Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Trả lời câu hỏi của bạn đọc: Tạ Duy Minh (thành phố Hà Nội)

Nội dung câu hỏi:

“Tôi có thể đăng ký tạm trú tạm vắng ở tỉnh được không ?"

Công an tỉnh Đồng Nai có ý kiến trả lời tại Văn bản số 3858/CAT-PC06 ngày 26/9/2024 như sau:

1. Đăng ký tạm trú:

1.1 Căn cứ pháp lý:

Theo quy định tại khoản 9, Điều 2, Luật Cư trú năm 2020, tạm trú là việc công dân sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trú.

Theo Điều 27 Luật Cư trú 2020 quy định về điều kiện đăng ký tạm trú như sau:

+ Công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú.

+ Thời hạn tạm trú tối đa là 02 năm và có thể tiếp tục gia hạn nhiều lần.

+ Công dân không được đăng ký tạm trú mới tại chỗ ở quy định tại Điều 23 của Luật Cư trú 2020.

Như vậy theo quy định trên nếu công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú.

1.2. Thủ tục đăng ký tạm trú:

Theo Quyết định 320/QĐ-BCA ngày 16/01/2024 của Bộ Công an về việc công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung và bị bãi bỏ trong lĩnh vực đăng ký, quản lý cư trú và lĩnh vực đăng ký, quản lý xuất nhập cảnh thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Công an, trình tự thủ tục đăng ký tạm trú được thực hiện như sau:

Bước 1: Cá nhân, tổ chức thực hiện thủ tục đăng ký tạm trú chuẩn bị hồ sơ theo quy định của pháp luật.

Căn cứ quy định của pháp luật tại Khoản 1, Điều 28 Luật Cư trú 2020 hồ sơ đăng ký tạm trú bao gồm:

- Tờ khai thay đổi thông tin cư trú (Mẫu CT01 ban hành kèm theo Thông tư số 66/2023/TT-BCA); đối với người đăng ký tạm trú là người chưa thành niên thì trong tờ khai phải ghi rõ ý kiến đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;

- Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp (là những giấy tờ, tài liệu được quy định tại Khon 1, Điều 5, Nghị định 62/2021/NĐ-CP). Trừ trường hợp thông tin chứng minh về chỗ ở hợp pháp của công dân đã có trong cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã được kết nối, chia sẻ với cơ quan đăng ký cư trú và trường hợp, giấy tờ chứng minh về chỗ ở hợp pháp đã có bản điện tử trên dịch vụ công qua giải quyết thủ tục hành chính khác thì cơ quan đăng ký cư trú tự kiểm tra, xác minh không yêu cầu công dân xuất trình giấy tờ chứng minh.

* Trường hợp giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký tạm trú là văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ nhà ở, nhà khác của cá nhân, tổ chức thì văn bản đó không bắt buộc phải công chứng hoặc chứng thực.

* Đối với thủ tục Đăng ký tạm trú tại nơi đơn vị đóng quân trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân (đơn vị đóng quân, nhà ở công vụ) hồ sơ gồm:

- Tờ khai thay đổi thông tin cư trú (Mẫu CT01 ban hành kèm theo Thông tư số 66/2023/TT-BCA);

- Đối với Công an nhân dân: Giấy giới thiệu của Thủ trưởng đơn vị quản lý trực tiếp ghi rõ nội dung để làm thủ tục đăng ký tạm trú và đơn vị có chỗ ở cho cán bộ chiến sĩ (ký tên, đóng dấu).

- Đối với Quân đội nhân dân: Giấy giới thiệu đăng ký tạm trú của đơn vị cấp trung đoàn và tương đương trở lên.

Bước 2: Cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ tại Công an cấp xã nơi đăng ký tạm trú, hồ sơ được nộp như sau:

- Nộp hồ sơ trực tiếp tại Công an cấp xã.

- Nộp hồ sơ trực tuyến qua các cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến như: Trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, ứng dụng VNelD hoặc dịch vụ công trực tuyến khác theo quy định của pháp luật.

c 3: Cơ quan đăng ký cư trú tiếp nhận hồ sơ và kiểm tra tính pháp lý, nội dung hồ sơ:

+ Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ thì tiếp nhận hồ sơ và cấp Phiếu tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả (mẫu CT04 ban hành kèm theo Thông tư số 66/2023/TT-BCA) cho người đăng ký.

+ Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện nhưng chưa đủ hồ sơ thì hướng dẫn bổ sung, hoàn thiện và cấp Phiếu hướng dẫn bổ sung, hoàn thiện hồ sơ (mẫu CT05 ban hành kèm theo Thông tư số 66/2023/TT-BCA) cho người đăng ký.

+ Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện thì từ chối và cấp Phiếu từ chối tiếp nhận, giải quyết hồ sơ (mẫu CT06 ban hành kèm theo Thông tư số 66/2023/TT-BCA) cho người đăng ký.

Bước 4: Cá nhân, tổ chức nộp lệ phí đăng ký tạm trú theo quy định.

Bước 5: Cá nhân, tổ chức căn cứ theo ngày hẹn trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả để nhận thông báo kết quả giải quyết thủ tục đăng ký cư trú (nếu có).

