập khẩu trong tháng 02/2024 chủ yếu ở các nước: Trung Quốc ước đạt 743 triệu USD, chiếm 31,3% tổng kim ngạch nhập khẩu; Hàn Quốc 352,6 triệu USD, chiếm 14,87%; Nhật Bản 159,2 triệu USD, chiếm 6,71%; Hoa kỳ 100 triệu USD, chiếm 4,22%...
3.4. Giao thông vận tải
Tháng 02 là tháng trùng dịp Tết Nguyên đán nên nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân tăng, bên cạnh đó các hoạt động vui chơi giải trí và du lịch cũng tăng góp phần làm tăng doanh thu dịch vụ so với tháng trước.
Dự ước doanh thu vận tải, dịch vụ kho bãi, hỗ trợ vận tải tháng 02/2024 đạt 3.280,6 tỷ đồng, tăng 5,4% so tháng trước, tăng 23,25% so cùng kỳ. Luỹ kế 02 tháng doanh thu ước đạt 6.393,5 tỷ đồng, tăng 13,9% so cùng kỳ. Trong đó doanh thu vận tải hành khách ước đạt 846,3 tỷ đồng, tăng 8,52% so cùng kỳ; doanh thu vận tải hàng hoá đạt 3.662,1 tỷ đồng, tăng 15,81%; dịch vụ hỗ trợ vận tải đạt 1.885 tỷ đồng, tăng 12,81% so cùng kỳ.
- Khối lượng vận chuyển hành khách tháng 02 năm 2024 ước đạt 8.039 nghìn hành khách, tăng 22,7% so với tháng trước, tăng 30,12% so với tháng cùng kỳ. Luỹ kế 02 tháng vận chuyển hành khách ước đạt 15.080 nghìn hành khách, tăng 4,6% so cùng kỳ; Luân chuyển hành khách 02 tháng ước đạt 887.615 nghìn hành khách.km tăng 3,15% so với cùng kỳ.
- Khối lượng vận chuyển hàng hoá tháng 02 năm 2024 ước đạt 8.092 nghìn tấn tăng 2,09% so với tháng trước và tăng 18,38% so với cùng kỳ. Luỹ kế 02 tháng vận chuyển hàng hoá ước đạt 16.018 nghìn tấn, tăng 12,05% so cùng kỳ; Luân chuyển hàng hoá 2 tháng ước đạt 1.372,6 triệu tấn.km, tăng 13,13% so với cùng kỳ.
4. Tình hình thực hiện vốn đầu tư nguồn vốn ngân sách nhà nước
Sau thời gian nghỉ tết Nguyên Đán, hầu hết các chủ dự án khẩn trương triển khai khởi công các công trình mới và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình chuyển tiếp, đảm bảo tiến độ và chất lượng thi công, do vậy tình hình thực hiện vốn NSNN tháng 2 và 2 tháng đầu năm có sự chuyển biến tích cực. Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 là 15.023,1 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh 11.542 tỷ đồng và ngân sách huyện là 2.784,6 tỷ đồng.
Dự ước thực hiện vốn đầu tư phát triển bằng nguồn vốn ngân sách Nhà Nước do địa phương quản lý tháng 02 năm 2024 thực hiện 572 tỷ đồng, giảm 18,06% so với tháng 01 năm 2024. Ước 2 tháng đầu năm 2024 thực hiện 1.270,2 tỷ đồng; tăng 13,05% so cùng kỳ và bằng 8,46% KH năm 2024. Nguyên nhân giảm mạnh so tháng 01/2024 là do tháng 02/2024 là tháng Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024, thời gian nghỉ Tết kéo dài từ 7 đến hơn 10 ngày, hầu hết các dự án, công trình đều tạm ngừng thi công. Sau kỳ nghỉ Tết vì cũng là những tháng đầu năm nên chủ yếu tập trung thực hiện thi công các dự án, công trình chuyển tiếp; các dự án, công trình mới chưa được khởi công xây dựng. Do vậy tình hình thực hiện vốn đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước giảm sâu so với tháng trước.
5. Thu hút đầu tư và đăng ký doanh nghiệp
Từ đầu năm đến ngày 20/02/2024, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 478,23 triệu USD, trong đó: cấp mới 18 dự án với tổng vốn đăng ký 220,82 triệu USD và 19 dự án tăng vốn với tổng vốn bổ sung 257,41 triệu USD.
Từ đầu năm 2024 đến ngày 20/02/2024, tổng vốn đầu tư trong nước đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư, chủ trương đầu tư và điều chỉnh tăng vốn khoảng 5.872,96 tỷ đồng, gấp 14,5 lần so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó: cấp mới 02 dự án với tổng vốn đăng ký là 1.427,93 tỷ đồng, tăng 3,7 lần; có 03 dự án tăng vốn với số vốn đăng ký bổ sung là 4.445,03 tỷ đồng, tăng 29,6 lần so cùng kỳ năm 2023.
Tổng vốn đăng ký kinh doanh từ ngày 01/02/2024 đến ngày 15/02/2024 là 776 tỷ đồng, bằng 31,3% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó: Có 57 doanh nghiệp thành lập mới (bằng 40,7%) với số vốn đăng ký 490 tỷ đồng; Có 18 lượt doanh nghiệp đăng ký bổ sung vốn là 286 tỷ đồng. Ngoài ra còn có 29 Chi nhánh, địa điểm kinh doanh và văn phòng đại diện đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh, bằng 56,8% so với cùng kỳ.
Từ ngày 01/02/2024 đến ngày 15/02/2024, có 20 doanh nghiệp giải thể (giảm 4,8% so với cùng kỳ) và có 27 Chi nhánh, địa điểm kinh doanh và văn phòng đại diện chấm dứt hoạt động (giảm 6,9%); 55 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh (tăng 27,9%). Lý do giải thể và chấm dứt hoạt động và tạm ngừng kinh doanh chủ yếu là do kinh doanh không hiệu quả. Các doanh nghiệp này chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thuộc khu vực kinh tế tư nhân.
6. Tài chính - Ngân hàng
a) Tài chính
Tổng thu ngân sách nhà nước tính đến ngày 20/2/2024 ước đạt 10.255,7 tỷ đồng([1]), giảm 3,27% so với cùng kỳ. Do hiện nay tình hình sản xuất kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp đang gặp khó khăn nên ảnh hưởng đáng kể đến nguồn thu, các khoản thu chủ yếu đều giảm so cùng kỳ. Trong đó:
