(CTT-Đồng Nai) - Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 22-8-2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nhà ở công nhân, nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025 đã xác định xây dựng 10 ngàn căn nhà ở xã hội. Dù đã có nhiều động thái chăm lo, thúc đẩy, nhưng tiến độ triển khai thực hiện các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn thời gian qua vẫn chậm.
Giám đốc Sở Xây dựng Hồ Văn Hà cho biết, đến nay toàn tỉnh đã hoàn thành đưa vào sử dụng 1.660 căn nhà ở xã hội và đang xây dựng 1.098 căn. Việc xây dựng nhà ở xã hội đang chậm, chưa đạt mục tiêu nghị quyết đề ra. Để đạt mục tiêu 10.000 căn cho cả giai đoạn, năm 2025 Đồng Nai phải đột phá xây dựng thêm ít nhất 7.242 căn nhà ở xã hội.
Nguyên nhân xây nhà ở xã hội chưa đạt yêu cầu do công tác lập hồ sơ chủ trương đầu tư của một số địa phương chưa đạt theo mục tiêu.
Công tác lựa chọn nhà đầu tư chậm, có 9 dự án đã được duyệt chủ trương đầu tư nhưng đến nay mới có 2 dự án trong số này lựa chọn được chủ đầu tư .
Nhiều chủ đầu tư ưu tiên đầu tư nhà ở thương mại, chậm đầu tư hạ tầng kỹ thuật quỹ đất 20% để đầu tư nhà ở xã hội hoặc bàn giao cho nhà nước.
Thủ tục lựa chọn nhà đầu tư mất nhiều thời gian, chưa có quy trình rút gọn hoặc chỉ định nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội.
Mặt khác, sự thay đổi quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục đấu thầu cũng làm chậm tiến độ lựa chọn chủ đầu tư.
Chính sách nhà ở xã hội thay đổi qua nhiều thời kỳ (chính sách 20% sàn hoặc đất kinh doanh thương mại dịch vụ, tiêu chuẩn thiết kế nhà xã hội) làm cho địa phương lúng túng trong việc áp dụng; hoặc phải điều chỉnh, làm chậm tiến độ lập, phê duyệt hồ sơ chủ trương đầu tư.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai Hồ Văn Hà, giải pháp nhằm thu hút đầu tư để đạt mục tiêu về nhà ở xã hội mà Nghị quyết Tỉnh ủy đề ra là đơn vị tham mưu UBND tỉnh sớm trình HĐND tỉnh danh mục các khu đất thực hiện đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất; đồng thời, đẩy nhanh các thủ tục liên quan để lựa chọn nhà đầu tư đối với 7 dự án nhà ở xã hội đã được duyệt chủ trương đầu tư.
UBND các huyện, thành phố tiếp tục rà soát, đề xuất bổ sung quỹ đất khác thay thế có vị trí trung tâm, vị trí phải thuận lợi, phù hợp xây dựng nhà ở xã hội chung cư, báo cáo Sở Xây dựng để bổ sung, điều chỉnh kế hoạch nhà ở xã hội.
UBND thành phố Biên Hòa rà soát các khu đất dự kiến bố trí tái định cư tại kế hoạch nhà ở 2021-2025 đã được duyệt nhưng chưa thực hiện để đề xuất chuyển đổi mục đích sang nhà ở xã hội.
Yêu cầu chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật đất 20%, trực tiếp đầu tư nhà ở xã hội hoặc bàn giao cho nhà nước theo tiến độ đã được phê duyệt.
Theo kế hoạch, năm 2025, Đồng Nai xây dựng khoảng 9.866 căn nhà ở xã hội, gồm có 1.098 căn đang xây dựng năm 2024 chuyển tiếp qua năm 2025 tiếp tục xây dựng và 8.768 căn khởi công xây dựng mới.
Trong đó, hoàn thành 98 căn tại Block CC06 Dự án nhà ở công nhân 2,05ha tại thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom của Công ty cổ phần Thống Nhất. Khởi công mới dự án từ đất công là 3 dự án, quy mô 3.462 căn. Khởi công mới dự án từ quỹ đất 20% của dự án nhà ở thương mại có 7 dự án, quy mô 5.306 căn.
Ngoài ra, nếu tháo gỡ được điểm nghẽn về công tác đầu thầu lựa chọn nhà đầu tư 7 dự án đã được duyệt chủ trương đầu tư và với điều kiện thuận lợi (chỉ định nhà đầu tư quan tâm đạt yêu cầu), trong năm 2025, tỉnh sẽ khởi công xây dựng thêm 7 dự án đã được duyệt chủ trương đầu tư, quy mô 8.000 căn nhà ở xã hội.
Như vậy, các ngành chức năng tỉnh Đồng Nai, mà trực tiếp là Sở Xây dựng và các địa phương liên quan, đã có nhiều nỗ lực đi kèm những động thái tích cực, cần thiết nhằm mời gọi nhà đầu tư quan tâm thực hiện nhiều dự án nhà ở xã hội trên địa bàn, với quyết tâm biến mục tiêu thành hiện thực. Nhưng, sản phẩm cụ thể, kết quả cuối cùng đem lại đến thời điểm này chưa như mong muốn.
Trong khi đó, dự kiến giai đoạn 2026-2030, Đồng Nai xây dựng tối thiểu 40.000 căn nhà ở xã hội.
Đây là thách thức không nhỏ, đòi hỏi đội ngũ cán bộ tỉnh phải hành động quyết liệt với tư duy mới, cách làm mới, kiên trì theo đuổi những mục tiêu tốt đẹp; phải đồng lòng quyết tâm cao, xông pha tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, lấy người dân và doanh nghiệp làm làm trung tâm; huy động, khơi thông mọi nguồn lực bên trong, bên ngoài, tất cả vì sự phát triển kinh tế-văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.