(CTT-Đồng Nai) - Trong bối cảnh quỹ đất phát triển đô thị đang ngày càng thiếu, việc khai thác không gian ngầm được xem là hướng đi phù hợp xu thế trong quá trình phát triển của đô thị Biên Hòa.
Hàng loạt phân khu trên địa bàn thành phố Biên Hòa đã được bổ sung quy hoạch quy định không gian xây dựng ngầm
Hàng loạt phân khu trên địa bàn thành phố Biên Hòa đã được bổ sung quy hoạch quy định không gian xây dựng ngầm
Hàng loạt phân khu được bổ sung quy hoạch không gian xây dựng ngầm
Biên Hòa là đô thị trung tâm của tỉnh và cũng là thành phố trực thuộc tỉnh có dân số đông nhất cả nước. Chính vì vậy, nhiều năm qua, hệ thống hạ tầng đô thị Biên Hòa luôn trong tình trạng quá tải. Đặc biệt, nhiều hạn chế trong phát triển đô thị như tình trạng ùn tắc giao thông, thiếu bãi đậu xe ô tô… ngày càng bộc lộ rõ hơn.
Thực tế đó đòi hỏi thành phố Biên Hòa phải tập trung đầu tư xây dựng các công trình công cộng, phúc lợi để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, khó khăn với vấn đề này ngoài nguồn vốn là quỹ đất đô thị ngày càng hạn hẹp. Trong bối cảnh đó, việc quy hoạch và khai thác không gian ngầm được xem là một trong những đáp án cho bài toán quá tải của đô thị Biên Hòa. Tuy nhiên, việc khai thác không gian ngầm đối với đô thị Biên Hòa thời gian qua còn rất hạn chế mà một phần nguyên nhân là chưa được quy hoạch để phát triển không gian ngầm.
Giám đốc Sở Xây dựng Hồ Văn Hà cho biết, trong khi đồ án quy hoạch chung đô thị Nhơn Trạch có quy hoạch phát triển không gian ngầm thì đồ án quy hoạch chung đã được phê duyệt của thành phố Biên Hòa lại không quy hoạch phát triển không gian ngầm.
Chính vì vậy, để khai thác hiệu quả không gian ngầm trong quá trình phát triển đô thị Biên Hòa, vừa qua, UBND tỉnh đã có các quyết định sửa đổi, bổ sung điều khoản trong các quyết định phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 của hàng loạt phân khu trên địa bàn thành phố Biên Hòa. Tại các quyết định này, UBND tỉnh phê duyệt sửa đổi, bổ sung quy hoạch quy định không gian xây dựng ngầm tại các đồ án quy hoạch phân khu.
Trong đó, không gian xây dựng ngầm công cộng được xác định dưới phần đất có chức năng sử dụng đất công cộng, cây xanh thành phố và khu ở. Chức năng sử dụng không gian ngầm công cộng bao gồm các chức năng thương mại, dịch vụ, khu ở, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, bãi đỗ xe…
UBND tỉnh cũng quy định quy mô tầng hầm các công trình trong khu vực các phân khu, đối với các công trình (bao gồm cả các công trình loại này được đặt trong các khu chức năng) thuộc hệ thống dịch vụ - công cộng; công trình hỗn hợp, công trình nhà ở (trừ nhà ở riêng lẻ); công trình quốc phòng, an ninh được xây dựng từ 3 tầng hầm trở xuống.
Đối với công trình công nghiệp; hạ tầng kỹ thuật; giao thông vận tải; nông nghiệp và phát triển nông thôn xây dựng 1 tầng hầm. Đối với công trình nhà ở riêng lẻ được xây từ 2 tầng hầm trở xuống.
Xu hướng tất yếu
Trước khi UBND tỉnh có các quyết định bổ sung quy hoạch không gian xây dựng ngầm đối với hàng loạt phân khu, việc quy hoạch khai thác không gian ngầm của đô thị Biên Hòa cũng đã được đề cập và triển khai thực hiện.
Cụ thể, trong dự thảo đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Biên Hòa đến năm 2045, đơn vị tư vấn đã đưa ra phương án quy hoạch phát triển không gian ngầm cho đô thị Biên Hòa.
Theo đơn vị tư vấn, không gian ngầm đô thị Biên Hòa sẽ được sử dụng vào các mục đích gồm: giao thông; công trình dân dụng; công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối; đường dây, đường ống… Tùy theo điều kiện địa chất công trình, địa chất thủy văn, điều kiện hiện trạng xây dựng của mỗi đô thị và ý đồ tổ chức không gian trên mặt đất và không gian ngầm.
Việc sử dụng không gian ngầm theo độ sâu có thể chia ra các tầng khác nhau. Trong đó, tầng 1 (sâu 3-5m) bố trí các công trình đường dây, đường ống kỹ thuật ngầm, hào, cống bể cáp, hầm dành cho người đi bộ, bãi đỗ ô tô ngầm; tầng 2 (sâu 5-15m) bố trí bãi đỗ xe ngầm sâu, tuynel kỹ thuật, đường tàu điện ngầm nông, hầm đường ô tô đặt sâu, một số bể chứa ngầm; tầng 3 (sâu trên 20m) chủ yếu bố trí đường tàu điện ngầm đặt sâu, hầm đường ô tô đặt sâu.
Cũng theo đơn vị tư vấn, không gian ngầm là tài nguyên không gian quan trọng của đô thị. Không gian ngầm có đặc điểm là có thể xây dựng liên kết theo chiều đứng, tuy nhiên, chi phí bảo trì cao và xây dựng khó khăn. Vì vậy, cần có quy chế, hướng dẫn về xây dựng không gian ngầm sau quy hoạch chung.
Theo kiến trúc sư Khương Nguyễn Đức Chương, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh, khai thác không gian ngầm dưới lòng đất không gây hao tổn diện tích đất nên rất phù hợp với các đô thị có tốc độ đô thị hóa nhanh, quỹ đất phát triển đô thị ngày càng hạn hẹp. Đây cũng là xu hướng tương đối phổ biến và hiệu quả trong phát triển đô thị trên thế giới. Ngay như trong khu vực Đông Nam Á, nhiều quốc gia cũng đã khai thác và phát triển mạnh không gian ngầm đô thị như Singapore, Thái Lan. Chính vì vậy, công tác quy hoạch không gian ngầm đối với đô thị Biên Hòa cần được triển khai sớm. Quy hoạch phải tạo được sự đồng bộ, bám sát các dự án hạ tầng giao thông để sau này khi phát triển thì tạo được sự liên kết giữa không gian ngầm và không gian phát triển trên mặt đất. Từ đó, nâng cao hiệu quả các công trình, thu hút người dân sử dụng.