2. Đăng ký t​ạm vng

2.1. Căn cứ pháp lý

Theo Khoản 7, Điều 2, Luật Cư trú 2020, tạm vắng là việc công dân vắng mặt tại nơi cư trú trong một khoảng thời gian nhất định.

Theo Khoản 1, Điều 31, Luật Cư trú 2020 công dân có trách nhiệm khai báo tạm vắng trong các trường hợp sau đây:

- Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đang cư trú từ 01 ngày trở lên đối với bị can, bị cáo đang tại ngoại; người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án hoặc đã có quyết định thi hành án nhưng đang tại ngoại hoặc được hoãn chấp hành án, tạm đình chỉ chấp hành án; người bị kết án phạt tù được hưởng án treo đang trong thời gian thử thách; người đang chấp hành án phạt quản chế, cải tạo không giam giữ; người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đang trong thời gian thử thách;

- Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đang cư trú từ 01 ngày trở lên đối với người đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; người phải chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ chấp hành; người bị quản lý trong thời gian làm thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng;
- Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp huyện nơi đang cư trú từ 03 tháng liên tục trở lên đối với người trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc người đang phải thực hiện các nghĩa vụ khác đối với Nhà nước theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

- Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi thường trú từ 12 tháng liên tục trở lên đối với người không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản này, trừ trường hợp đã đăng ký tạm trú tại nơi ở mới hoặc đã xuất cảnh ra nước ngoài.

Như vậy, công dân phải thực hiện khai báo tạm vắng khi vắng mặt tại nơi cư trú trong một thời gian nhất định nếu thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Khoản 1, Điều 31, Luật Cư trú 2020.

2.2. Thủ tục khai báo tạm vng

Theo Quyết định 320/QĐ-BCA ngày 16/01/2024 của Bộ Công an về việc công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung và bị bãi bỏ trong lĩnh vực đăng ký, quản lý cư trú và lĩnh vực đăng ký, quản lý xuất nhập cảnh thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Công an, trình tự thủ tục khai báo tạm vắng được thực hiện như sau:

Bước 1: Cá nhân, tổ chức thực hiện thủ tục khai báo tạm vắng chuẩn bị hồ sơ theo quy định của pháp luật

- Trường hợp người khai báo tạm vắng là người thuộc các trường hợp quy định tại điểm a, điểm b, khoản 1, Điều 31, Luật Cư trú, hồ sơ gồm:

+ Đề nghị khai báo tạm vắng;

+ Văn bản đồng ý của cơ quan có thẩm quyền giám sát, quản lý, giáo dục người đó.

- Trường hợp người khai báo tạm vắng là người thuộc các trường hợp quy định tại điểm c, điểm d, khoản 1, Điều 31, Luật Cư trú, nội dung khai báo tạm vắng gồm: họ và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân, số hộ chiếu của người khai báo tạm vắng; lý do tạm vắng; thời gian tạm vắng; địa chỉ nơi đến.

- Trường hợp người quy định tại điểm d, khoản 1, Điều 31, Luật Cư trú là người chưa thành niên thì người thực hiện khai báo là cha, mẹ hoặc người giám hộ.

Bước 2: Cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ tại Công an cấp xã, cách thức nộp hồ sơ như sau:
- Trường hợp công dân thuộc quy định tại điểm a, điểm b, khoản 1, Điều 31, Luật Cư trú nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan đăng ký cư trú.

- Trường hợp thuộc quy định tại điểm c, điểm d, khoản 1, Điều 31, Luật Cư trú thì khai báo tạm vắng qua các hình thức:

+ Trực tiếp tại cơ quan đăng ký cư trú hoặc tại địa điểm tiếp nhận khai báo tạm vắng do cơ quan đăng ký cư trú quy định;

+ Số điện thoại hoặc hộp thư điện tử do cơ quan đăng ký cư trú thông báo hoặc niêm yết;

+ Thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, ứng dụng VNelD hoặc dịch vụ công trực tuyến khác;

+ Ứng dụng trên thiết bị điện tử.

Bước 3: Cơ quan đăng ký cư trú tiếp nhận, kiểm tra tính pháp lý và nội dung hồ sơ:

+ Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ thì tiếp nhận hồ sơ và cấp Phiếu tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả (mẫu CT04 ban hành kèm theo Thông tư số 66/2023/TT-BCA) cho người đăng ký;

+ Trường hợp hồ sơ đủ điều kiện nhưng chưa đủ hồ sơ thì hướng dẫn bổ sung, hoàn thiện và cấp Phiếu hướng dẫn bổ sung, hoàn thiện hồ sơ (mẫu CT05 ban hành kèm theo Thông tư số 66/2023/TT-BCA) cho người đăng ký;

+ Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện thì từ chối và cấp Phiếu từ chối tiếp nhận, giải quyết hồ sơ (mẫu CT06 ban hành kèm theo Thông tư số 66/2023/TT-BCA) cho người đăng ký.

Bước 4: Công dân căn cứ theo ngày hẹn trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả để nhận thông báo kết quả giải quyết thủ tục đăng ký cư trú (nếu có).

CTTĐT

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang