(CTT-Đồng Nai) - Tiêm vaccine sởi là biện pháp tốt nhất giúp chủ động phòng bệnh sởi. Vì thế trong những ngày qua, rất nhiều phụ huynh đã đưa con đi tiêm vaccine tại các cơ sở tiêm chủng trong tỉnh.
Nhiều phụ huynh và trẻ em ngồi nghỉ, theo dõi sau tiêm vaccine sởi ở CDC Đồng Nai
Nhiều phụ huynh và trẻ em ngồi nghỉ, theo dõi sau tiêm vaccine sởi ở CDC Đồng Nai
Chủ động phòng bệnh
Cả gia đình chị B.P.H, thành phố Biên Hòa mới đây đã đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để tiêm vaccine phòng bệnh.
Chị H cho biết, sau khi xem báo biết thông tin bé trai 3 tuổi chưa tiêm vaccine sởi, mắc sởi và tử vong, chị đã mở sổ tiêm chủng của 2 con (13 tuổi và 8 tuổi) để kiểm tra xem đã tiêm đủ 2 mũi vaccine cho con chưa. Kết quả là con gái 13 tuổi bị lỡ lịch tiêm mũi 2 từ năm ngoái, còn con trai chưa được tiêm mũi vaccine sởi nào.
“Do bận rộn nhiều công việc nên nhiều khi tôi không chú ý đến lịch tiêm của con. Hôm nay chủ nhật, chúng tôi tranh thủ đưa 2 cháu đi tiêm sởi …” - chị H chia sẻ.
Chị T.T.H, ngụ huyện Vĩnh Cửu cũng tranh thủ đầu giờ buổi sáng để đưa con trai năm nay học lớp 2 đi tiêm vaccine sởi tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, “Tôi nghĩ rằng bệnh tật có thể đến bất kỳ lúc nào và không trừ bất kỳ ai nên với những bệnh đã có vaccine phòng ngừa, gia đình tôi đều sẽ tiêm đầy đủ. Thà bỏ tiền để tiêm vaccine còn hơn bỏ tiền, thời gian, công sức để điều trị bệnh tại bệnh viện, khi đó sẽ rất vất vả” - chị Huệ bày tỏ suy nghĩ của mình.
Hiện nay, ngoài Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, người dân còn có thể đi tiêm vaccine sởi dịch vụ tại các trung tâm, đơn vị tiêm chủng trên địa bàn tỉnh như Trung tâm tiêm chủng VNVC, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, Bệnh viện Đồng Nai - 2… Nếu muốn tiêm chủng vaccine sởi miễn phí, phụ huynh cần liên hệ với các trạm y tế nơi mình sinh sống để biết được lịch tiêm trong chương trình Tiêm chủng mở rộng để đưa trẻ đi tiêm (thường vào các ngày đầu tháng).
Dược sĩ Nguyễn Thị Ngọc Mai, Phụ trách Trạm Y tế phường Long Bình, thành phố Biên Hòa cho biết, trạm y tế tiến hành tiêm chủng mở rộng vào các ngày 5, 6, 7, 8 tháng 12, trong đó có cả vaccine sởi. Những trẻ nào từ 1-10 tuổi mà chưa được tiêm vaccine trong Chiến dịch tiêm sởi vừa qua hoặc chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi có thể đến trạm để được tiêm miễn phí.
Trung tâm tiêm chủng VNVC cũng có rất đông người dân đến để tiêm sởi
Trung tâm tiêm chủng VNVC cũng có rất đông người dân đến để tiêm sởi
Cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ
Theo kế hoạch của Chương trình Tiêm chủng mở rộng, trẻ sẽ được tiêm 2 liều vaccine sởi. Liều thứ nhất là ngay khi trẻ đủ 9 tháng tuổi, liều thứ 2 khi trẻ được 18 tháng tuổi. Việc tiêm vaccine sởi đúng lịch, đầy đủ có ý nghĩa quan trọng, giúp tạo miễn dịch sớm để bảo vệ trẻ không bị mắc bệnh. Nếu trẻ không được tiêm đủ số mũi vaccine và đúng lịch sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh.
Bác sĩ Hồ Thị Hồng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nhấn mạnh, các nghiên cứu trên thế giới cho thấy nếu tiêm 1 mũi vaccine sởi vào lúc 9 tháng tuổi, chỉ có khoảng 85% trẻ được tiêm có đáp ứng miễn dịch. Còn lại khoảng 15% số trẻ không có đáp ứng miễn dịch. Việc tiêm mũi vaccine sởi thứ 2 khi trẻ 18 tháng tuổi là cơ hội thứ hai để tạo miễn dịch cho những trường hợp chưa có đáp ứng miễn dịch sau mũi tiêm thứ nhất. Từ đó tăng tỷ lệ trẻ có miễn dịch trong cộng đồng lên trên 95%. Với tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng trên 95% có thể cắt được sự lây truyền của dịch bệnh sởi trong cộng đồng.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận nhiều trường hợp trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc bệnh sởi, trong đó có những trẻ mới 4,5 tháng tuổi. Bác sĩ chuyên khoa II Lưu Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế cho hay, để tạo miễn dịch cho trẻ dưới 9 tháng tuổi, phụ nữ trước khi mang thai cần tiêm đủ các mũi vaccine cần thiết, trong đó có vaccine sởi - rubella. Sau khi sinh con, cần cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu bởi sữa mẹ là tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Qua đó, giúp trẻ có thêm đề kháng, hạn chế mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Tiêm vaccine sởi cho trẻ ở VNVC
Tiêm vaccine sởi cho trẻ ở VNVC