Tỉnh Đồng Nai bắt đầu triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch vào ngày 21-4-2021. Đến nay, tỷ lệ bao phủ mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên trong tỉnh đã đạt gần 90%. Các cơ sở y tế trong tỉnh đang tiếp tục triển khai tiêm mũi 3 cho các lực lượng tuyến đầu như y tế, công an, quân đội, phóng viên… nhằm sớm tạo miễn dịch cộng đồng.
Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai
Tiêm vaccine có ý nghĩa quan trọng
Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ cho biết, tính từ đầu đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 86 ngàn ca bệnh Covid-19, trong đó có hơn 84% bệnh nhân đã khỏi bệnh, hơn 700 bệnh nhân tử vong.
Trong tuần gần đây nhất, toàn tỉnh ghi nhận 53 bệnh nhân mắc Covid-19 tử vong, tăng 23 ca so với tuần trước đó. Trong số 53 ca tử vong có 51 ca có bệnh nền (tỷ lệ 96%) như: béo phì, tăng huyết áp, suy thận, suy tim, ung thư giai đoạn cuối… Do mắc các bệnh nền khá nặng kèm với mắc bệnh Covid-19 khiến các bệnh nhân dễ tử vong. Ngoài ra, có 29 ca bệnh tử vong mà chưa tiêm liều vaccine nào (tỷ lệ 54,7%), 8 ca đã tiêm 1 mũi vaccine phòng Covid-19 và 16 ca đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.
“Đa số các trường hợp đã tiêm 1 mũi, 2 mũi vaccine tử vong là những trường hợp có bệnh nền nguy hiểm kèm theo từ trước đó. Bởi vậy, đến khi mắc thêm bệnh Covid-19, tình trạng bệnh nhân trở nặng nhanh dẫn đến tử vong. Thực tế cho thấy, người dân đã tiêm đủ 2 mũi vaccine nếu không mắc các bệnh nền nguy hiểm khi nhiễm Covid-19 thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Do đó, các địa phương cần rà soát lại toàn bộ người dân trong độ tuổi trên địa bàn, những ai chưa tiêm vaccine, tiêm chưa đủ liều thì tiến hành tiêm ngay để bảo vệ sức khỏe cho người dân” - BS Vũ nhấn mạnh.
Kháng thể suy giảm sau từ 8-12 tháng
Nhân viên y tế làm nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 3
TS-BS Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho hay, việc chích vaccine phòng Covid-19 có ý nghĩa quan trọng. Bởi sau khi đã được chích vaccine, nếu virus vào cơ thể sẽ bị kháng thể tiêu diệt gần hết, không tạo thành những cơn bão cytokine tàn phá phổi và gây nguy cơ tử vong đối với bệnh nhân Covid-19. Tuy nhiên, kháng thể này suy giảm theo thời gian (sau từ 8-12 tháng) nên việc chích ngừa liều tăng cường (mũi 3) cho lực lượng tuyến đầu nói riêng và toàn dân nói chung là rất cần thiết. Mục đích nhằm tạo miễn dịch cộng đồng. Khi đã đạt được miễn dịch cộng đồng, chúng ta có thể xem bệnh Covid-19 như bệnh cúm mùa, sống chung với Covid-19 như những bệnh cúm khác.
“Một đất nước phải phát triển kinh tế - xã hội nhưng cứ đóng cửa, giãn cách mãi thì không thể phát triển được. Do vậy, nhiệm vụ trọng tâm lúc này là phải phủ hết vaccine. Sau tiêm vaccine, người dân vẫn cần thực hiện nghiêm 5K để giảm số ca mắc, giảm số ca bệnh nặng và tử vong. Không nên quá hoang mang, lo sợ trước dịch bệnh nhưng cũng không nên chủ quan rằng đã tiêm vaccine thì không bị nhiễm bệnh. Ngược lại, người đã tiêm đủ vaccine vẫn có thể nhiễm bệnh, vẫn có thể lây cho những người khác và vẫn có thể tử vong nếu mắc các bệnh nền nguy hiểm” - TS-BS Phạm Văn Dũng nói.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị người dân trong tỉnh tiếp tục nâng cao ý thức tự giác, chấp hành nghiêm 5K trong phòng, chống dịch. Đặc biệt, những người già trên 65 tuổi, người mắc các bệnh nền nguy hiểm như ung thư giai đoạn cuối, suy thận, tiểu đường, tăng huyết áp, béo phì… cần hết sức giữ gìn để không bị nhiễm bệnh. Bởi đây là những đối tượng rất dễ trở nặng và tử vong nếu nhiễm Covid-19.
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Ngô Đức Tuấn cho biết, đến nay bệnh viện đã tiêm phủ mũi 3 cho toàn bộ nhân viên y tế của bệnh viện và đang tiếp tục triển khai tiêm cho các lực lượng tuyến đầu khác. Việc tiêm vaccine mũi 3 là tiền đề để giảm số ca bệnh nặng và số ca tử vong do Covid-19 trong thời gian tới.
Việt Anh