Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Cảnh báo tai nạn pháo nổ dịp cận Tết Nguyên đán

(CTT-Đồng Nai) - Những ngày gần đây, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhập viện cấp cứu do tai nạn pháo nổ. Nhiều trường hợp đã trở thành tàn phế, mất ngón tay, bỏng khắp mặt, khắp cơ thể, phải nằm viện điều trị trong thời gian dài và để lại hậu quả nặng nề.
Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân bị tai nạn pháo nổ bỏng 45% diện tích cơ thể.
Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân bị tai nạn pháo nổ bỏng 45% diện tích cơ thể.

Tự mua đồ trên mạng về chế pháo

Trường hợp đầu tiên là nam bệnh nhân N.H.H., 14 tuổi, ngụ huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Bệnh nhân được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh cấp cứu rồi chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.

Người nhà cho biết, bệnh nhân tự mua đồ chế tạo pháo trên mạng xã hội rồi một mình chế tạo pháo tại nhà, đang nhồi thuốc thì phát nổ.

Bác sĩ Hồ Quốc Bảo, khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bỏng độ 2-3 (độ 4 là nặng nhất) khoảng 45% diện tích cơ thể (gồm vùng đầu mặt, thân mình, 2 tay, 2 chân, bộ phận sinh dục, bỏng mi mắt và bỏng giác mạc độ 1). Bệnh nhân được chuyển đến phòng mổ để cắt lọc vết bỏng dập nát 2 bàn tay, cẳng tay, 2 chân và vùng môi.

Do tình trạng bệnh rất nặng nên bệnh nhân được chuyển đến phòng hồi sức để được chăm sóc đặc biệt. Hiện tại, bệnh nhân đang tiếp tục được điều trị bù dịch tích cực, dùng kháng sinh chống nhiễm trùng, giảm đau, chăm sóc vết bỏng. Các bác sĩ tiên lượng tình trạng bệnh nặng. Do diện tích bỏng rộng nên khả năng nhiễm trùng cao, mất nước.

Theo bác sĩ Bảo, các bác sĩ đang theo dõi sát sao diễn tiến của bệnh nhân. Khả năng bệnh nhân sẽ phải nằm viện điều trị dài ngày. Sau này nếu bệnh nhân xuất viện cũng sẽ để lại sẹo, co rút cơ do bỏng sâu, diện tích bỏng rộng, ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ và chức năng vận động của bệnh nhân tùy vùng cơ co rút.

Mới tối qua, bệnh nhân P.N.K., 14 tuổi, ngụ xã Gia Canh, huyện Định Quán cũng phải nhập viện cấp cứu do tai nạn pháo nổ. Một số ngón tay trên bàn tay phải của bệnh nhân dập nát, tổn thương mô mềm.

Trước đó, bệnh nhân N.V.S., 14 tuổi, ngụ xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom cũng phải nhập viện cấp cứu do tai nạn pháo nổ. Đây được xem là trường hợp nghiêm trọng vì bệnh nhân bị pháo nổ dập nát bàn tay, cụt 2,5 ngón tay của bàn tay trái kèm theo vết thương bụng, ngực.
Vết thương trên cơ thể bệnh nhân do pháo nổ gây ra.
Vết thương trên cơ thể bệnh nhân do pháo nổ gây ra.

Cảnh báo tình trạng mua bán pháo, đồ chế pháo quá dễ dàng

Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Văn Khương, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình - bỏng, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, nhiều năm trước, tai nạn pháo nổ thường xảy ra vào những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Nhưng khoảng 3-4 năm trở lại đây, tai nạn pháo nổ xảy ra quanh năm, cao điểm là những ngày cận tết, trong, sau tết.

Bác sĩ Khương cho biết, hậu quả của vết thương hỏa khí khá nghiêm trọng, thường sẽ mất chi, chi còn lại cũng mất nhiều chức năng, để lại nhiều di chứng. Điều trị tại bệnh viện mới là điều trị bước đầu cho lành vết thương, sau khi xuất viện, bệnh nhân còn phải tập vật lý trị liệu, tái tạo vết thương để sau này bàn tay có được chức năng. Tổng thời gian điều trị phải tính bằng tháng, bằng năm tùy mức độ.

Qua công tác cấp cứu và điều trị, các bác sĩ nhận thấy hầu hết bệnh nhân nhập viện do pháo nổ là nam giới, độ tuổi từ 10-18, nhiều nhất là từ 12-16 tuổi. Đây là độ tuổi mà các em rất tò mò, muốn làm một điều gì đó để chứng tỏ bản thân. Nếu một em đã chế tạo được pháo sẽ đi khoe “chiến tích” với bạn bè, chỉ nhau cách mua đồ chế tạo pháo rồi về nhà tự chế pháo.

Một điều đáng lo ngại nữa là hiện nay có thể mua các đồ chế pháo rất dễ dàng trên mạng xã hội; các bài đăng về mua bán hóa chất, dụng cụ chế tạo pháo hiện lên với mật độ dày đặc.

Điều 5 Nghị định số 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ về Quản lý, sử dụng pháo nêu rõ nghiêm cấm các hành vi như: Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ; nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo hoa, thuốc pháo; giao pháo hoa nổ, thuốc pháo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện theo quy định; hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức.

Tùy thuộc vào tính chất và mức độ vi phạm, hành vi tự ý chế tạo pháo nổ trái phép có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về Xử lý vi phạm về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm, quy định phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi: trao đổi, cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí, công cụ hỗ trợ, pháo hoa nổ, pháo hoa nhập lậu hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; chi tiết, cụm chi tiết vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép.

Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo; Điều 190, Bộ Luật Hình sự cũng quy định rõ các mức phạt tiền và phạt tù đối với các hành vi vi phạm liên quan đến pháo nổ.
Bảo Ngọc

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Kim Long – Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Địa chỉ: Số 02 đường Nguyễn Văn Trị, phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Điện thoại: (0251).3847292.
Ghi rõ nguồn "Cổng Thông tin điện tử tỉnh Đồng Nai" hoặc "CTT-Đồng Nai" hoặc "www.dongnai.g​ov.vn" khi ​phát hành lại thông tin từ các nguồn này.​

ipv6 ready

Chung nhan Tin Nhiem Mang