(CTT-Đồng Nai) - Chương trình Đẩy mạnh các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa đến năm 2030 với mục tiêu số lượng người sử dụng thư viện và chọn bảo tàng phục vụ nhu cầu học tập, tìm kiếm thông tin, nâng cao hiểu biết tăng bình quân từ 10-15%/năm.
Bảo tàng Đồng Nai trưng bày triển lãm tại Văn miếu Trấn Biên, thu hút học sinh đến tham quan, học tập
Bảo tàng Đồng Nai trưng bày triển lãm tại Văn miếu Trấn Biên, thu hút học sinh đến tham quan, học tập
Trong 2 năm triển khai tại Đồng Nai chương trình đã đạt nhiều kết quả, góp phần thúc đẩy xã hội học tập.
Xuất hiện nhiều mô hình hay
Năm 2024 là năm đầu tiên Thư viện thành phố Long Khánh ra mắt mô hình Xe thư viện lưu động phục vụ bạn đọc. Mô hình được thiết kế khoa học với hàng chục đầu sách, đa dạng chủ đề, thể loại và các trang thiết bị để phục vụ bạn đọc. Đặc biệt, Thư viện thành phố Long Khánh thường xuyên bổ sung các đầu sách báo mới trên xe, có hướng dẫn chuyên môn để bạn đọc dễ dàng tìm những cuốn sách phù hợp.
Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thành phố Long Khánh Nguyễn Thị Thanh Uyên cho hay, mô hình đã và đang phát huy hiệu quả phục vụ lưu động, nhất là đưa sách về với vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố. Ngoài việc phục vụ sách báo, học sinh tham gia mô hình còn được giao lưu, xem phim, tham gia trò chơi đố vui có thưởng… Qua đó, phục vụ tốt hơn nhu cầu đọc sách của người dân, nhất là đối tượng thanh thiếu nhi trên địa bàn thành phố.
Tại huyện Long Thành, trong năm qua, đã ra mắt mô hình Cà phê sách, chuyển đổi số. Mô hình đã tạo ra không gian giải trí lành mạnh, lan tỏa văn hóa đọc trong các tầng lớp nhân dân, qua đó đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội. Đến nay, huyện Long Thành có hơn 20 địa điểm ra mắt mô hình Cà phê sách gắn với chuyển đổi số. Mỗi mô hình đã trưng bày hơn 200 đầu sách thuộc nhiều lĩnh vực như: văn hóa, lịch sử, pháp luật, văn học, thiếu nhi…
Bên cạnh bổ sung sách mới, trong 2 năm 2023-2024, Thư viện Đồng Nai phục vụ hơn 37,2 ngàn lượt bạn đọc tại thư viện, gần 605 ngàn lượt bạn đọc ngoài thư viện và hơn 1,2 triệu lượt bạn đọc truy cập qua internet. Hệ thống thư viện huyện, thành phố đã duy trì tốt hoạt động tuyên truyền nhân các ngày lễ, sự kiện quan trọng với nội dung, hình thức linh hoạt; đồng thời, tăng cường luân chuyển sách về các tủ sách cơ sở trên địa bàn.
Phó Giám đốc Thư viện Đồng Nai Võ Xuân Lê cho biết, việc phục vụ lưu động sách thời gian qua được hệ thống thư viện từ tỉnh đến cơ sở quan tâm, năm sau tăng cường hơn năm trước. Thư viện tỉnh thường xuyên phối hợp với thư viện địa phương tổ chức các đợt phục vụ lưu động, giúp người dân, nhất là các em học sinh, tiếp cận với đa dạng nguồn tài nguyên thông tin. Bạn đọc ở cơ sở hưởng ứng tích cực và hào hứng tìm đọc, chia sẻ những cuốn sách hay.
Bảo tàng Đồng Nai đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức nhiều triển lãm tại bảo tàng và cơ sở như: triển lãm về biển đảo; triển lãm di sản văn hóa vật thể, phi vật thể; triển lãm về kỷ vật thời chiến… nhằm giới thiệu, tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, các hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh, các sự kiện, thành tựu chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh và dân tộc. Qua đó, giáo dục cho thế hệ trẻ truyền thống hào hùng của dân tộc, tìm hiểu về lịch sử của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Số hóa sách và phục vụ bạn đọc qua website, Facebook đã và đang được Thư viện Đồng Nai, các trung tâm văn hóa từ tỉnh đến cơ sở thực hiện từ nhiều năm qua. Đặc biệt, thư viện đã xây dựng hàng chục mã QR cho các sách địa chí; hệ thống trung tâm văn hóa các huyện, thành phố thực hiện mã QR để giới thiệu các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, tạo điều kiện thuận lợi để người dân và du khách tiếp cận với di sản văn hóa.
Hiện Bảo tàng Đồng Nai đã cải tiến website đơn vị, tích hợp dữ liệu tham quan trực tuyến; đồng thời, ứng dụng công nghệ 360, số hóa 3D trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Trong đó, đã xây dựng tour tham quan thực tế ảo Di tích quốc gia Mộ cự thạch Hàng Gòn (thành phố Long Khánh), Văn miếu Trấn Biên, Đền thờ và mộ Nguyễn Hữu Cảnh (thành phố Biên Hòa). Ngoài ra, bảo tàng ứng dụng phần mềm Spotify trong công tác thuyết minh giới thiệu di sản văn hóa tại đơn vị…
Để hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa đến năm 2030 triển khai hiệu quả, thiết thực và đi vào chiều sâu, theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong thời gian tới, sở tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chủ động xã hội hóa, đổi mới nội dung, hình thức trưng bày bảo tàng, thư viện và trung tâm văn hóa các cấp; xây dựng bảo tàng ảo, thư viện số, triển lãm số phục vụ công chúng đến tham quan, học tập, nghiên cứu.
Bên cạnh đó, tăng cường kết hợp với ngành giáo dục và đào tạo, Đoàn thanh niên tổ chức Cuộc thi Hành trình đến với bảo tàng, các cuộc thi viết về những danh nhân, những sự kiện, nhân vật, hiện vật bảo tàng đang trưng bày. Đẩy mạnh công tác sưu tầm, nghiên cứu bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn tỉnh… Qua đó, tạo môi trường thân thiện để người dân và du khách tham gia tích cực hơn các hoạt động học tập, sinh hoạt tại các thiết chế văn hóa của Đồng Nai.