- Thu nội địa ước đạt 6.672,5 tỷ đồng, giảm 3,8% so với cùng kỳ. Một số khoản thu chủ yếu như sau: Thu từ doanh nghiệp nhà nước đạt 578,7 tỷ đồng, tăng 29,52%; Thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh 1.075,1 tỷ đồng, giảm 2,61%; Thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 3.169,7 tỷ đồng, tăng 8,74%; Thuế thu nhập cá nhân 995,4 tỷ đồng, giảm 11,57%; Các khoản thu về nhà, đất 324,2 tỷ đồng, giảm 31,53% so với cùng kỳ.
- Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 2.151,4 tỷ đồng, giảm 5,08% so với cùng kỳ.
Tổng chi ngân sách Nhà nước tính đến ngày 20/02/2024 đạt 3.271,7 tỷ đồng([2]), tăng 18,25% so với cùng kỳ. Trong đó: Chi đầu tư phát triển đạt 954,4 tỷ đồng, tăng 9,59% (chủ yếu chi đầu tư cho các dự án theo các lĩnh vực 800,5 tỷ đồng, tăng 4,52%); Chi thường xuyên đạt 2.316,6 tỷ đồng, giảm tăng 22,2% so với cùng kỳ (Chi giáo dục, đào tạo và dạy nghề 891,7 tỷ đồng, tăng 24,15%; Chi hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước, Đảng, đoàn thể 472,8 tỷ đồng, tăng 20,24%; Chi đảm bảo xã hội 279,2 tỷ đồng, giảm 3,83%).
b) Hoạt động Ngân hàng
Tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn ước đến 29/02/2024 đạt 326.299 tỷ đồng, tăng 1,64% so với đầu năm. Bao gồm: Phát hành giấy tờ có giá ước đạt 2.810 tỷ đồng, tăng 6,24%; Tiền gửi ước đạt 323.489 tỷ đồng, tăng 1,65% (trong đó: Tiền gửi bằng đồng Việt Nam ước đạt 304.425 tỷ đồng, tăng 1,41%; Tiền gửi bằng ngoại tệ ước đạt 19.064 tỷ đồng, tăng 5,6% so với đầu năm).
Lãi suất tiền gửi bằng VND bình quân của NHTM trong nước ở mức 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; mức 3,3-3,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; mức 6,3-7,1%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; mức 7,3-8,3%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và mức 7,5- 7,9%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng. Lãi suất tiền gửi USD của TCTD tiếp tục duy trì ở mức 0% đối với tiền gửi của cá nhân và tổ chức.
Hoạt động tín dụng: Dự ước đến 29/02/2024 tổng dư nợ cấp tín dụng trên địa bàn ước đạt 370.034 tỷ đồng, tăng 1,79 % so với đầu năm (nợ xấu ước chiếm 1,26% trên tổng dư nợ cho vay). Bao gồm: Giá trị các khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp ước đạt 1.530 tỷ đồng, giảm 7,22%; Tổng dư nợ cho vay ước đạt 368.504 tỷ đồng, tăng 1,83% so đầu năm (trong đó: Dư nợ bằng đồng Việt Nam ước đạt 292.117 tỷ đồng, tăng 1,43%; Dư nợ bằng ngoại tệ ước đạt 44.776 tỷ đồng, tăng 2,07% so với đầu năm).
Lãi suất cho vay bình quân của NHTM trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 8,3-10,5%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 3,8%/năm, lãi suất cho vay USD bình quân của NHTM trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 4,3-5,3%/năm đối với ngắn hạn và mức 6,2-7,4%/năm đối với trung và dài hạn.
II. VĂN HÓA - XÃ HỘI
1. Văn hóa, thể thao
Các hoạt động, văn hóa, thể thao, du lịch và lễ hội mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn năm 2024 diễn ra trên địa bàn tỉnh phong phú, đa dạng tạo được bầu không khí vui tươi, phấn khởi cho nhân dân vui xuân, đón Tết, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn, lành mạnh. Bên cạnh đó, các đơn vị kinh doanh du lịch đã đầu tư cải tạo cảnh quan, bổ sung các loại hoa tươi, cây cảnh tạo không gian sắc xuân, đồng thời tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian như: biểu diễn nghệ thuật, xiếc, ảo thuật, múa lân sư rồng.... phục vụ nhân dân và du khách trong dịp Tết Nguyên đán.
2. Y tế
* Tình hình dịch bệnh: Trong tháng tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát tốt, ngành y tế vẫn thường xuyên chỉ đạo, giám sát hoạt động phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế sẵn sàng ứng phó với tình huống dịch bệnh xảy ra không để chủ quan, bị động.
Dịch Covid-19: từ ngày 19/01-19/02/2024 ghi nhận 35 ca mắc, giảm 20 ca so với tháng trước. Các ca nhiễm đều được giám sát, xử lý kịp thời đúng quy định, không lây lan thành ổ dịch lớn; tính từ đầu năm đến nay ghi nhận 50 ca mắc, không ghi nhận ca mắc tử vong.
Sốt xuất huyết: ghi nhận 232 ca mắc, giảm 121 ca (-34,28%) so với tháng trước và giảm 126 ca (-35,2%) so với tháng cùng kỳ, không ghi nhận ca tử vong. Tay chân miệng: ghi nhận 162 ca mắc, giảm 153 ca (-48,57%) so với tháng trước và gấp 2,6 lần so với tháng cùng kỳ, không ghi nhận ca tử vong. Uốn ván: trong tháng ghi nhận 01 ca mắc, tăng 01 ca so với cùng kỳ, tử vong 01 ca. Bệnh dại: ghi nhận 02 ổ dịch dại trên chó tại 02 huyện Định Quán, Trảng Bom. Một số dịch bệnh khác như: Sởi, sốt rét, đậu mùa khỉ, tả, thương hàng, cúm.... trong tháng không ghi nhận trường hợp mắc.

Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm: Trong tháng 02/2024 thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và tổ chức thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống và kinh doanh tiêu dùng thực phẩm 1.870 cơ sở, trong đó: 1.813 cơ sở đạt (chiếm 96,95%), số cơ sở vi phạm là 57 (chiếm 3,05%), nhắc nhở 41 cơ sở, phạt tiền 16 cơ sở số tiền phạt: 171 triệu đồng. Trong tháng có 01 vụ ngộ độc thực phẩm với 15 người mắc, không có ca tử vong.

3. Giáo dục

Một số hoạt động giáo dục trọng tâm trong tháng 02 như: Tổ chức họp Sơ kết học kỳ I năm học 2023-2024 các cấp học. Hoàn thành tổ chức bồi dưỡng giáo viên đại trà mô đun 6,7 cho giáo viên cấp Tiểu học, THCS, THPT và GDTX. Tổ chức vòng 2 Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh năm học 2023 - 2024: Có 108 dự án tham gia vòng 2, kết quả: 05 giải Nhất, 11 giải Nhì, 25 giải Ba, 67 giải Tư; Ban Tổ chức đã chọn 02 Dự án đi thi cấp quốc gia.

Kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2024: Có tổng số 59 học sinh đạt giải, trong đó có 14 giải Nhì, 22 giải Ba và 23 giải Khuyến khích (so với năm 2023 tăng 24 giải bao gồm 12 giải Nhì và 12 giải Ba).

Kết quả kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 cấp tỉnh năm học 2023-2024: Có tổng số 2.457 học sinh đạt giải, trong đó có 114 giải Nhất, 484 giải Nhì, 809 giải Ba và 1.050 giải Khuyến khích.

4. Giải quyết việc làm và đào tạo nghề

Trong tháng 02/2024, phối hợp các sở, ban, ngành và các doanh nghiệp dịch vụ việc làm giải quyết việc làm cho 6.369 lượt người. Lũy kế từ đầu năm 2024 là 13.301 lượt người, đạt 16,63% kế hoạch năm, tăng 2,46% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong tháng 02, các Cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyển mới đào tạo cho 4.616 học viên (trong đó: Sơ cấp và đào tạo thường xuyên là 4.616 người), đạt 7,10% kế hoạch năm, tăng 0,01% so với năm 2023. Có 3.947 người tốt nghiệp trong kỳ (trong đó: Sơ cấp và đào tạo thường xuyên là 3.947 người), đạt 6,58% so với kế hoạch năm, tăng 0,06% so với cùng kỳ năm 2023.

Trên đây là các nội dung chủ yếu về tình hình kinh tế - xã hội tháng 02 năm 2024 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Cục Thống kê xin được thông báo."

"thongke.dongnai.gov.vn"

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang