(CTT-Đồng Nai) - Ngày 28-10, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) năm 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi, dự hội nghị.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức phát biểu tại hội nghị
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức phát biểu tại hội nghị
“Giải tỏa” áp lực nhà ở
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức cho rằng, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh BĐS năm 2024 đã được Quốc hội thông qua và đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8-2024. Việc đảm bảo các điều kiện để 2 dự án luật này cùng với Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực sớm hơn 5 tháng so với quy định là nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ, các bộ nhằm đưa những nội dung mới, mang tính đột phá của luật đi vào cuộc sống, góp phần thực hiện mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng nhà ở, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh, 2 dự án luật nói trên và các nghị định hướng dẫn thi hành đã bao trùm phần lớn các nội dung quản lý nhà nước trong lĩnh vực nhà ở và kinh doanh BĐS. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh tổ chức quản lý, sử dụng, phát triển hiệu quả ở nhà. Để kịp thời đưa luật vào cuộc sống, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả trên phạm vi toàn tỉnh, UBND tỉnh tổ chức này.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị đại biểu tham dự hội nghị tập trung lắng nghe, theo dõi và thảo luận kỹ lưỡng các điểm mới, nội dung còn chưa rõ, có cách hiểu khác nhau để các cơ quan của bộ giải đáp nhằm đạt được sự thống nhất trong nhận thức và tổ chức thực hiện.
Giám đốc sở Hồ Văn Hà cho rằng, tỉnh rất mong muốn tổ chức hội nghị này để sở và các cơ quan quản lý, doanh nghiệp kinh doanh nhà ở, BĐS có cơ hội trao đổi các vướng mắc, quy định còn chưa rõ trong các văn bản luật với lãnh đạo Bộ Xây dựng.
Giám đốc Sở xây dựng nêu lên các vấn đề Đồng Nai còn vướng mắc để lãnh đạo Bộ Xây dựng làm rõ: những dự án phân lô bán nền đã có chủ trương đầu tư trước ngày 1-8-2024; chấp thuận chủ trương đầu tư có trong trương trình phát triển nhà ở giai đoạn đến năm 2030 của tỉnh; cơ chế tháo gỡ bằng quy định chuyển tiếp hoặc nghị quyết đặc thù cho hơn 130 dự án BĐS đang vướng mắc trên địa bàn tỉnh…
Đại diện doanh nghiệp bất động sản trao đổi tại hội nghị
Đại diện doanh nghiệp bất động sản trao đổi tại hội nghị
Cụ thể hóa các quy định
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho rằng, đúng ra, Luật Nhà ở năm 2023 có hiệu lực 1-1-2025. Tuy nhiên, trước những vấn đề bức thiết từ thực tiễn, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội cho phép luật có hiệu lực sớm hơn.
Hiện Chính phủ, các bộ ngành đã ban hành hầu hết các thông tư, nghị định hướng dẫn thi hành để đảm bảo có hiệu lực thi hành đồng thời với 3 dự án luật khác liên quan đến nhà ở là: Luật Kinh doanh BĐS năm 2023 và Luật Đất đai năm 2024. Các luật này là cơ sở pháp lý để tháo gỡ các vướng mắc trong thực tiễn, trong thể chế và tồn tại trong cách thức thực hiện.
Ông Khởi cho rằng, Luật Nhà ở hiện hành có nhiều nội dung cụ thể, chi tiết có thể áp dụng ngay mà không cần phải chờ nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành. Điển hình luật quy định cụ thể các hình thức tái định cư là: Xây dựng nhà ở theo dự án; đặt hàng hoặc mua nhà ở thương mại; tái định cư bằng tiền… Điều này giúp địa phương lựa chọn hình thức phù hợp với điều kiện thực tiễn, người được tái định cư lựa chọn hình thức phù hợp với nhu cầu.
Đối với tỉnh Đồng Nai, ông Khởi lưu ý, thành phố Biên Hòa là đô thị loại 1, việc bố trí tái định cư các dự án sau ngày 1-8-2024 chỉ có thể mua nhà ở thương mại, nhà ở xã hội hoặc thanh toán tiền chứ không được làm các khu tái định cư hình thức phân lô như trước đây. Quy định này là nhằm hạn chế tình trạng thừa nhà ở tái định cư (như Thành phố Hồ Chí Minh 12 ngàn căn), rất lãng phí.
Ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) đã phổ biến những nội dung trọng tâm, những điểm mới của Luật Kinh doanh BĐS năm 2023. Đối với dự án luật này, ông Dũng lưu ý, có nhiều quy định thuộc thẩm quyền quyết định của địa phương. Cơ quan quản lý nhà nước, nhất là Sở Xây dựng xem xét, tham mưu để UBND tỉnh ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản làm cơ sở để triển khai thực hiện.
Cũng theo ông Dũng, luật Luật Kinh doanh BĐS năm 2023 tháo gỡ nhiều vướng mắc cho chủ đầu tư lẫn khách hàng trong bán/mua nhà ở hình thành trong tương lai. Luật bổ sung quy định về công khai thông tin dự án nhằm hạn chế tình trạng huy động vốn, chuyển nhượng, bán sản phẩm không đúng quy định...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, những nội dung các báo cáo viên trao đổi tại hội nghị này mang tính chuyên môn chuyên sâu, rất thiết thực, bổ ích để các cơ quan, đơn vị các sở ngành địa phương tiếp thu, học tập và vận dụng vào thực tế. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng khẳng định, đây là những nội dung mới, quan trọng mà địa tỉnh phải thực hiện trong thời gian tới để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước lĩnh vực nhà ở, BĐS. Vì thế, các đại biểu dự hội nghị cần tiếp tục nghiên cứu kỹ nội dung của 2 luật trên để vận dụng, thực hiện trong thời gian tới.