(CTT-Đồng Nai) - Đoàn công tác của Sở Y tế do Phó Giám đốc Sở Y tế Lưu Văn Dũng làm trưởng đoàn vừa giám sát kết quả thực hiện chương trình Tiêm chủng mở rộng tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố Long Khánh và huyện Trảng Bom.
Phó Giám đốc Sở Y tế Lưu Văn Dũng giám sát kết quả chương trình Tiêm chủng mở rộng tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
Phó Giám đốc Sở Y tế Lưu Văn Dũng giám sát kết quả chương trình Tiêm chủng mở rộng tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
Tỷ lệ tiêm chưa đạt kế hoạch đề ra
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, toàn tỉnh hiện có khoảng 41,5 ngàn trẻ dưới 1 tuổi. Trong 10 tháng của năm 2024, tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine trong chương trình Tiêm chủng mở rộng đạt 76,5%, chưa đạt kế hoạch đề ra.
Trong số 11 huyện, thành phố, có 4 địa phương đạt kế hoạch là Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất, Định Quán, còn lại đều đạt dưới 80%. Huyện Tân Phú là địa phương có tỷ lệ trẻ 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ thấp nhất với 60,5%.
Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ chưa đạt kế hoạch là do những tháng đầu năm 2024 vẫn còn thiếu một số loại vaccine trong chương trình Tiêm chủng mở rộng như vaccine ngừa bệnh lao, viêm gan B, viêm não Nhật Bản. Số vaccine này do Bộ Y tế cấp cho các địa phương nên các địa phương không thể chủ động được nguồn vaccine.
Qua giám sát, Phó Giám đốc Sở Y tế Lưu Văn Dũng ghi nhận nỗ lực, cố gắng của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế khối dự phòng. Đồng thời đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiếp tục là đầu mối, đôn đốc các Trung tâm y tế tuyến huyện, trạm y tế xã quản lý chặt chẽ số lượng trẻ em trong độ tuổi trên địa bàn. Từ đó tăng cường các biện pháp truyền thông để phụ huynh đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ tại các trạm y tế.
Đối với dịch bệnh sởi, lãnh đạo Sở Y tế lưu ý, vừa qua Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan và các địa phương tăng cường công tác phòng, chống bệnh sởi. Trong đó đề nghị các bộ, ngành, địa phương phối hợp, chủ động triển khai công tác tiêm vaccine sởi, không để bỏ sót đối tượng trong diện tiêm chủng. Do vậy, đề nghị các địa phương tập trung rà soát đối tượng trong diện tiêm sởi để tổ chức tiêm cho trẻ, tạo miễn dịch cộng đồng càng sớm càng tốt.
Đoàn kiểm tra giám sát tại Trạm y tế xã Bảo Vinh, thành phố Long Khánh
Đoàn kiểm tra giám sát tại Trạm y tế xã Bảo Vinh, thành phố Long Khánh
Lợi ích của chương trình Tiêm chủng mở rộng
Chương trình Tiêm chủng mở rộng là chương trình do Nhà nước tổ chức để tiêm chủng miễn phí đối với các vaccine bắt buộc sử dụng để phòng các bệnh truyền nhiễm cho trẻ em và phụ nữ có thai. Hiện nay, chương trình đang triển khai tiêm chủng vaccine để phòng 10 bệnh truyền nhiễm phổ biến, nguy hiểm, góp phần quan trọng trong việc thanh toán, loại trừ và giảm mạnh các trường hợp bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Để góp phần đạt được mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ số 4 là giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi, Việt Nam cần tiếp tục duy trì những thành quả và tăng cường hơn nữa chất lượng, hiệu quả của Chương trình Tiêm chủng mở rộng.
Theo chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ, Việt Nam phấn đấu đến năm 2025 đạt tỷ lệ tiêm chủng mở rộng cho trẻ em là 90% và bổ sung thêm vaccine phòng 2 bệnh truyền nhiễm; đến năm 2030 bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng đạt 95% và bổ sung tiếp vaccine phòng 2 bệnh truyền nhiễm. Ngày 15-8-2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 104/NQ-CP ngày 15-8-2022 về lộ trình tăng số lượng vắc xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2022 - 2030, trong đó phê duyệt bổ sung 4 loại vaccine trong Tiêm chủng mở rộng đến năm 2030.
Đoàn kiểm tra giám sát tại Trạm y tế xã Bàu Trâm, thành phố Long Khánh
Đoàn kiểm tra giám sát tại Trạm y tế xã Bàu Trâm, thành phố Long Khánh